Đọc bài viết “Hãy mua chiếc xe càng nhiều ‘option’ càng tốt”, tôi đồng tình rằng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật là xe cần nhiều trang bị và các hãng xe không nên cắt giảm quá nhiều option.
Tuy vậy nói thế không đồng nghĩa xe phải bắt buộc trang bị cân bằng điện tử hay 6 túi khí, cảnh báo quanh xe trở lên thì mới đáng mua. An toàn về mặt cơ khí vẫn cực kỳ quan trọng chứ không phải về mặt điện tử, một chiếc xe cỡ nhỏ khung gầm yếu trang bị 10 túi khí nhưng bị xe tải đâm liệu có an toàn bằng một xe SUV, bán tải cỡ lớn chỉ có 2 túi khí.
Các hãng xe Đức vẫn đổ rất nhiều tiền vào chế tạo nghiên cứu khung xe cứng vững hơn để tăng khả năng chịu đựng trước những tai nạn bất ngờ (do xe khác đâm phải) mà các option điện tử hiện nay không đủ khả năng cảnh báo. Ví dụ, Audi bỏ gần 1 tỷ USD mua công nghệ khung gầm hợp kim nhôm từ hãng máy bay Airbus cho dòng xe cao cấp A8, A6.
Hầu hết các tình huống lái xe trong tốc độ cho phép thì hệ thống ABS và dây an toàn mới là thứ hoạt động nhiều nhất. Đã có thống kê dây an toàn còn quan trọng hơn túi khí, đặc biệt trong những va chạm liên hoàn, xe văng nhào lộn thì chỉ có dây an toàn và khung gầm chắc chắn mới cứu được. Ở tốc độ vượt quá 100 km thì hầu hết các tính năng an toàn chủ động đều bị giảm hiệu quả, đừng nghĩ xe trang bị ESP mà đánh lái bất ngờ ở tốc độ cao xe vẫn lấy lại thăng bằng vì còn phụ thuộc nhiều vào góc đánh lái và độ bám đường. Tận mắt tôi nhìn thấy vụ tai nạn dồn toa trong đó có các xe sang vì đi quá tốc độ, không giữ khoảng cách.
Người Việt Nam còn chủ quan không cài dây an toàn khi đi trung bình và chậm, đặc biệt là người ngồi sau lại càng hiếm khi cài. Ra đường vượt ẩu, chuyển hướng đột ngột, quên lý thuyết, bấm còi vô tội vạ, quên biển báo, sử dụng rượu bia lái xe sang nhiều vô số kể… Ý thức và hiểu biết như vậy thì sao đòi hỏi xe có đủ “option” làm gì?
An toàn cũng cần phân biệt ra an toàn cho bản thân và an toàn cho xã hội, những vụ xe điên tông hàng loạt gần đây ở Việt Nam đa số là xe sang có đầy đủ công nghệ an toàn, nhưng người lái đều không có kỹ năng, kém ý thức, điều khiển xe “bốc đồng” quá khả năng can thiệp của các hệ thống hỗ trợ. Mặc dù bản thân những kẻ điều khiển xe điên này an toàn nhưng xã hội bị thiệt hại nặng. Điều khiển xe quá nhiều công nghệ an toàn có thể gây tâm lý chủ quan phó mặc cho xe, điều khiển xe vô ý thức coi thường người khác có thể dẫn đến nguy cơ tai nạn còn cao hơn một tài xế dày dặn kinh nghiệm trên những chiếc xe cơ bản.
Vừa rồi tôi có đi Đà Lạt và được xe của khu du lịch chở lên xuống đỉnh Lang Biang. Chúng tôi đi bằng những chiếc xe số sàn kiểu như xe Jeep gần như không có công nghệ an toàn. Xe đi đồi dốc cao, cua tay áo liên tục nhưng sự an toàn nằm chính tại kinh nghiệm điều khiển, trong một ngày họ đưa đón cả nghìn lượt khách lên xuống.
Một lần nữa, tôi xin khẳng định rằng xe nhiều option là cần thiết nhưng người Việt đang cần trang bị ý thức và kỹ năng lái xe nhiều hơn nữa nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào.
Độc giảMinh Thành