(TTO) – Núi Cà Đam là ngọn núi cao 1.431m, cao nhất trong các ngọn núi ở Quảng Ngãi. Ở đây quanh năm suốt tháng mây vờn, nhiều đồng bào dân tộc thi thoảng đi rừng còn nhìn thấy loài sâm bảy lá…
< Núi Cà Đam là cách gọi của người Kor, còn người Kinh gọi là núi Vân Phong.
Chừng 10 năm trước, khi công trình hồ chứa nước Nước Trong được xây dựng, con đường liên huyện Di Lăng – Trà Trung được hình thành, người đi trên con đường này mới “mục kích” được Cà Đam từ xa. Bởi từ đường liên huyện lên đến chân núi thuộc thôn Quế xã Trà Bùi còn phải ngược lối mòn thêm 5km quanh co, dốc dựng.
< Nhằm hướng Cà Đam.
Cà Đam (hay Vân Phong) nằm ở vùng xa, giáp ranh ba huyện miền núi Sơn Hà, Trà Bồng và Sơn Tây. Mặc dù được xếp vào hàng danh sơn, nằm trong 12 danh thắng của Quảng Ngãi nhưng từ lâu ngọn núi vẫn ngủ yên trong đại ngàn hoang vắng.
NISAVA
Đến đầu năm 2015, huyện Trà Bồng mở đường lên núi mà lối đi chỉ vừa đủ cho chiếc xe hai cầu đi qua thì danh thắng này mới được đánh thức. Tuy vậy, địa hình quanh co hiểm trở, một cơn mưa rừng là trở nên lầy lội, tắc đường. Đó là chưa kể loài vắt rừng nằm trên lá cây, ven dòng suối mà nếu dừng lại giây lâu hơi người bốc ra là chúng bu bám hút máu nên nhiều người lo ngại. Sự hoang sơ của Cà Đam đã gợi mở để cuối năm 2015 này chúng tôi tìm về phía núi.
< Chỉ một cơn mưa rừng ập đến núi đã trở thành một màng trắng xốp như bông.
Lên núi cùng mây
Từ TP Quảng Ngãi phải vượt qua 50km lên huyện miền núi Trà Bồng. Từ đó theo đường liên huyện Trà Bồng – Tây Trà qua dốc Eo Chim cao trên 1.000m rồi vượt thêm một cung đường dài khoảng 20km để đến chân con đường mới mở lên Cà Đam.
Mùa đông, ngược đường lên núi, có nhiều đoạn ngập trong bùn lầy, xe tua ngược. Tuy vậy, mọi người vẫn say sưa ngắm những rẫy quế xanh tốt, những xóm nhà của đồng bào dân tộc Kor nằm chênh vênh giữa đại ngàn. Bên khe suối trong vắt có nhiều loài dương xỉ và xa là cánh rừng xanh có những cây cổ thụ vươn cành như những chàng trai Kor dang đôi tay trần khỏe khoắn trên những nóc buôn trong ngày hội lớn.
< Xóm nhà đồng bào dân tộc Kor ở lưng chừng Cà Đam, thuộc thôn Quế xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng.
Cà Đam chinh phục khách đường xa bằng dãy núi hùng vĩ, có chóp núi cao ngất giữa lưng chừng trời. Theo gió, mây ngàn tụ hội rồi kéo nhau đi, màu xanh của núi lại hiện ra rồi thoáng chốc lại lẫn khuất trong mây.
NISAVA
Nhớ lại, sách Đại Nam nhất thống chí của Triều Nguyễn mô tả về núi Vân Phong: “Hình núi cao chót vót lên giữa từng trời, đứng xa trông thấy tươi sáng. Chót núi dờn dợn mây bay, suốt ngày khí sắc như lúc trời mới sáng hay sau cơn mưa tạnh. Quảng Ngãi có 10 thắng cảnh. Đây là 1 cảnh “Vân phong túc võ” (núi Vân mưa đêm). Núi này nằm trong đất Man ít người đi đến”. Quả là đúng như vậy.
< Điểm trường tiểu học ở thôn Quế, xã Trà Bùi dưới chân Cà Đam.
Len lỏi trên núi cao, chúng tôi mục kích một dòng thác trắng ngần buông lơi mà dân trong vùng gọi là thác Ba Tầng. Thác chảy ào ạt quanh năm. Mùa hạ, khi mặt trời phản chiếu, dòng nước uốn cong như dải lụa mềm. Những chàng trai, cô gái Kor ở thôn Quế, xã Trà Bùi nằm dưới chân núi sau một ngày đi rừng lại tắm mình trong dòng nước mát để quên đi hết những mệt nhọc.
Điều thú vị là ở Cà Đam lâu nay chưa có đường lên, cánh lâm tặc chưa dòm ngó nên rừng phủ một màu xanh bạt ngàn. Đồng bào dân tộc trong vùng ngày thường vẫn nghe tiếng con mang tác, thậm chí những năm trước đây thi thoảng còn nghe tiếng gầm của chúa sơm lâm.
< Đồng bào dân tộc Kor trồng quế dưới chân Cà Đam.
Uống chè xanh ở đất của loài sâm bảy lá
Cà Đam có nhiệt độ trung bình 20 độ C nên trong mùa hạ khi miền Trung nắng như dội lửa, nơi đây khí trời vẫn mát dịu. Còn mùa đông đến đây, giá lạnh len lỏi qua lớp áo dày. Những bản làng thưa thớt của đồng bào dân tộc vì thế ngày nối ngày cứ bập bùng ánh lửa.
NISAVA
Những củ khoai mì trên rẫy được vùi sâu trong lớp than hồng vừa chín tới thơm nức mũi sẽ là món khoái khẩu mà đồng bào dân tộc dùng để của bạn trẻ khi ngược đường khám phá Cà Đam.
Cà Đam xa xôi và hoang sơ, không có một ngôi nhà một lán trại để đón khách nên chúng tôi chỉ còn cách tìm đến những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc nghỉ qua đêm và thưởng thức một buổi sáng trong lành ở miền sơn cước từ lúc tiếng gà rừng gáy vang gọi bạn. Nhiều đồng bào dân tộc cho hay sau vụ thu hoạch lúa rẫy, đồng bào dân tộc tổ chức tết Ngã rạ mừng mùa lúa mới. Lúc đó, tiếng chiêng sẽ ngân vang lên tận đỉnh Cà Đam.
< Một củ sâm “bảy lá” được người dân mang từ rừng về trồng trong vườn nhà.
Khí hậu quanh năm mát mẻ nên cây quế trồng nơi đây vỏ cũng dày hơn, thơm hơn. Quanh thôn Quế, đồng bào dân tộc còn trồng những vườn chè xanh ngát. Khách đến thăm, đồng bào dân tộc hái lá tươi đem vò rồi đun nấu màu nước vàng óng, uống vào dư vị như còn đọng nơi đầu lưỡi.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc cho biết thi thoảng đi rừng họ còn thấy loài sâm bảy lá. Đây là loài sâm quý mà ở Quảng Ngãi chỉ mới phát hiện có trên đỉnh núi này.
< Giống heo Kiềng Sắt thịt thơm ngon là vật nuôi của đồng bào dân tộc Kor ở thôn Quế. Giống heo này đang được tỉnh Quảng Ngãi xây dựng đề án bảo tồn gen.
Ở Cà Đam trong ngày khí hậu cũng thay đổi. Nếu buổi sáng ấm áp thì đến trưa trời mát mẻ, chiều xuống se lạnh và đêm mùa đông thì giá lạnh hơn nhiều. Và cái giá lạnh và cô đơn giữa đêm đông nơi miền sơn cước sẽ là trải nghiệm thú vị của những người ưa khám phá, phiêu lưu.
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) Nguyễn Xuân Bắc cho biết núi Cà Đam nằm trong đề án phát triển du lịch loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đã được huyện Trà Bồng phê duyệt từ tháng 10-2011.
Mới đây, ngày 19-11, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cùng lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan cũng đã về khảo sát kiểm tra thực tế tại núi này. Theo ông Căng, ở đây có đủ điều kiện để xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, kết hợp với việc xây dựng mô hình trồng dược liệu quý như cây sâm bảy lá. Trước mắt tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 2 con đường lên núi Cà Đam. Trên cơ sở đó, Quảng Ngãi sẽ kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển khu du lịch này.
Theo Võ Qúy Cầu (Tuổi Trẻ)
NISAVA TRAVEL!
Vân Phong Túc Vũ – Quảng Ngãi
Khu rừng ngàn tỷ dưới chân ngọn Cà Đam