Tây Nguyên, một dải Trường Sơn xanh thẳm với những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, trắng xóa với bao dòng thác bạc cùng một nền văn hóa vô cùng độc đáo và phong phú.
Đại ngàn Tây Nguyên còn có biết bao điều kỳ bí về núi rừng, con người, những lễ hội truyền thống của người Êđê, Bana, Xê Đăng tượng trưng cho sức sống, cho tâm linh, hùng tráng luôn mời gọi du khách…
Lần đầu đến Tây Nguyên, tôi như bị cuốn hút bởi vẻ hoang sơ, huyền bí của nơi đất, mây, núi ôm nhau này.
Năm tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Dăk Lăk, Dăk Nông và Lâm Đồng đã tạo nên một thế đứng hùng tráng, vững chãi cho vùng đất này. Sông Serepôk dài trên 400km trông thật hùng vĩ. Dọc theo chiều dài của sông là những thác ghềnh ngày đêm rì rầm chảy mãi, tạo nên một bức tranh thật đẹp.
Đến Tây Nguyên là đến với không gian văn hóa phi vật thể đặc trưng: Cồng – chiêng. Những người am hiểu ví von, cái chiêng cất lời cũng như người ta cất tiếng hát. Tiếng hát có lúc dài như sông Serepôk, có lúc bát ngát như đồng cỏ M’Đrắc, có lúc cao vời, thăm thẳm như trời, khi thì sâu lắng, thâm trầm như phát ra từ đất.
Trên cao nguyên Măng Đen có rừng thông bạt ngàn, có hồ Yaly và những dòng sông đã đi vào huyền thoại như Dah, Bla, Pô Kô… Giữa núi rừng hoang sơ và hùng vĩ là những buôn làng của đồng bào các dân tộc Ba Na, Brâm, Gia Rai, Xê Đăng, Rơ Măm… Nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẹn những lễ hội của ngàn xưa, như lễ đâm trâu, lễ ăn cơm mới, lễ tế thần linh.
Ở Tây Nguyên, có những ngôi nhà gỗ dài hơn trăm mét của người Êđê với những hình chạm khắc đẹp và công phu, những mái nhà rông cao vút tựa dáng lưỡi rìu tạc vào bầu trời xanh thẳm, hay nét uyển chuyển trong điệu múa xoang của những chàng trai, cô gái Bana, và có lẽ trên hết là những sắc màu quyến rũ của thổ cẩm… vẫn còn được lưu giữ.
Điều đặc biệt là ở các nhà rông của làng hay nhà sàn của từng gia đình luôn có rượu cần. Rượu cần được làm công phu nhưng lại dễ tính về chất liệu: hạt cào (một thứ cỏ mọc ở Tây Nguyên), hạt bo bo, kê, gạo, bắp (ngô), khoai mì… Mỗi loại đều cho một hương vị ngọt ngào riêng.
Nếu bạn là người yêu thích sự hoang dã, thích khám phá những điều mới lạ thì hãy đến với thành phố Kon Tum và Pleiku của Tây Nguyên để có thể được tận tai nghe tiếng reo vui của gió, nước, đá và hòa mình vào bản hòa ca bất tận của đại ngàn rừng xanh với những huyền thoại về tình yêu.
Khi ghé thăm Kon Tum, tôi được đi trên một chiếc thuyền để vượt sông ghé thăm nhà máy thủy điện Yaly, ngắm nhìn Biển Hồ mênh mông giữa núi rừng Tây Nguyên và thưởng thức hương vị rượu cần, nghe cồng chiêng, đàn T’rưng, Klông Pút cùng tiếng tù và nghe tha thiết, trữ tình. Cứ mỗi độ thu về, Kon Tum quả là nơi lý tưởng để lắng nghe những trường ca, sử thi hùng tráng của những người con núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, bất khuất…
Thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai, nằm ở phía Bắc của vùng Tây Nguyên rộng lớn. Với độ cao trung bình khoảng 500m, Pleiku có khí hậu mát mẻ và là điểm đến thú vị trên con đường xanh Tây Nguyên đầy huyền thoại.
Nói đến Pleiku là nói đến những con đường dốc của phố núi. Nhìn từ trên cao, những con đường như một dải lụa trắng uốn quanh những ngọn đồi xanh thẳm để đến với những thắng cảnh đẹp như: thác Dakthoa, thác Phú Cường, thác Lồ Ô, thác Chín tầng, cổng trời MangYang, đỉnh Hàm Rồng…
Không những thế, vùng đất Gia Lai nói chung và Pleiku nói riêng còn là nơi ghi lại bao chiến công của người anh hùng Núp, người con Bana hiên ngang giữa đại ngàn đã được nhà văn Nguyên Ngọc miêu tả thật ấn tượng và sống mãi như hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm để đời Đất nước đứng lên.
Vào trong trung tâm thành phố, phố núi Pleiku có những kiến trúc cổ kính như Nhà thờ Gỗ, Đại chủng viện thừa sai, đặc biệt là chùa Minh Thành, ngôi chùa lớn nhất Tây Nguyên với những mái đao cong cùng những tầng tháp đang vươn mình đón lấy những tia nắng. C
hùa nằm trên con đường Nguyễn Viết Xuân thơ mộng, nơi đây vừa là xưởng chế tác, vừa là nơi có những bộ tượng la hán, hộ pháp, những vị Phật được chạm khắc tinh xảo thể hiện trên từng nét mặt, từng cử chỉ nhỏ nhất.
Từ phía hậu điện, nhìn về phía Mặt trời lặn, in trên bầu trời ửng đỏ là tượng phật uy nghi bên hồ sen ngát hương, như mang đến cho du khách một sự tĩnh lặng vô bờ, một cảm giác bình yên nơi cửa Phật.
Trong không gian tĩnh mịch của phố núi, ngồi ngắm từng giọt cà phê quyện đặc nhỏ xuống tận đáy của sự lắng đọng, bất chợt nghe bài hát Đôi mắt Pleiku của nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Em đẹp thế Pleiku ơi, trái tim tôi muốn vỡ tan rồi…”, bạn sẽ thấy lòng mình nao nao bởi những âm sắc ngân nga của những điệu cồng chiêng và ngất ngây trong những chén rượu cần sẽ khiến bạn chẳng bao giờ quên những nét chắt lọc cả tinh hoa của đất, của trời, của rừng xanh và những mặt hàng thổ cẩm đậm chất Tây Nguyên.
Rời Tây Nguyên, trong tôi còn mang theo nguyên vẹn hình ảnh đẹp, hùng vĩ nhưng đầy huyền bí của mảnh đất này. Bởi ở đây còn quá nhiều nét văn hóa hay, những điểm du lịch hấp dẫn cần khám phá.
Sự luyến tiếc sẽ làm nên ước mơ một lần trở lại!
Theo Doanhnhansaigon