(VNE) – Chắc chắn tôi sẽ còn quay lại Hà Giang thêm vài lần nữa để tìm lại cảm giác tuyệt vời mà e rằng cả cuộc đời còn lại chưa chắc tôi có điều kiện chiêm ngưỡng hết…
Sau 7 tiếng ngủ trên xe từ Hà Nội, tôi đến Hà Giang vào khoảng 4h30 sáng. Buổi sớm ở vùng cao khá vắng vẻ và mát mẻ, không khí yên bình, nhẹ nhàng trong màn sương. Sau khi tự vận động để bản thân tỉnh táo, tôi tiếp nhận xe máy đã thuê từ trước để bắt đầu cuộc hành trình cùng một người có cùng niềm đam mê du lịch.
Điểm tâm sáng ở Hà Giang không nhiều, tôi chỉ thấy vỏn vẻn 3 món chính đó là phở (phở gà, lòng gà, bò… hương vị khác phở Hà Nội và miền Nam), bánh cuốn ăn với nước lèo và xôi mặn.
Khoảng 7h, tôi bắt đầu chạy theo cung đường mang tên Hạnh Phúc – tuyến đường chính dài xuyên suốt cuộc hành trình từ thành phố Hà Giang đến Đồng Văn. Sở dĩ mang tên Hạnh Phúc vì nó được xây dựng bởi mồ hôi, nước mắt và ước mơ hạnh phúc của hàng vạn người dân nơi đây.
Phương tiện đi lại hiếm hoi, núi non trùng điệp và hiểm trở, nhân công thì ít ỏi… đủ để thấy việc làm nên cung đường này là hết sức gian nan và khó nhọc. Do đó, Hạnh Phúc như là tiếng gọi thân thương của người dân thay cho lời tri ân gửi đến những con người đã khó nhọc tạo ra nó.
Khoảng cách từ Hà Giang đến Đồng Văn khoảng 150 km, trong đó có đến 95% là đường đèo núi, bề ngang trung bình chỉ vừa hai chiếc xe hơi cỡ nhỏ, phải nép mình mới có thể qua được. Khung cảnh một bên là suối, thác, vực hoặc thung lũng, còn một bên là núi đá cao ngất trời.
Chúng tôi chạy khoảng 5 km thì trời bắt đầu mưa, lần đầu tiên đi trên cung đường này, tôi chưa biết thực sự nó sẽ khó khăn thế nào. Mưa kéo dài suốt 40 km khiến chúng tôi hơi buồn, một phần vì không thể ngắm cảnh, chụp hình, một phần lo ngại vấn đề an toàn của cuộc hành trình khi chạy trên cung đường mới với chiếc xe lạ lẫm, chở đầy hành lý cồng kềnh.
Sau 2 tiếng, tôi cũng đến được Cổng trời Quản Bạ (thuộc huyện Quản Bạ) và may mắn là trời cũng đã hết mưa. Niềm vui sướng khi đứng trên cổng trời chiêm ngưỡng toàn cảnh thung lũng phía dưới với những đoạn đường uốn lượn quanh núi đồi.
NISAVA
Xung quanh phía xa xa là những dãy núi trùng điệp, nhấp nhô cùng những đám mây bay là là ngay đỉnh núi. Đó là cảm giác tuyệt vời mà tôi sẽ khó có thể quên trong chuyến hành trình này.
Cơn mưa tạnh, bầu trời cũng trong xanh và sáng hẳn ra khiến khung cảnh càng trở nên hùng vĩ, xanh mát hơn. Ngay trên cổng trời, hướng mắt về phía dưới của thung lũng là núi đôi Quản Bạ cùng với một thị trấn nhỏ ngay giữa những ruộng lúa vàng ươm đang trổ bông.
Ngồi nhấp từng ngụm chè nóng, khá đắng giữa cảnh thiên nhiên tuyệt vời này, ai cũng thấy ấm lòng sau cơn mưa lạnh buốt của vùng cao.
Khoảng 11h, chúng tôi tiếp tục đến với huyện Yên Minh (cách Quản Bạ 55 km trên cung đường Hạnh Phúc). Những đoạn đèo dốc ngày càng cao, khung cảnh núi rừng mỗi nơi mỗi khác nhưng vẫn nhấp nhô trùng điệp.
Trên hành trình đến Yên Minh, có một đoạn đường đẹp khó tả, chúng tôi phải leo dốc rất cao theo hướng zig zag rồi bằng phẳng khi chạy qua một khe núi lớn và dài. Giữa khe núi ấy là con đường Hạnh Phúc và một con sông vàng chảy xiết nằm bên trái. Ánh nắng dường như không có vì cung đường này luôn được các dãy núi cao bao quanh.
Chúng tôi phải đi qua đoạn đường đèo quanh co liên tiếp, có những đoạn vừa cong như khuỷu tay, lại vừa lên cao khá nguy hiểm nhưng trải nghiệm thì rất thú vị. Đến Yên Minh cũng gần 2h trưa, vì thế hai chị em tôi quyết định ăn trưa ngay trên xe.
Từ Yên Minh tiếp tục chạy theo con đường Hạnh Phúc, tôi tiến dần đến huyện Đồng Văn, ngang qua cao nguyên đá Đồng Văn. Công viên địa chất toàn cầu dần dần xuất hiện mỗi khi qua một đoạn dốc hay khe núi.
Phía trên cao là cảnh tượng hùng vĩ, xung quanh chúng tôi có cả hàng chục, hàng trăm dãy núi màu đen tím – màu của đá dưới ánh sáng mặt trời, cao sừng sững nhấp nhô bao bọc con đường uốn lượn nằm ngang núi mà tôi đang đứng.
NISAVA
Hướng tầm mắt xuống thấp hơn là những thung lũng đá và đôi lúc có hang động sâu khiến nơi đây như chốn bồng lai tiên cảnh. Không khí càng lên cao càng lạnh nhưng không làm chúng tôi cảm thấy lẻ loi, mà đổi lại là sự hào hứng khi thỉnh thoảng vẫn gặp một số đoàn xe đi phượt chạy ngang qua, hoặc một vài người dân tộc chở hàng chạy theo chiều ngược lại.
Cách Yên Minh khoảng 30km là dinh Vua Mèo (dinh thự của Vua Mèo Vương Chính Đức tại Sà Phìn) – điểm tham quan mà bất cứ ai khi đến nơi đây cũng phải ghé qua.
Lúc này khoảng 4h chiều, trời cũng tắt nắng, sương càng nhiều và lạnh. Chúng tôi lặng yên nghe người hướng dẫn nói qua những điểm đặc sắc của dinh thự, chụp một vài bức hình rồi tiếp tục di chuyển về trung tâm của huyện Đồng Văn cách đó khoảng 30 km nữa.
Vừa qua con dốc cao, trung tâm Đồng Văn hiện ra trước mắt, khi ấy cũng đã 5h chiều. Chúng tôi nhận phòng tại khách sạn nằm ngay chợ huyện, vệ sinh cá nhân, và ăn tối lúc 7h30. Thời tiết ở đây khá lạnh nhưng không đến mức rét.
Tại đây, có rất nhiều món ăn đặc trưng của vùng cao như gà đen, gà nòi, bò, dê, heo mọi… ăn kèm với các loại rau rừng mà đặc biệt là rau tam giác mạch, có vị chua chua chát chát, tuy lạ nhưng rất thơm ngon. Ngoài các quán ăn, còn có một số quán cà phê trong phố cổ.
—-
Tờ mờ sáng, tiếng ồn ào, náo nhiệt của người dân tại chợ phiên đã vang lên. Tiếng kêu gọi, buôn bán, mời chào của các chị, các cô khiến tôi rất háo hức.
Chợ chỉ họp vào sáng chủ nhật. Chỉ cuối tuần, người dân ở các huyện lân cận mới chở hàng lên và tập trung buôn bán, trao đổi hàng hóa, sẵn dịp mua sắm những nhu yếu phẩm cần dùng.
NISAVA
Tôi dạo quanh một góc chợ, các hàng hóa bày bán la liệt với đủ thứ mặt hàng như nông sản, trái cây, quần áo, chăn màn… Người dân ở đây rất thân thiện và dễ chịu.
Khu bán hàng ăn sáng trong chợ có hơn 20 quán phở và chỉ một quán bán thắng cố. Cảm nhận ban đầu của tôi về thắng cố là nhìn chiếc chảo thấy hơi ghê, nó đen sánh và có mùi khá nồng nặc.
Nếm một muỗng thắng cố, tôi thấy có mùi vị nhợt nhạt, cứ như nước pha một chút muối nên lợ lợ. Thịt và lòng bò có vị hơi tanh, giống như chỉ được sơ chế mà thôi. Ăn vài muỗng thấy không hợp nên tôi chuyển qua ăn phở. Phở ở đây chủ yếu ăn với thịt heo rừng quay hoặc chiên lên, cũng khá ngon.
Sau khi tham quan chợ phiên Đồng Văn, tôi về khách sạn thu dọn hành lý, rồi chạy xe đi Mã Pì Lèng – một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam, cách trung tâm huyện Đồng Văn khoảng 13 km.
Đèo Mã Pì Lèng cao khoảng 2.000 m so với mực nước biển. Khung cảnh nơi đây thật tuyệt vời, tôi chưa bao giờ được chiêm ngưỡng cảnh quan nào đẹp hơn thế.
Những mỏm núi cao nhấp nhô gợn sóng phía đỉnh trời, xa xa là những con đường ngoằn nghèo, uốn lượn ôm trọn những ngọn núi xanh rì. Phía dưới thung lũng sâu của đỉnh Mã Pì Lèng là dòng sông Nho Quế vàng óng đang uốn mình êm ả. Mọi thứ hòa quyện để tạo nên khung cảnh thiên nhiên không thể đẹp và kỳ vĩ hơn nữa.
Rời Mã Pì Lèng, chúng tôi quay về khách sạn check out và lên đường đến xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn), nơi có cột cờ Lũng Cú cao 1.700 m so với mực nước biển và là điểm cực Bắc của Tổ quốc.
NISAVA
Từ Đồng Văn, xe chúng tôi tiếp tục chạy lên những con dốc rất cao, vắng lặng, xung quanh không một bóng người, không gian đầy tĩnh lặng, lâu lâu chỉ nghe một vài âm thanh của chim chóc ở sườn núi.
Dường như lỗi đến Lũng Cú là một trong những cung đường cao nhất tại Hà Giang. Nhìn quanh bốn bề, tôi không còn thấy những đỉnh núi nào cao hơn thế nữa.
Chúng tôi đến cột cờ Lũng Cú khoảng 12h trưa, tham quan, chụp hình, ăn trưa xong, 2h chiều hai chị em xuất phát về lại Hà Giang. Chúng tôi vẫn đi lại con đường cũ, nhưng có một đoạn từ Lũng Cú về dinh Vua Mèo khá nguy hiểm do đường vắng, lại có nhiều đoạn đá lở….
Tuy nhiên, đổi lại cảm giác lo lắng đoạn đường xấu thì niềm vui của tôi lại được khơi nguồn từ những đứa trẻ vùng cao. Do điều kiện kinh tế khó khăn, trẻ con nơi đây phải sống lam lũ từ nhỏ, không có đồ chơi, các em phải ra đường nghịch cát, bứt hoa…
Niềm vui của trẻ vùng cao gắn liền với núi rừng và những con đường mòn. Khi nghe tiếng xe máy chạy qua, các em lại vội vã chạy ra cười tươi, vẫy tay chào rồi nói câu tạm biệt hoặc “bye bye”. Một số em còn hái hoa ven đường bó lại và bán cho những người đi phượt ngang qua.
Xuất phát về trễ nên khi tới Quản Bạ (cách Hà Giang khoảng 40 km) thì trời bắt đầu sụp tối. Tôi cố gắng tập trung chạy thật nhanh trong phạm vi an toàn nhất có thể để nhanh về Hà Giang, xung quanh không một bóng người cũng như bất kỳ ánh sáng nào ngoài đèn xe của tôi.
Tôi cố chạy nhanh trên những đoạn đèo, không gian ngày càng tối và tĩnh mịch, đâu đó chỉ còn tiếng của núi rừng buổi đêm. Cảm giác lo sợ tràn ngập trong lòng nhưng điều cần thiết lúc này đối với tôi đó là sự bình tĩnh, và cố gắng vượt qua.
Tôi đếm từng cây số trên các cột mốc để mong tới nơi thật nhanh, thoát khỏi bóng tối đáng sợ này… và đó cũng chính là kỷ niệm đáng sợ nhất của tôi từ trước đến giờ khi đi phượt. Đến thành phố Hà Giang, tôi dừng lại ăn tối mà tâm trạng vẫn còn lo sợ vì đoạn đường đèo 40 km không thể nào quên.
NISAVA
Chuyến đi của tôi kết thúc trong sự tiếc nuối, khi phải rời khỏi cung đường ấy với muôn vàn khung cảnh tuyệt đẹp. Đó cũng sẽ là chuyến đi mang lại cho tôi nhiều điều thú vị cũng như những trải nghiệm khó quên, ngay cả lúc tôi bị bủa vây bởi màn đêm núi rừng.
Chắc chắn tôi sẽ còn quay lại Hà Giang thêm vài lần nữa, để tìm lại cảm giác tuyệt vời mà tôi e rằng cả cuộc đời còn lại chưa chắc tôi có điều kiện chiêm ngưỡng, những nơi có khung cảnh đẹp và kỳ vĩ hơn những cảnh mà tôi đã đi qua.
Theo Kido (Dulich.NISAVA)
NISAVA TRAVEL!