Cách nay không lâu, Công ty Lữ hành Gecko Travel (Anh) đánh giá Pú Đao ở tỉnh Lai Châu là một trong năm địa điểm dã ngoại khám phá thiên nhiên hàng đầu Đông Nam Á. Có lẽ chẳng có mấy ai biết nhiều về địa danh này, kể cả các công ty lữ hành trong nước.

Anh quản lý khách sạn Lan Anh ở thị xã Mường Lay nói: “Những chuyến đi đến Pú Đao thường chỉ do mấy công ty nước ngoài tổ chức. Chính chúng tôi cũng bất ngờ, nó ở ngay bên cạnh mà mình đâu có biết”… Mời bạn cùng tìm hiểu Pú Đao qua lời tường thuật của nữ phóng viên Huyền Vũ trên nhật báo Pittsburgh Post-Gazette, với số lượng phát hành trên 200.000 tờ mỗi ngày tại Pittsburgh, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Pú Đao là nơi tập trung nhiều ngôi làng ở vùng Tây Bắc, tỉnh Lai Châu, cách Hà Nội khoảng 563km về phía Tây Bắc. Với nhiều người Việt Nam, Pú Đao chẳng có gì hấp dẫn về mặt du lịch. Cộng đồng người H’Mông tại đây chỉ vỏn vẹn 900 người, bị cô lập bởi núi rừng và cả bởi sự nghèo, dốt. Nhưng việc đánh giá Pú Đao đã khơi gợi sự tò mò nơi tôi và tôi muốn tự mình trải nghiệm thực tế.

Từ thành phố Điện Biên Phủ, sau ba tiếng đồng hồ trên xe buýt, tôi xuống xe tại cầu Lai Hà bắc ngang một phụ lưu của sông Đà. Bên kia bờ là ngôi làng đặc trưng của người Thái với những nhà sàn ẩn mình dưới hàng dừa, khói bốc lên từ mái nhà, len lỏi qua các tán lá và tản mát vào bầu khí mờ sương.

Ở cầu Lai Hà, tôi bắt đầu lội bộ theo con đường mòn xoắn ốc, dài khoảng 24km lên Pú Đao, con đường nằm giữa khu rừng đầy những chồi tre và bụi rậm đan xen dày đặc, dường như chưa hề có ai đặt chân tới. Theo tiếng H’Mông, Pú Đao có nghĩa là “điểm cao nhất” vì xã nằm chót vót trên núi cao.

Ngôi làng đầu tiên tôi đến là Hồng Ngài, một khoảnh đất nhỏ như chỉ để tô điểm cho khoảng xanh vô tận chung quanh, với bốn hoặc năm ngôi nhà gỗ của các thầy, cô giáo người Kinh, san sát quanh trụ sở chính quyền, và vài gian nhà tre của người H’Mông rải rác trên sườn đồi.

Tôi bắt chuyện với cô Nương, một cô giáo 35 tuổi với 15 năm dạy tiếng Kinh cho học trò H’Mông, và để dạy được “con chữ” cho chúng, cô phải đến từng nhà xin phép cha mẹ cho chúng đến trường, phát kẹo để trò đừng bỏ lớp. Tôi va phải cô bé Lâu đang trên đường đi lấy nước. Lâu có chín anh chị em, mới học gần xong tiểu học thì buộc phải ở nhà phụ giúp gia đình. Chị của cô bé vừa kết hôn năm trước và mang thai ở tuổi 15, nhưng đứa bé đã mất khi vừa chào đời…

Ghé vào ngôi nhà gần nhất, một phụ nữ đang nghiền những hạt bắp, chiếc cối đá xoay quanh chầm chậm, vỡ ra lớp bột trắng mịn và tinh khiết như bông tuyết. Tôi gặp ông Bí thư đảng Vừ A Ca từ đồng về, chiếc cuốc vắt vẻo trên vai cùng với khuôn mặt nhăn nheo, ướt đẫm mồ hôi, kề bên là hai đứa bé khoảng 9 – 10 tuổi đang lê chân lên một đoạn dốc, chiếc gùi đầy măng tre trên lưng như ghìm chúng xuống.

Màn đêm lặng lẽ buông xuống Hồng Ngài, nơi đây không có đèn điện, vô tuyến truyền hình và cả xe gắn máy, ngôi làng chìm dần vào giấc ngủ trong tiếng rền rĩ của dàn đồng ca côn trùng. Tôi nghỉ qua đêm trong căn phòng nhỏ với Hoa, một nhân viên kế toán 24 tuổi, quê ở Nam Định, cô ấy nói trước khi thổi tắt ngọn đèn dầu: “Đến giờ, Pú Đao vẫn còn lạc hậu lắm!”.

Ngày hôm sau, tôi đến ngôi làng thứ hai, Nậm Đoong, cho dù Hoa dọa, tôi sẽ chết trước khi tới được nơi đó! Bước theo lối mòn gồ ghề nối liền hai ngôi làng, những chiếc lá khô xào xạc dưới chân, đưa mắt nhìn qua khoảng trống giữa những hàng cây bên đường, tôi ngẩn ngơ khi thấy mây trắng với núi non trùng điệp, có lúc đi qua bãi cỏ rung rinh đầy hoa hồng sim vừa nở.

Tiếp tục rảo bước trên con đường mòn nhỏ hẹp giữa một bên có vẻ là vực sâu không đáy và một bên là vách đá cao ngất, tôi bỗng nghe tiếng nổ lụp bụp vang vọng từ xa, một làn khói cuộn lên từ sau ngọn đồi, thì ra người ta đang đốt rừng chuẩn bị cho vụ mùa mới. Khu vực này vẫn còn tục chặt cây, đốt rừng làm rẫy, dù đất nước tăng trưởng trên 6% trong thời suy thoái kinh tế và là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới từ năm 2007.

Cuối cùng, tôi cũng đến Nậm Đoong trong sự chào đón nhiệt tình của một người H’Mông, ông Hàng A Pao, cùng với dàn hợp xướng gồm tiếng be be của bầy dê và tiếng gáy vang rền của đàn gà trống. Khi biết tôi đến từ thủ đô Hà Nội, ông ấy lại hỏi: “Nó ở đâu vậy?”. Mời tôi vào nhà, ông rót ra ít nước từ cái ấm đen kịt bồ hóng, rồi bước đến chiếc đèn dầu ở góc nhà, nhồi thuốc lào vào điếu và rít một hơi đầy thỏa mãn.

Mặt trời đã lùi về sau ngọn núi, nhưng nét sinh động của ngôi làng lại hiện rõ trong cảnh nhá nhem tối. Trên đường làng, thấp thoáng bóng một cậu bé cõng em trai trên lưng cùng với chú vẹt trên vai và một phụ nữ lưng cong oằn dưới bó củi, tay cầm cuốc, tay cầm can nhựa…

Rời Nậm Đoong khi Mặt trăng đang lơ lửng trên rặng cây, tôi chợt nhớ đến “con ma rừng” đầy quyền phép trong đời sống tâm linh của người H’Mông. Từ câu chuyện được nghe, tôi mường tượng ra xác người đào vàng đã chết vì sốt rét quấn trong chăn, người H’Mông bị bệnh tả được chôn trong những hố cạn dọc theo lối mòn tôi đang đi. Những đốm lửa lóe lên, lập lòe như ma trơi trên cánh đồng chạy ngang thung lũng.

Theo từng bước chân, cánh rừng cứ mở ra rồi khép lại sau lưng, ánh trăng vằng vặc soi trên ngọn cây, tạo nên những hình thù kỳ bí chuyển động trên đường. Xa xa, tiếng cú vọng lên từ vực sâu và đâu đó trên đỉnh đồi dội xuống những tiếng lốp bốp… Tôi nhìn lên chòm sao Đại Hùng để định phương hướng, bầu trời đầy sao ở Pú Đao trông thanh bình hơn bao giờ hết.

Theo DNSG, theo vietbao ————–

Vùng cao Pú Đao

Pú Đao là một xã người H’mông nhỏ bé gồm bốn bản Hồng Ngài, Nậm Đoong, Nậm Đắc và Hồng Tý thuộc huyện Sìn Hồ, cách thị xã Mường Lay khoảng 13Km. Tên Pú Đao theo tiếng H’mông có nghĩa là “điểm cao nhất” vì xã nằm chót vót trên núi cao, năm 2006 địa danh này được Gecko Travel (geckotravel.com) – một hãng du lịch của nước Anh chuyên đưa khách đến Đông Nam Á bầu chọn là một trong năm điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Còn trang web du lịch quốc tế gonomad.com, Siobhan McGeady cũng ca ngợi Pu Dau (Pú Đao) là một điểm đến đẹp bất ngờ và thân thiện.

Thực vậy đến với nơi này sẽ du khách sẽ có những khám phá thực thú vị về con người và bản làng nơi đây. Khung cảnh hết sức ngoạn mục với bản làng nằm trên đỉnh núi, đường vào bản quanh co, những khúc cua nghẹt thở, một bên là vách núi cao vút, một bên là vực sâu hun hút chỉ có xe máy mới vào được nhưng cảnh thì đẹp tuyệt vời, bạn có thể làm một chuyến trekking nhớ mãi không bao giờ quên.

Thời gian tốt nhất để thực hiện chuyến đi là từ dịp lễ 2/9 đến hết mùa xuân năm sau mà đặt biệt nhất là dịp Tết Nguyên Đán, lúc này tiết trời khô ráo, đường vào bản dễ đi hơn.

Vào đến với Pú Đao du khách đừng quên ngủ lại bản Nậm Đoong vì bản nằm ở vị trí đẹp nhất, đường vào bản không chỉ hữu tình với cảnh quan hoang sơ của rừng núi mà dọc đường du khách có thể nhìn bao quát cả thung lũng phía dưới, đẹp nhất là thung lũng nơi giao nhau giữa sông Đà và sông Nậm Na. Buổi sáng đón ánh bình minh nơi đây thì không gì thú vị bằng.

Trên đường vào Pú Đao, qua cầu Lai Hà rẽ theo Mường Tè khoảng 5 Km du khách sẽ bắt gặp dinh thự vua Thái Đèo Văn Long – một di tích khá nổi tiếng của xứ Mường. Nguyên xưa là một dinh thự lớn lộng lẫy, chủ nhân là một ông vua bù nhìn trong cuộc chiến với Pháp. Dòng họ Đèo là một trong ba họ thuộc hàng quý tộc (Đèo, Bạc, Cầm) ở vùng đất Lai Châu xưa. Hiện dinh thự là phế tích lịch sử và là nơi thăm quan tìm hiểu những nét kiến trúc đặc trưng, mang bản sắc văn hoá Thái.

Cách đó vài kilomet nữa là bia Lê Lợi được khắc trên vách núi Pú Huổi Chỏ tả ngạn sông Đà, thuộc địa phận Sìn Hồ. Bia được khắc sau khi Lê Lợi dẹp loạn tù trưởng Man là Đèo Cát Hãn làm phản ở Mường Lễ vào tháng chạp năm Tân Hợi 1431.

Tấm bia này đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia, được coi là tấm bia cổ chữ Nôm duy nhất ở Lai Châu. Ngoài giá trị nói trên, văn bia Lê Lợi còn mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền cương vực Việt Nam.

Theo Lukhach24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *