Hát trống quân được coi là một loại dân ca đặc biệt ở miền Bắc, một di sản văn hoá dân tộc, một thời được nhân dân đồng bằng Bắc Bộ ưa thích ngang với hát chèo.
Những bài hát trống quân đã thu thập được với những canh hát, cuộc hát trên sàn diễn còn đến nay rất sinh động, trào lộng mà trang nhã, thông minh, chứng tỏ trình độ sáng tạo nghệ thuật của nhân dân. Giờ đây, trống quân được hát ở cả hội hè, đình đám, hát theo bài bản sẵn có, đối đáp ngay tại nơi diễn, mặt nhìn mặt giữa thanh thiên bạch nhật hay dưới ánh điện sáng trưng, giai điệu bài hát lặp lại nhiều lần mà không phát triển.Sợ rằng hát thế sẽ làm mất đi cái đặc sắc vốn có của trống quân Hưng Yên, Hải Dương so với các địa phương khác ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ từng hát.
Hãy đặt hát trống quân trong diễn xướng ở một không gian cụ thể trong sinh hoạt văn nghệ dân gian mà xem xét, sẽ rút ra được cái khác biệt của trống quân Hưng Yên (và Hải Dương):
1. Không thấy mặt người, chỉ nghe tiếng hát.
Trống quân xưa, thường hát vào những đêm trăng, nhất là mùa trăng thu, nên gọi trống quân là bản tình ca mùa thu hoặc tình ca đêm vàng là thế. Đặc biệt là những canh hát diễn ra dưới trăng tháng tám hằng năm làm xao xuyến lòng ai, ngỡ mình dự hội xuân nào đấy :
Tháng tám anh đi chơi xuân
Thấy đây mở hội trống quân anh vào
Hội điểm trống quân Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ) và Khúc Lộng (xã Vĩnh Khúc) huyện Văn Giang; hội hát trống quân liên tỉnh giữa làng Tào (xã Thúc Kháng, Bình Giang,Hải Dương) với làng Đầu (Bãi Sậy , Ân Thi, Hưng Yên) và cuộc hát các làng ở hai bên bờ sông Cửu An, dài mấy cây số của Ân Thi và Bình Giang thường diễn ra suốt cả mùa trăng.
Các tỉnh khác thi thoảng mới hát. (Đến nay Xuân Cầu- Khúc Lộng đã không duy trì được những cuộc vui như thế). Ở Kẻ Lép (nay là xã Đức Bác, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) hát với đào Xoan làng Phù Đức( huyện Phù Ninh) hằng năm vào ngày 6 tháng 9 âm lịch, hát từ trưa đến tối, thôi hát trống quân thì chuyển sang hát xoan thờ thần.
Họ đứng đối diện nhau từng nhóm, nữ bưng trống trước ngực, nam cầm dùi gõ vào mặt trống, vừa hát vừa nhìn mặt nhau biểu lộ tình cảm qua từng lời hát. Hát trống quân các làng Xuân Cầu, Khúc Lộng, làng Tào và làng Đầu lại khác. Người hát không trực diện, được ngăn cách bởi một dòng sông, lại hát dưới trăng, nên không thấy mặt người, chỉ nghe tiếng hát, tạo ra sự bất ngờ trong ứng đối (chứ không hát bài có sẵn).
2. Hẹn đêm mai lại ngọt bùi cùng nhau.
Cuộc hát trống quân thường có 3 phần:
a.Thăm hỏi, dò xét quê quán, tên tuổi, gia thất.
b. Xe kết, trao đổi tình tứ, ví von, ướm, thách và ước hẹn.
c. Chia tay và hẹn đêm mai hát tiếp.
Xã Đức Bác, Lập Thạch hát không có chia tay mà sau khi ngừng hát trống quân chuyển ngay sang hát xoan. Các tỉnh khác, phần chia tay như chào xã giao, giã bạn và chấm dứt cuộc hát. Ở Hưng Yên (và Hải Dương) hát gọi ra hát, ý thêu nên ý, tình dệt nên tình, lưu lại hồi, hồi lại lưu, thâu đêm suốt sáng, vẫn chưa phân được tài cao, thấp, đành tạm chia tay mà hát rằng:
Hẹn đêm mai lại ngọt bùi cùng nhau.
3. Đôi bờ khúc hát tình đời đổi trao.
Các tỉnh có hát trống quân nhằm tăng thêm phần vui cho một nhu cầu cụ thể. Ở Đức Bác: mỗi nhóm hát cứ một đào Xoan Phùng Đức hát với 3 đến 5 trai Đức Bác (phường Xoan có 10-12 đào, do đó cuộc hát có từ 10-12 nhóm). Trai Đức Bác mang thuyền sang đón phường Xoan qua sông Lô sang hát ở cửa đình làng mình.Số nhóm hát từ bến đò trên xuống, số khác từ bến dưới lên. Sau mỗi câu hát, đệm “ta hỡi trống quân”, trai quay lưng về đình lùi một bước, đào Xoan tiến một bước và chấm dứt hát trống quân khi họ đến đình làng.
Trống quân Hưng Yên không chỉ góp vui cho một nhu cầu cụ thể nào đó, ở một điểm nào đó mà cao hơn là hội hát thi tài ở hai bên bờ sông (chứ không cùng một bờ, càng không cùng một chỗ quy định), cùng lúc diễn ra tại nhiều điểm hát (gọi hội điểm) dài mấy cây số bên bờ sông trăng Cửu An từ cống Tranh đến gần cầu Từ Ô của hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Thật là:
Sông trăng đáy nước in trời
Đôi bờ khúc hát tình đời gửi trao
Hát trống quân được gửi trao giữa hai bờ sông Cửu An nói trên, không di động điểm liên tục như Đức Bác, mà ổn định từng điểm, từng nhóm điểm và cả hội điểm, dùng con sông như mặt hộp truyền âm với hai lối hát:
– Kết ở câu sáu chữ (hát không đệm bất cứ một từ nào).
– Kết ở câu tám chữ (đệm thời, í a đưa hơi) các lão nghệ nhân gọi là trống quân giọng bồi do bồi thêm từ vào câu hát.
4. Không thày đố mày làm nên.
Nhiều tỉnh hát trống quân ở một chỗ, trực diện hát đối hát đáp, khống chế thời gian hát, hát khi diễu hành (xã Đức Bác), hát khi diễn xướng (ít thấy trong hát giao duyên mà thấy trong ca hát lễ nghi, phong tục) như ở làng Giỏ (xã Hữu Bổ, Phong Châu, Phú Thọ): “Cái” xướng cho các “con” hoạ lại vế cuối, bên đáp cũng làm như vậy. Do vậy, không thấy hoặc không rõ người sáng tạo nội dung sau người hát có khi hát tập thể (Đức Bác và Hữu Bổ).
Hát trống quân hai làng Đầu, làng Tào và các làng hai bên bờ sông chia địa giới hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương (từ Cống Tranh đến gần cầu Từ Ô) còn tồn tại đến nay là hát cách sông, một con sông không rộng lắm, lại hát dưới trăng (không phải đèn măng xông, đèn dầu hay đèn điện), sao cho đối phương không nhìn thấy mặt người hát, không nghe thấy lời người xui hát ( tác giả). Mỗi bên cử một người hát, không ai biết hát đến bao giờ, hát cái gì, hát đến đâu biết đến đấy, nuôi mãi cuộc hát bất tận, không dễ dàng phân định thắng, thua. Cuộc hát tạm dừng để lấy sức rồi hát tiếp , hát nữa. Được dự cuộc hát hội trống quân như thế, không ai có thể quên. Người sáng tạo nội dung đứng sau người hát, trống quân Hưng Yên (và Hải Dương) gọi là người xui. Người xui- tác giả (một người hoặc nhóm người) có vai trò to lớn đến chất lượng và cả thời lượng của cuộc hát. Nếu hát bài đặt sẵn như các tỉnh, hoặc như hát trống quân trong lễ hội nay thì khác gì đọc sách, mà người đọc lại đã thuộc lòng. Vì nó không có yếu tố bất ngờ , vừa hát đáp vừa sáng tạo hát hỏi. Đáp trong hỏi và hỏi trong đáp tạo ra sự cuốn hút hấp dẫn nhau, đẩy cuộc hát đến điểm đỉnh của cao trào, trống quân như thế tự tước bỏ phần đặc sắc, bỏ đi phần hồn mà giữ lại phần xác.
Câu “không thầy đố mày làm nên” áp dụng vào các cuộc hát trống quân, dưới ánh trăng của Ân Thi – Bình Giang, qua một dòng sông quê được coi như một lối hát mẫu mực.
5. Là trống mà chẳng có tang.
Nhạc cụ đệm cho hát trống quân của các tỉnh đều là loại trống có tang (bằng gỗ hoặc kim loại), dễ di động. Trống Hữu Bổ (Phong Châu, Phú Thọ), lại có dây khoác lên vai, hình dạng như trống đế chèo. Hiện nay, thì ở đâu hát trống quân cũng đệm trống có tang. Ngược dòng lịch sử thì khác hẳn. Nhân dân ta đã sáng tạo nhiều loại thể nghệ thuật và nhiều loại nhạc cụ tương ứng. Riêng nhạc cụ cho hát trống quân thì bất di bất dịch, có nghĩa là đàn ở đâu hát ở đó, hoặc hát ở đâu thì làm đàn ở đó. Chưa rõ vì sao tổ tiên lại sáng tạo ra nhạc cụ này, cũng không gọi là đàn mà gọi là trống, có lẽ là phải gõ lên dây chăng? Cái đặc biệt của nhạc cụ đệm cho hát trống quân là âm dương tương sinh, phải có hai người chơi một nhạc cụ, gọi nhạc cụ này cho tên loại hát: Trống quân.
Trống quân không có tang mà là loại đàn đất (thổ cổ), không có cần, có dây căng ghìm chắc hai đầu. Hộp âm đất được khoét hườm hàm ếch, sâu 50 phân, chứa khoảng 100 vỏ ốc nhồi. Miệng hố đậy vừa mâm gỗ hoặc đồng, lấy đất sét dẻo miết kín lại. Một cọc gỗ cao 40- 50 phân chống giữa mâm, nâng dây thừng (mây, song hoặc kim loại) làm hai phần dây căng đều nhau. Mỗi hố trống (trống quân) có hai người chơi, mỗi người cầm một cái que dài ba mươi phân, bằng cật tre già vót nhẵn, tròn đều như cây sáo trúc, gõ lên phần dây trước mặt chỗ ngồi của mình sau mỗi câu hát “Thùng thùng thình thùng thình; Thùng thùng thình thùng thình” (Thùng 1,6 ; thình 5,10 là phách mạnh).
Rằm tháng 8 “âm lịch”,Nhâm Thân (1992), tại hội điểm trống quân nổi tiếng trên sân đình Đầu (xã Bãi Sậy, Ân Thi), chúng tôi đã tổ chức trình diễn hát trống quân, có lập trống quân(đàn đất như miêu tả trên)đệm cho hát như xưa. Các cụ tuổi cao làng Đầu đã công nhận các hố đàn đất do chúng tôi thực hiện đúng như các cụ từng chứng kiến tại các cuộc hát trống quân tại đây trong quá khứ.
Trống quân là thứ trống đất, đàn đất, bất tiện cho việc thay đổi điểm hát, nên đã được thay thế bằng trống có tang. Dân tộc Cao Lan ở phía Bắc nước ta cũng có trống đất, dùng da trâu bịt miệng hố, sau bịt bằng một loại vỏ cây trẩu, cũng gõ que lên sợi dây căng trên một thùng cộng hưởng đào ngay dưới đất. Khác Hưng Yên, trống quân là nhạc khí, còn người Cao Lan dùng trống đất như binh khí. Trống quân và trống đất Cao Lan có ảnh hưởng qua lại thế nào, chưa rõ. Chúng tôi nêu ra, mong muốn chúng trở thành một đề tài nghiên cứu cho các nhà folklore.
Tóm lại, trống quân Hưng Yên (và Hải Dương) được hát dưới trăng (thường vào mùa thu, tháng 8), đối đáp qua một dòng sông, ổn định một điểm hay nhiều điểm (gọi là hội điểm), phát triển thành hội hát thi tài được người xui trợ thủ, có chia tay và hẹn hát tiếp…Và, hát được đệm bằng một nhạc cụ là trống không có tang- thổ cổ- trống quân.
Đó là sự khác biệt của Hưng Yên (và Hải Dương) với các tỉnh phía Bắc trong loại thể hát trống quân.
Theo Báo Hưng Yên – ảnh minh họa