Địa danh Phú Quốc tôi được biết từ thuở còn ngồi mài mông trên ghế học đường thời tiểu học kia nhưng muốn biết rõ, nhất định chúng tôi phải tới đó. Vì thế, chuyến du lịch được đặt sẳn từ sau tết âm lịch 2010, dặn chỗ rồi trông chờ ngày đi.
Bà xã đã thu dọn những thứ cần thiết cho chuyến đi đảo này thật chu đáo nhưng khá gọn gàng, chỉ có 3 túi xách thôi nhưng đầy đủ những thứ cần thiết dùng trong 3 ngày.
8 giờ tối ngày 6.5.2010, xe đón tụi tôi tại vòng xoay Tân Thuận. Sau lời chào hỏi, hướng dẫn đúng số nghế ngồi, xe chuyển hướng qua Q4 và một vài nơi khác nữa bên Sài Gòn để nhận đủ khách rồi rời thành phố hướng về thị trấn Tân Túc, ra ngõ đường cao tốc Trung Lương. Lại ăn gian bằng chuyến khởi hành trong đêm! Bạn nghĩ xem: nếu khách dễ ngủ thì khi đến sáng đã được nhà tổ chức đưa tới Rạch Giá rồi, đỡ tốn một ngày trong chuyến du lịch phải không?
Với tụi tôi, đoạn đường trong đêm này là chán nhất vì cảnh vật bên đường chỉ là phố xá, đồng ruộng bao la cùng sông ngòi chằn chịt. Chỉ thỏa tầm mắt một chút khi qua phà Vàm Cống hay tới các trạm nghỉ.
Xe vẫn lao nhanh trong đêm, thoải mái nhất là đoạn cao tốc Trung Lương. Mấy cung đường dạng này mà có nhiều thì bà con ta du lịch mệt nghỉ, hàng hóa cũng chạy ầm ầm… nhưng tiền phí cũng phải trả lia lịa nhỉ?
Nhà xe đã tắt băng hài từ nãy giờ, thay thế bằng những bài hát êm dịu ru khách ngủ. Xe vượt cầu Mỹ Thuận rồi băng ngang thị xã Sa Đéc hướng về Lấp Vò, quá nửa đêm thì tới Phà Vàm Cống.
Được nhà xe phát vé phà trước rồi, chúng tôi nhanh nhanh bước xuống hít thở cái không khí trong lành trong đêm. Đây là bến phà mới, bến cũ mãi trong kia ở cái nhánh sông nhỏ, chật hẹp nên các phà khó khăn khi trở đầu.
Bến vắng tanh khác hẳn sự náo nhiệt ban ngày khiến những người lữ khách thoải mái nhịp chân rảo bước chầm chậm trên đường. Mua hai gói xôi cái đã, xôi gói trong lá sen nóng hổi làm ấm cả lòng bàn tay trong gió lành lạnh trên sông.
Trong tương lại, khi cầu Vàm Cống được xậy dựng thì những phà này cũng sẽ vào dĩ vãng như phà Cần Thơ, Mỹ Thuận.
So với bên này thì lối xuống bên kia sầm uất hơn dù bây giờ là một hai giờ sáng, người ta vẫn buôn bán hà rầm, các toilet “nhà dân” tha hồ thu bạc lẻ.
Xe qua ngả ba Lộ Tẻ vào một con đường thẳng băng, cứ như cầm bút và thước kẻ mà gạch cái rẹt rồi cho xe ủi tới vậy.
Những tia sáng ban mai dần xuất hiện, cả đoàn xuống chợ Rạch Giá lúc 5 giờ sáng, ăn sáng, mua khô hay gì đó để gởi theo xe và chờ 7 giờ rưỡi ra bến tàu. Bắt đầu từ lúc này, xe sẽ được gởi lại tại bến còn di chuyển ngoài Phú Quốc thì có đối tác của nhà tổ chức lo trọn, cả ăn cũng vậy.
Lên tàu và theo hướng dẫn, chúng tôi tìm đúng số ghế ngồi, việc sau đó là tôi nhìn xem… các áo cúu hộ có đầy đủ không. He he, ra biển lớn cũng cần đồ chơi đủ an toàn chứ biết bơi thì cũng không si nhê với mấy con sóng đại dương đâu. À, nó đây rồi: dưới mỗi ghế đều có chiếc áo màu cam, trong túi có pháo hiệu, an tâm hen!
8 giờ 3 phút, chiếc SuperDong khởi động rẽ sóng vượt khơi trực chỉ phía tây nam hướng về hòn đảo ngọc. Hành trình theo thông báo chỉ mất 3 giờ; nếu bạn đi bằng thuyền gỗ sẽ mất đến 6 tiếng đó nghen.
Máy chạy khá ồn như tàu cao tốc không nhấp nhô, không ngại bị say sóng. Đơn giản vì nó có tốc độ nhanh, nhanh tới mức cắt sóng mà đi nên đằm cũng phải rồi.
Đảo nhiều lắm, đảo to đảo bé lần lượt trôi qua những ô kính trên tàu. Dường như trên biển đã có sẳn những tuyến đường đâu đó hết rồi, chúng được đánh dấu bằng các phao tiêu, đèn báo trong những khoảng cách nhất định. Hành khách có thể thay phiên nhau lên boong trên để ngắm cảnh biển bao la với gió lồng lộng, nhìn mũi tàu xé nước tung ra hai bên những bọt nước trắng xóa. Chiếc SuperDong to lớn trong bến giờ lại vô cùng nhỏ nhoi trên biển nhưng chúng tôi không cô đơn đâu, xa xa là các tàu đánh cá của ngư dân, phía sau là một chiếc tàu cao tốc khác to hơn nữa của một hãng khác nối đuôi kìa.
Phú Quốc kia rồi, bến du lịch xuất hiện trước mắt vào lúc 11giờ, đúng giờ giấc nhỉ. Cầu tàu khá dài và rộng nhưng đầy người cùng các xe đưa đón, chắc là những Cty lữ hành ngoài đây.
Chúng tôi được xếp lên hai xe, sau lời giới thiệu và chào hỏi thì nhà tổ chức được đưa đi nhận phòng KS tại trung tâm thị trấn Dương Đông. Tụi tôi nhận một phòng biệt lập ở Thiên Sơn Bungalow, phòng ngay triền núi với khung cảnh chung quanh khó mà chê được.
Tiện nghi đầy đủ, nước nóng lạnh, máy lạnh, TH cáp, ĐT, tủ, salon… nói chung là ok, thậm chí có cả phòng bếp riêng. Trước vòm hiên có bộ bàn ghế mây để ngồi hóng mát nhìn xuống khoảnh sân rộng có bể bơi hồ cá, nếu bước ra sau phòng rồi theo các bậc thang lên triền núi nhìn quang cảnh chung quanh thì khoái hơn nữa.
Ổn định xong thì xe đón đi ăn cơm. Nhà hàng kìa! Nhưng không phải, xe ghé quán… cơm ngay bên cạnh rồi sắp xếp chỗ cho mọi người. Hóa ra sau này mới biết là cái nhà hàng kia tuy trông bề thế nhưng đồ ăn không ngon trong khi giá cả lại mắc hơn, he he. Mà thiệt, không quá đói nhưng bữa cơm đầu tiên tai xứ đảo gây ấn tượng cho khách ngay với các món cá, có cả cá Bốp ê hề.
Xong bữa, nhà tổ chức (thôi gọi là nhà xe cho đon giản nghen) chở về KS nghỉ trưa. Trong thực tế chính xác thì hai phần ba đoàn ngụ tại một khách sạn mặt đường 30 tháng 4 gần chổ ăn cơm này, một phần ba còn lại (trong đó có tụi tôi) ở khúc dưới, xa hơn 2 Km nhưng tiện nghi và khung cảnh chung quanh tuyệt vời hơn nhiều.
Đầu giờ chiều, xe ghé đón chúng tôi đi tham quan chùa Hùng Long, khu du lịch Suối Tranh và làng chài Hàm Ninh.
Chùa Hùng Long thuộc xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc được thành lập từ năm 1931 với hệ phái gốc Thiền tông. Trải qua các đời sư tụ trì, nhiều lần tu sửa thì hiện nay: chùa là một trong những nơi thờ tự của nhiều cư dân tại đảo, có lượng du khách thăm viếng khá đông.
Chùa Hùng Long được xây dựng theo lối kiến trúc dân gian, dưới chân núi là cổng Tam quan, từ cổng đến chùa khoảng 800 m. Trước Đại Hùng Bửu Điện có tượng Phật Di Lặc.
Cảnh quang mát mẻ, chúng tôi men theo các bậc thang, lối mòn đưa lên cao. Nơi này có thể ngắm nhìn bao quát tổng thể xung quanh, cả thị trấn Dương Đông nằm xa xa phía kia. Đảo mắt nhìn xuống phía dưới sân chùa thấy có tượng Đức Quan Âm Nam Hải, kế trước là cột phướng, bên hữu là hồ bằng đá nổi lên tự nhiên, bên tả có Thanh Long. Tiếc là con hổ đá này được tô sơn hơi nhiều nên hơi lòe loẹt.
Đoàn rời chùa và ghé thăm KDL Suối Tranh. Men theo lối mòn đi sâu vào trong theo những tán cây rừng rậm rạp, du khách nhận ra lòng suối đang bị cạn khô. Hóa ra vì đang mùa hè: kiệt nước nên như vậy đó chứ mùa mưa thì nước vẩn đổ ầm ầm, thôi đành tự tưởng tượng ra cảnh ấy vậy! Dù sao trong ấy vẫn mát lạnh, khác hẳn với cái nóng oi bức mùa hè bên ngoài.
Đoàn ghé thăm làng chài Hàm Ninh. Đập vào mắt du khách là một cầu tàu bằng xi măng rất dài đưa thẳng ra biển, nơi này dùng cho các tàu đậu và chuyển hải sản theo các xe ba gác đưa lên bờ. Cạnh đó có một quán rộng để du khách thưởng thức các loại hải sản tại đảo.
Chúng tôi lựa và gọi tôm Tích, ốc nhảy rồi lai rai với bia lon. Tôm Tích nhiều thịt, vị ngon và dễ ăn vì người ta đã cắt sẳn rìa bén hai bên, mình chỉ kéo banh ra rồi nhấm nháp thôi. Còn ốc Nhảy thì hơi dai, mấy cụ già hiếm răng mà gặp món này chắc chắn pó tay!
Sau khi “thử nghiệm” hải sản, chúng tôi ra nơi đậu xe. Nhìn xéo bên kia đường là Thanh Long souvenir shop bán đồ kỷ niệm, bên này là con sông nhỏ chảy quanh co từ đất đảo ra biển: nước đen không kém kênh Nhiêu Lộc khi chưa cải tạo là bao. Cái giá cho sự phát triển bao giờ cũng kèm tác hại là điều tất yếu.
Bổng nhiên tụi tôi thấy một người đàn bà tay cầm túi lưới trong đó chứa lỉnh kỉnh thứ gì đó bước lên chiếc cầu ván bắc ra sông rồi thả xuống, xốc lên xốc xuống chả hiểu để làm gì. Vài khách bước lại gần xem rồi tá hỏa, thứ lỉnh kỉnh trong túi lưới hóa ra là các phin cà phê dơ, chị ta xốc xuống dòng nước đen ngòm đó để… rửa!
Buổi chiều ta, đoàn ghé quán dùng cơm rồi nhà xe đưa về KS. 7 giờ, chúng tôi lơn tơn cuốc bộ ra trung tâm thị trấn Dương đông đến khu chợ đêm Dinh Cậu ăn chè, xem và mua các đồ kỷ niệm cho chuyến du lịch. Chợ soi sáng bằng đầy dãy các bóng ba U tiết kiệm, khá đông người trong đó không ít các khách du lịch nước ngoài. Giá không mắc và người bán cũng không thích nói thách, vậy là tốt rồi. Giấc về đi lơn tơn một khoảng tới ngả năm rồi ngoắc chiếc taxi về nhà mất hai mươi ngàn.
Sáng hôm sau dậy khá sớm. Chúng tôi trông chờ giấy phút này: ra phía sau “căn hộ” của mình, trèo lên thang đá lên khoảnh vạt bằng với cây rừng đồi núi chập chùng xung quanh ngắm bình minh. Trong khung cảnh bao la giữa núi trời, hồn lữ khách như hòa quyện vào không gian ta vào gió núi, một giây phút ấn tượng khó phai.
Xe tới đón đưa đi ăn sáng, uống cà phê (chổ này không có dòng sông đen kia mà dùng nước máy à nghen!) rồi đưa chúng tôi thăm nơi nuôi cấy trai (để lấy ngọc trai) và sau đó hướng ra bãi tắm.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Quốc có nhiều bãi tắm đẹp như bãi ngay tại trung tâm thị trấn Dương Đông (đã bị các resort ngán ngữ mất rồi), bãi Đầm, bãi Sao, bãi Khem…
Nhà xe dành sẳn một góc quán để khách có nghế bố ngồi, gởi đồ. Xong, tiến công xuống biển thôi nào!
Nơi chúng tôi ghé có bãi cát dài, rộng và lài – Màu cát vàng trắng sáng, cát sạch, rất hiếm thấy rác, hạt cát mịn màng.
Tôi đã tắm rất nhiều bãi ở miền trung VN nhưng tại biển Phú Quốc này có một đặc điểm hay mà có lẽ khó nơi nào có được: nước âm ấm chứ không lạnh đâu nhé. Nước biển lại không có vị quá mặn như các nơi khác và trong veo, trong cực kỳ nhìn thấu cả đáy.
Bãi cát lài nên ra khá xa nhưng mức nước cũng chỉ sâm sấp lưng, một đặc biết nữa là biển không có sóng, mặc nước chỉ lăn tăng (có lẽ do mũi Khem che hết gió chăng?) nên tôi có thể thả nổi trên nước hàng giờ mà chả lo chìm.
Tắm lại bằng nước ngọt xong, nhà xe mời vào bàn dùng cơm trưa cũng với những đặc sản của xứ đảo. Thức ăn tại đây không “đã” bằng những bữa trước tại quán “nhà” nhưng cũng lạ miệng với món lẩu cá Bốp. Ngồi ghế bố nghỉ trưa đến 2 giờ, đoàn đi tham quan khu di tích nhà tù Phú Quốc, ghé hãng nước mắm, viếng thăm Dinh Cậu.
Dinh Cậu nằm trên đỉnh một mũi đá hướng ra biển. Nơi này là điểm thờ phụng của ngư dân trước một chuyến ra khơi để mong sự bình yên và trúng mùa cá. Đây cũng là điểm dừng chân của những đoàn du khách trong chuyến du lịch tại đây.
Từ bãi cát trắng xóa leo lên 29 bậc đá là đến miếu thờ. Uy nghi trên nóc dinh là hình ảnh “lưỡng long tranh châu”. Bên trong chánh điện thờ Chúa Ngọc nương nương và tượng thờ hai “Cậu” – những cao nhân bảo vệ ngư dân vùng biển đảo. Đứng trên Miếu Dinh Cậu đưa mắt xa nhìn bao quát được cả chợ Dương Đông trong gió lồng lộng.
Kề cạnh là bãi tắm Dinh Cậu nhưng chổ này nước không sạch vì nơi cửa sông đổ ra biển, có nhiều rác. Tại Dinh Cậu hàng năm vào ngày 15, 16-10 âm lịch, nhân dân mở hội lớn, có rất đông người tham dự.
Rượu Sim Phú Quốc, tiêu đỏ là những nơi ghé thăm hôm sau trước khi tạm biệt hòn đảo ngọc. Thứ rượu Sim này hiện nay đã trở thành món đặc sản mới lạ của Phú Quốc, được đông đảo du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Rượu vang sim Bảy Gáo kết hợp giữa một loại trái cây thiên nhiên cùng phương thức lên men rượu cổ truyền, nó có màu đỏ sẫm như rượu nho, vị nghọt và có độ cồn vừa phải – khách nào thích thì móc túi xỉa tiền ra với giá 120 ngàn/chai. Nói thật là vị ngon, hơi mắc một tý.
Phú Quốc nổi tiếng với tiêu đỏ. Theo quan niệm bình thường thì các bà nội trợ thích chọn tiêu sọ (tức là tiêu bóc vỏ) nhưng trong thật tế thì tiêu đỏ là lúc trái chín nhất, hương vị tiêu lúc này cũng cay nồng và thơm đạt đỉnh trong quy trình trồng tiêu.
Tiêu Phú Quốc nổi tiếng vì vỏ mẩy, hạt chắc, cay và thơm nồng không nơi nào sánh kịp. Người dân Phú Quốc bảo tồn nghề trồng tiêu không những vì mục đích kinh tế mà còn có giá trị lớn về văn hóa, du lịch và là một đặc sản mà du khách không thể thiếu trong hành lý lúc từ giả đảo ngọc.
Rồi cũng đến lúc giả từ: xe đưa chúng tôi ra bến tàu cao tốc trở về Rạch Giá sau những cái bắt tay thật chặt đầy thân thiết với người hướng dẫn viên vui tính.
Xe về tới nhà lúc 7 giờ chiều: một chuyến đi vô cùng thú vị, ấn tượng với tôi nhất là biển Phú Quốc + Thiên Sơn Bungalow.
Tổng kết chuyến du lịch 3 ngày “Phú Quốc”:
– Giá tour trọn gói: 1.450 ngàn/người.
– 6 buổi ăn.
– 2 đêm phòng.
– 8 điểm tham quan.
Do du lịch Ngọc Giàu tổ chức.
Điền Gia Dũng