(BQN) – Trên bờ biển Quảng Ngãi có 6 cửa biển, lần lượt từ bắc vào Nam là Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, cửa Lở, Mỹ Á và Sa Huỳnh. Cả 6 cửa biển này đều xuất hiện trong ca dao bằng hình ảnh gần gũi, thân thương, gắn bó sâu nặng với sản xuất, sinh hoạt và đời sống tình cảm của những người cần lao.
Nằm ở phía đông bắc huyện Bình Sơn (phía bắc tỉnh), cửa Sa Cần (còn có tên gọi là Thái Cần, Thế Cần, Sơn Trà), thuộc thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh và thôn Sơn Trà, xã Bình Đông là nơi sông Trà Bồng đổ ra biển. Trước cửa Sa Cần có một đảo nhỏ án ngữ là hòn Ông; phía đông bắc có các đảo và doi cát như núi Co Co (còn gọi là hòn Cổ Ngựa), có mũi Túi – mũi Đất che chắn các hướng sóng Đông và Đông Bắc. Vì vậy, cửa biển này ít bị xói lở, bồi lấp, tương đối khuất sóng gió, là nơi neo đậu rất tốt cho tàu thuyền.
Sa Cần là cửa biển đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi kể từ phía bắc: Sa Cần, Châu Ổ bao xa/ Ngoài mũi Cây Quýt thiệt là Tổng Binh/ Nam Châm, Cổ Ngựa trời sinh/ Làng Gành, Mỹ Giảng ăn quanh Vũng Tàu.
NISAVA
Nằm trong cửa Sa Cần là cửa Sa Kỳ. Đây là cửa biển nằm ở phía đông nam huyện Bình Sơn và đông bắc TP.Quảng Ngãi, giữa hai xã Bình Châu và Tịnh Kỳ, nơi sông Châu Me và sông Chợ Mới đổ về. Sa Kỳ là nơi đi thuyền ra đảo Lý Sơn (cù lao Ré) gần nhất so với các cửa biển khác: Đi ngang qua mũi Sa Kỳ/ Ngó ra lao Ré xiết chi thảm sầu!
Trong quá khứ, chúa Nguyễn đã sai quân binh trưng dụng ngư dân làng An Hải (nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) và làng An Vĩnh (nay thuộc xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi) thành lập đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển và tìm kiếm hải vật ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sa Kỳ chính là nơi đội Hoàng Sa làm lễ xuất bến khi đi và dâng lễ hoàn nguyện khi về. Sau này, khi người các đội Hoàng Sa được lấy chủ yếu ở An Vĩnh và An Hải của cù lao Ré (đảo Lý Sơn) thì những buổi lễ này mới được tổ chức ở đảo Lý Sơn. NISAVA
Nay thuộc thành phố Quảng Ngãi, cửa Cổ Lũy còn có tên gọi là cửa Đại, nằm giữa các xã Nghĩa Phú, Nghĩa An và xã Tịnh Khê, nơi hai con sông lớn Trà Khúc và sông Vệ đổ về. Cửa biển hẹp nhưng có vũng sâu, tàu lớn, ghe bầu có thể ra vào được. Vùng cửa Đại nổi tiếng với phố cổ Thu Xà, bến cảng Phú Thọ sầm uất một thời. Nơi đây cũng có nhiều cảnh đẹp hàng đầu của Quảng Ngãi: Tư Nghĩa, cửa Đại là đây/ Gành Hào, núi Quế đá xây nên chùa/ Dưới thời bông súng nở đua/ Ngó lên trên chùa đá dựng kiểng giăng/ Ngó qua bên xóm Trường An/ Ngó xuống Hòn Sụp cát vàng soi dương.
Trong khi đó, cửa Lở nằm giữa xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) và xã Đức Lợi (Mộ Đức), là nơi sông Vệ đổ ra biển. Cửa biển này hẹp và cạn, hàng năm bị bồi lấp mạnh, không được thuận lợi cho thuyền bè ra vào. Vùng cửa Lở nổi tiếng với nghề làm mắm ở làng Kỳ Tân và làng An Chuẩn thuộc xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức. Hai làng gần nhau, nhưng có những năm, vào mùa mưa, nước dâng, cát bồi lấp khiến đường đi lối lại thật lắm khó khăn: Kỳ Tân, An Chuẩn bao xa/ Chàng đi thiếp ở lại nhà sầu thương.
Xuôi về phía nam, cửa Mỹ Á nằm giữa địa phận các xã Phổ Quang, Phổ Minh và Phổ Vinh thuộc huyện Đức Phổ, nơi sông Trà Câu đổ ra biển. Cửa Mỹ Á là chỗ ghe thuyền ra vào tránh bão, trao đổi hàng hóa và dịch vụ nghề cá. Cá, mắm từ cửa Mỹ Á theo đường ghe kinh, ngược dòng Trà Câu đến với vùng trung du và thượng nguồn, phía Minh Long, Ba Tơ: Nắng đò ngang nắng về Mỹ Á/ Lộng gió nồm nam thuyền cá quay về/ Anh với em nặng mối tình quê/ Thương nhau chung thủy như đôi ghe chung buồm.
Còn ở cực Nam của tỉnh, cửa Sa Huỳnh là nơi thông ra biển của đầm Nước Mặn. Luồng tàu thuyền vào cửa Sa Huỳnh có hướng đi dích dắc qua một cửa biển hẹp, địa hình đáy luồng dẫn biến động thay đổi về độ sâu.
NISAVA
Sa Huỳnh là nơi giao lưu buôn bán sầm uất giữa nguồn và biển, giữa Mộ Đức và Đức Phổ, giữa Quảng Ngãi với Bình Định: Kể từ Bình Định kể ra/ Sa Huỳnh, chợ Nãi bước qua Đò Đầm/ Chợ Dốc ngồi chẳng an tâm/ Ngó ra Thanh Hiếu thấy đầm Lâm Đăng/ Sông Trường có bến lội băng/ Chợ Cây Chay buôn bán thẳng giăng hai hàng/ Qua đò thì tới Du Quang/ Ngó qua Mã Loạn không thấy chàng, chàng ơi…
Sáu cửa biển ở Quảng Ngãi là nơi ra vào, neo đậu cho tàu thuyền của ngư dân, giữ vai trò quan trọng trong giao thông đường thủy của tỉnh, nhất là thời xưa. Có lời hát của những cô gái ngóng theo cánh buồm xa, cũng có câu ca của những chàng trai nắm chặt tay chèo đuổi theo luồng cá chạy. Biển cả bao la và những con thuyền vượt sóng ra khơi là những hình ảnh đẹp trong ca dao, dân ca Quảng Ngãi.
Vùng biển Quảng Ngãi có nhiều loại hải sản như cá chuồn, cá ngừ, cá thu, cá nục, cá trích, cá cơm, mực, tôm hùm, cua, hải sâm, rau câu… Từ nhiều đời nay, hàng vạn người dân sống ở vùng ven biển thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn lấy nghề đánh cá làm lẽ mưu sinh.
Theo Lê Hồng Khánh (Quảng Ngãi online)
NISAVA TRAVEL!