Với những ngôi nhà trăm năm tuổi dựa vào vách núi, những vườn bậc thang cùng những con ngõ cao hút bằng đá và bóng cây rợp lối đi, làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) là một mẫu làng cổ miền núi hiếm hoi còn được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Không chỉ chứa đựng những giá trị văn hóa, làng cổ Lộc Yên còn cho thấy cách ứng xử với thiên nhiên rất đáng suy ngẫm giữa thời biến đổi khí hậu hôm nay.
Từ trụ sở xã Tiên Cảnh, theo tỉnh lộ ĐT616 tẻ theo đường thôn về hướng nam chừng 2km đã thấy làng Lộc Yên dưới chân đồi núi bao quanh.
Những mái nhà hướng ra lũng ruộng hẹp, mai nhuốm sương, chiều quyện khói, thanh bình bên những vườn cây đầy tiếng chim. Chỉ trừ con đường giữa làng tương đối bằng phẳng, những lối đi vào xóm đâu cũng quanh co, khuất khúc với những con dốc ẩn hiện bên bờ đá như một vùng thành lũy cổ xưa.
Nhà xưa
Lộc Yên có tuổi đời không cao hơn những làng trong vùng nhưng được gọi làng cổ chính là nhờ còn giữ được lượng nhà cổ đáng kể.
Lão làng Nguyễn Đình Huỳnh kể: “Theo các bậc tiền bối truyền lại, tộc Nguyễn Đình từ vùng hạ du đến đây mở đất sau làng An Sơn kề bên. Lúc ấy ruộng của An Sơn nằm hết ở địa phận Lộc Yên, khi lập bộ điền thổ chỉ có hai sào ruộng (điền), còn lại toàn là đất (thổ). Vậy nhưng nhờ siêng năng vỡ rừng lập vườn trồng quế, cau, chè, hồ tiêu, mít, bòng…, chẳng bao lâu ông cha mình đã khá lên, mua thêm trâu tậu thêm ruộng, làm được nhà rường”.
Mở tung hết giàn cửa “bàn khoa” để giới thiệu cái đẹp của ngôi nhà cổ miền sơn cước, vị lão làng 85 tuổi cho rằng nét độc đáo của nhà cổ Lộc Yên là được làm rặt gỗ mít lấy tại chỗ. “Làng Lộc Yên có tuổi trên 200 năm. Những ngôi nhà rường sớm nhất ở đây cũng tròm trèm 150 năm. Đình làng bằng gỗ mít to nhất huyện cũng nằm ở Lộc Yên, tiếc là đã bị phá dỡ thời chống Pháp. Cây mít được trồng nhiều ở vườn nhà đã cho ông bà mình đủ gỗ để làm nhà, đóng mọi thứ đồ đạc…” – ông Huỳnh nói.
Ngôi nhà cổ số 1 ở Lộc Yên là tài sản của anh em ông Nguyễn Đình Sưu. Nằm sát chân núi, ngôi nhà nổi tiếng bởi giàn cột gỗ mít vạm vỡ và đường nét chạm trổ tinh xảo. “Nhà to, gỗ chắc, chạm đẹp, ai đến xem ngôi nhà của anh em ông Sưu cũng trầm trồ. Nó tựa như một bảo tàng lưu giữ tài nghệ của người thợ mộc làng Vân Hà xưa…” – ông Trần Anh Hào, chủ nhân một ngôi nhà cổ ở Lộc Yên, nhận xét.
Cũng là di sản đánh dấu sự ổn cố, hưng thịnh của cư dân Lộc Yên nơi quê mới ngày ấy là ngôi nhà của chị em ông Nguyễn Đình Mẫn. Đây là tiêu mẫu nhà cổ liên hoàn từ nhà trên đến nhà cầu (nhà nối giữa) và nhà dưới theo hình chữ L vốn được quen gọi là “nhà chữ môn” (theo tự dạng chữ nho) với kích thước đồ sộ, hiếm thấy ở nơi nào còn giữ được nguyên mẫu nhà rường loại này. Đặc biệt, nhà dưới làm theo kiểu “xuyên lạn” – kiểu nhà rường có xuyên dài, giảm bớt số cột ở giữa để có diện tích rộng nhằm lùa trâu bò vào giữa nhà đạp lúa khi gặt lúa mùa mưa – gần như không còn trong hệ nhà cổ miền Trung.
Cũng như nhiều nhà cổ khác ở Lộc Yên, đồ thờ tự, vật dụng nội thất ở ngôi nhà cổ rộng hơn 200m2 này còn gìn giữ được khá hoàn hảo. Đáng quý là căn bếp cổ rộng chưa tới 8m2 của ngôi nhà: “Năm xưa chị em tui sửa lại cái bếp, đặt ở mái sau của nhà cầu cho tiện. Bởi tiếc cái nhà bếp của ông cha, không đành đem bán gỗ…” – bà Nguyễn Thị Tuyền, 65 tuổi, nói.
Để phòng hỏa hoạn, không chỉ bếp được cất biệt lập mà nhiều nhà cổ ở Lộc Yên đều có mái đất bên dưới mái tranh hay mái ngói (người Bình Định gọi là nhà lá mái). Qua thời gian, một số chủ nhà cổ Lộc Yên đã bỏ mái đất khi thay mái tranh bằng ngói, nay chỉ còn ngôi nhà mái đất của ông Trần Công Thiệm.
Khác với cách dùng nan tre dày đan làm tấm chắn để đổ đất sét làm mái dưới, ông nội của ông Thiệm đã làm trần nhà bằng ván (như cách làm trần nhà ngày nay) rồi mới đổ lớp đất sét lên trên. Mái đất này lại được nối kết với vòng tường vách cũng được làm bằng đất sét trộn rơm dày đến 15cm để tăng hiệu quả chống cháy.
Ngõ đá
Đây được coi là sản phẩm riêng của vùng đất nửa trung du nửa miền núi Tiên Phước xứ Quảng. Và những ngõ đá đẹp cũng có nhiều hơn ở làng cổ Lộc Yên. “Quê mình bao quanh toàn núi đồi, người dân từ xưa phải vỡ đất rừng để lập vườn trồng cây. Dưới đất lại có quá nhiều đá, phải lấy lên mới trồng trọt được. Đất chênh như bậc thang, đá có sẵn lấy chất thành bờ, ngăn thành từng khoảnh để chống xói trôi đất, số lại dùng lót đường đi, cài chất cổng ngõ” – ông Sưu giải thích.
Những ngõ đá thời mở đất được cư dân Lộc Yên xem như “cảnh quan” của quê mình, ai cũng dồn sức làm đẹp cho lối đi, con ngõ của mình. Không can thiệp nhiều vào độ dốc của con ngõ vì muốn “tùy thuận với thiên nhiên”, người Lộc Yên chỉ cài chất bờ đá, cùng lắm mới làm bậc cấp ở những chỗ dốc.
Theo cư dân, những ngõ dài, độ dốc cao, uốn lượn quanh co, nhiều bậc cấp mới đẹp, bề thế. Lối đi dọc theo ngõ đá được trồng chè tàu, kiểng lá nhiều màu càng tăng vẻ đẹp. Nhưng đẹp nhất vẫn là màu xanh của rêu phong, của các loại dương xỉ mọc chen trên mặt đá vốn được bóng cây che mát suốt ngày.
Người Lộc Yên bảo tồn gần như trọn vẹn những ngõ đá có từ thuở lập làng. Để gìn giữ con ngõ của ông cha, bà Tuyền và người em trai phải làm nhà để xe bên đường làng, còn ông Nguyễn Đình Hoan mươi năm nay gửi xe ở nhà người bà con gần đường. “Năm xưa em trai tui đã sửa một đoạn ngắn nhưng rồi lại thôi, quyết giữ cái ngõ đá xưa…” – bà Tuyền nói.
Theo Tuoitre Online
Lộc Yên có lượng nhà cổ độc đáo cùng với cách cài chất ngõ đá, bờ vườn khéo léo, chứa đựng nhiều thông tin về kiến trúc lẫn đời sống cư dân xưa và nay.
Đang được chờ công nhận là di sản cấp quốc gia, Lộc Yên là một làng cổ đặc thù, khác với những làng cổ Đường Lâm, Phước Tích, bởi đây là vùng cư dân thuần nông nghiệp, lại nằm ở vùng trung du – miền núi, không gian nhà – ngõ – vườn – ruộng – đồi núi gắn bó một cách hết sức hài hòa, thân thiện, là hằng số quan trọng cho một cuộc sống bền vững.
Trong chuyến khảo sát Lộc Yên cùng chúng tôi cuối năm 2010, giáo sư Hoàng Đạo Kính cho rằng làng cổ Lộc Yên là cả một nghệ thuật sắp đặt tốt, sự sắp đặt của các thế hệ cư dân giao hòa với sự sắp đặt của thiên nhiên, sự can thiệp của con người vào thiên nhiên rất ít.
Ông nhấn mạnh: làng cổ Lộc Yên là một “quà tặng của thiên nhiên trong mâm cỗ du lịch” nếu xem đây là điểm để phát triển du lịch. Thiên nhiên đã ban cho con người một không gian lý tưởng, còn con người đã kiến tạo, giữ gìn được những sản phẩm rất có giá trị.
Nhà nghiên cứu, họa sĩ NGUYỄN THƯỢNG HỶ (nguyên trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Quảng Nam)
“Lộc Yên nay còn chín nhà rường cổ. Sau ngày hòa bình, chưa ai ở đây bán đi ngôi nhà cổ của mình, thậm chí trong lúc kinh tế khó khăn họ vẫn cố tu sửa để giữ gìn ngôi nhà…” – ông Đặng Sanh, trưởng thôn Lộc Yên, nói.
Ông Nguyễn Đình Sưu cho biết cha của ông đã rất khó khăn khi từ chối bán ngôi nhà cổ của mình cho nguyên thượng thư bộ lại Ngô Đình Diệm hồi năm 1939. Hồi đó đích thân ông Diệm cùng với tri huyện Tiên Phước Phạm Viết Chánh vào tận nhà hỏi mua ngôi nhà đã nổi tiếng ở xứ Quảng.
Năm 1960, tỉnh trưởng tỉnh Quảng Tín cũng thân hành đến nhà cha ông hỏi mua ngôi nhà: “Hồi đó tui 12 tuổi, tui còn nhớ rõ ông tỉnh trưởng Thân Ninh nài nỉ cha tui bán ngôi nhà với hai điều kiện: hoặc là lấy 1 triệu đồng, hoặc là tỉnh sẽ xây cho ngôi nhà kiểu mới ở quê hay ở tỉnh lỵ tùy ý cha tui. Ông tỉnh trưởng còn khuyên rằng bán ngôi nhà cho tỉnh đem về làm Khổng miếu là việc nên làm. Nhưng cha tui nói là nhà của ông bà để lại, con cháu đem bán là trái đạo lý…”.
Lấy ra chiếc xối của ngôi nhà cầu làm bằng thân cây dừa già đã trải trăm năm mưa nắng, bà Nguyễn Thị Tuyền cho hay vừa mới từ chối một nhân viên bảo tàng đến hỏi mua. Dù cả hai vợ chồng người em trai của bà phải đến vùng cao huyện Bắc Trà My để làm lụng nuôi đàn con ăn học nhưng họ cũng đã sắm đủ gỗ mít để sắp tới khép lại phần vách ngăn, tu sửa bộ cửa cổ cho ngôi nhà dưới. “Giữ nhà của ông bà để lại là giữ đạo đức cho con cháu mình” – bà Tuyền nói.
Bà Nguyễn Thị Nhung cùng chồng đang tìm mua một tấm ván mít lớn để sửa lại chiếc quả đường (bàn ăn dài) bị hư mặt. Giữ được ngôi nhà của tổ tiên, vợ chồng bà Nhung cũng giữ được mọi đồ nội thất trong nhà, trong đó có chiếc tủ thờ trên trăm tuổi cẩn xà cừ 24 hình ảnh theo điển tích Nhị thập tứ hiếu.
…