Không lều bạt, không hàng quán, Hóc Mó êm đềm với một dải bờ biển hơn 3 km uốn lượn theo rặng dương xanh thẫm. Lâu lâu mới thấy lác đác mấy bóng ngư dân trên bãi, gợi một nét buồn cổ điển trong câu thơ xưa: ‘Gác mái ngư ông về viễn phố’.
Ngồi bên những gốc dương liễu cổ thụ ngắm nhìn mặt nước biển trong xanh, xa xa là mỏm đá hình mai rùa vươn mình về phía biển. Sau đó vào lăng vạn thờ cá Ông để hiểu thêm về bản sắc văn hóa của làng chài… Đó là những điều thú vị đang chờ du khách ở bãi biển Hóc Mó, nằm ở thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) – một bãi biển đẹp còn đậm nét hoang sơ, nằm cách khu du lịch Sa Huỳnh không xa.
Là bãi biển đẹp, chỉ cách UBND xã Phổ Thạnh chưa đầy 4km về phía đông nhưng Hóc Mó vẫn còn là địa chỉ du lịch ít người biết. Có lẽ chính điều đó, đã tạo nên nét hoang sơ, thi vị cho địa danh này.
Men theo con đường bê tông được chính người dân địa phương đóng góp tiền thi công dẫn về tận Hóc Mó, điều ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách chính là vành đai xanh được hình thành từ tầng tầng lớp lớp những thân dương liễu lâu năm được người dân trồng dọc theo bãi biển.
Không chỉ mọc khắp bờ biển, dương liễu còn “lấn” ra sát mép sóng, khiến du khách dù đến với Hóc Mó ngay giữa trưa cũng vẫn cảm nhận được không gian vừa nên thơ, vừa mát lành. Đây cũng chính là điều khác biệt của Hóc Mó so với nhiều bãi biển khác, giúp du khách có thể vừa dã ngoại, nấu nướng đồ ăn ngay dưới tán rừng dương, vừa được thưởng thức cảnh sắc biển ngay kề bên.
Bãi cát nâu vàng vẽ một đường cong lao xao sóng trắng mà điểm dừng là gành Hóc Mó hoang sơ và thơ mộng. Từ “Hóc” được hiểu là cái vịnh nhỏ, nơi biển ăn khá sâu vào bờ. “Mó” là hình ảnh gành đá nhô ra biển, nhìn từ xa rất giống cái đầu con cá mó (còn gọi là cá nàng tiên hoặc cá hồng đào).
Còn nhớ có một du khách từng hỏi cô gái địa phương rằng tên cá đẹp thế sao không gọi là “vịnh hồng đào” mà gọi là Hóc Mó? Cô gái tròn mắt, trả lời bằng một câu hỏi: “Bộ anh nghĩ cái tên Hóc Mó xấu lắm sao?” Anh du khách chỉ biết cười bẽn lẽn, thầm phục cô gái đáo để này.
Sau khi trải nghiệm thỏa thích với rừng dương và biển, du khách lại tiếp tục có thể khám phá hòn Rùa – cái tên dân dã mà người địa phương đặt cho mỏm đá hình mai rùa nằm sát bờ biển. Mỏm đá gồm nhiều phiến đá đen xếp chồng lên nhau tiếp tục tạo thêm điểm nhấn thú vị cho bãi biển Hóc Mó.
Ngoài ra, ngay sát bãi biển, còn có lăng vạn Thạnh Đức 2: nơi mà tháng giêng hằng năm, thường diễn ra lễ hội cúng cá Ông. Quy trình lễ thức trong lễ hội gồm các nghi lễ được tổ chức trang nghiêm: Lễ túc yết, lễ nghinh Ông, chánh lễ, các trò diễn.
Để thực hiện nghi lễ, chánh tế, các bồi tế, tư văn, hành nghi, học trò gia lễ, các thầy chùa, ban nhạc lễ và đội chèo bả trạo, đội gươm theo hầu đoàn thuyền nghinh Ông sẽ ra cách bờ biển chừng 2 – 3km rồi thực hành các nghi lễ thỉnh Ông và các vị thần hết sức trang nghiêm và độc đáo. Vì vậy, không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc, Hóc Mó còn là sự lựa chọn thú vị cho những ai đam mê, muốn tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của miền biển.
Hóc Mó còn cuốn hút du khách với những Hang Dơi, Hang Yến, bức tranh sinh động của thiên nhiên kỳ vĩ. Những đàn dơi treo mình bên vách đá trong hang tối mặc cho sóng gào thét nơi cửa hang. Hàng vạn đôi chim yến nhọc nhằn xây tổ, chăm con trước những âm thanh ù òa của gió luồn vào hang đá như tiếng tù và của biển cả.
Nếu có dịp, bạn hãy về Hóc Mó để được tận hưởng vẻ đẹp mộng mơ với mây trời và sóng nước như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
NISAVA TRAVEL! tổng hợp từ báo Quảng Ngãi + iHay + Lao Động var omitformtags=[“input”, “textarea”, “select”] omitformtags=omitformtags.join(“|”) function disableselect(e){ if (omitformtags.indexOf(e.target.tagName.toLowerCase())==-1) return false } function reEnable(){ return true } if (typeof document.onselectstart!=”undefined”) document.onselectstart=new Function (“return false”) else{ document.onmousedown=disableselect document.onmouseup=reEnable }