Khi xuôi về giữa đồng bằng Thanh Hoá, còn cách cửa Hới, cửa lớn nhất đổ ra biển Sầm Sơn, chỉ 25 cây số, sông Mã nhận được sự góp nước to lớn từ sông Chu.
Người Thái gọi là Nậm Sam, tên nguyên gốc trong tiếng Việt là sông Sủ, nhưng thời kỳ người Pháp đô hộ, trong khi đo đạc thiết lập bản đồ, phiên từ âm nói mà họ viết ra thành sông Chu. Đây là dòng phụ lưu lớn nhất của con sông Mã. Điểm hợp lưu của hai con sông lớn nhất xứ Thanh này là ngã ba Giàng, còn gọi là ngã ba Bông.
Cả hai con sông đều xuất phát từ độ dốc cao, lưu tốc dòng chảy mạnh, đã tạo ra ở điểm gặp nhau giữa đồng bằng này một vàm sông rộng mênh mông, đầy những xoáy nước. Lại tạo nên ven bờ những bãi bồi phù sa rộng bát ngát, cỏ dại xanh tốt quanh năm, khiến nơi đây trở thành vùng chăn nuôi trâu bò lý tưởng.
Đặc điểm địa lý này cho đến ngày nay vẫn còn tạo cho cư dân bên bờ một nghề sinh sống hiếm thấy ở các con sông khác, là nghề vớt củi gỗ bị cuốn trôi về từ thượng nguồn.
Bắt nguồn từ vùng núi Houa, tây bắc tỉnh Sầm Nưa nước Lào, ở độ cao trên 2.000m, sông Chu đi qua 325km thì về đến đây gặp sông Mã, phần chảy trên đất Việt Nam là 160km, qua hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá. Do độ dốc chảy cao, lòng sông hẹp lại nhiều thác ghềnh, đá ngầm, đá nổi, nên bè mảng, tàu thuyền chỉ đi lại được trên đoạn hạ lưu dài khoảng 90km.
Mai một những làng chài
Làng Chành là điểm cư dân cuối cùng nằm bên hữu ngạn trước khi sông Chu gặp sông Mã. Xa xưa, đây là một làng chài. Nhưng ngày nay, nguồn thuỷ sản ngày một cạn kiệt do cách đánh bắt tận diệt từ các đoạn thượng nguồn bằng kích điện và bằng cả chất nổ, nên nghề cá gần như đã mai một.
Trai tráng làng Chành giờ đây trở thành nhân công công nhật cho các chủ sà lan hút cát, cả có phép lẫn không phép, từ thành phố Thanh Hoá kéo lên. Thời điểm chúng tôi đến đây, ngành quản lý tài nguyên Thanh Hoá đang có đợt kiểm tra gắt gao, nên sà lan hút cát ngưng hoạt động, về neo đậu chật cả bến sông làng Chành.
Chúng tôi tiếp xúc với một người hiếm hoi của làng còn đeo bám theo nghề hạ bạc, là anh Trần Văn Tình. Cha anh Tình trước kia cũng sống bằng nghề này. Từ nhỏ anh Tình đã theo cha đi thả lưới, thả câu trên sông. Lớn lên lập gia đình, vợ chồng anh đêm đêm vẫn theo sông thắp đèn, thả lưới với chiếc thuyền bé nhỏ. Con cá ngoài tự nhiên càng ngày càng ít nên anh Tình tạo thêm ba chiếc bè lồng nhỏ để nuôi thêm, nhưng mùa này cá không chịu lớn vì nước sông ô nhiễm.
Dấu ấn danh nhân
Đầu làng Chành có ngọn núi nhỏ, có tên là núi Vồm. Đỉnh núi có ngôi chùa cùng tên. Theo các bậc kỳ lão trong làng, chùa này đã có từ ngàn năm. Xa xưa chùa là ngôi miếu cổ thờ thần mặt trời theo tín ngưỡng đa thần của người Việt cổ. Đến thời Lý – Trần, Phật giáo trở nên thịnh hành ở nước ta thì cổ miếu đã biến ra thành ngôi chùa thờ Phật. Núi Vồm còn có tên chữ là núi Bàn A, trung tâm của Bàn A thập cảnh.
Vì là một ngôi làng có vị trí, cảnh đẹp từ xa xưa nên núi Vồm đã lưu dấu bước chân nhiều bậc thi nhân, vua chúa. Lê Hiến Tông là người đầu tiên khắc thơ trên vách núi. Chúa Trịnh Sâm, một vị chúa lừng danh và cũng là một nhà thơ lớn cũng đã đến đây làm thơ về núi, về chùa. Đứng từ núi Vồm nhìn phía nào cũng thấy sông nước núi non hùng vĩ. Phía nam là núi Nưa, nơi Bà Triệu khởi nghĩa; phía đông là dãy Đông Sơn 99 ngọn huyền thoại. Năm 1960, tại cánh đồng chân núi này, các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện hàng ngàn hiện vật được làm từ đá bazan, bằng kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, với các loại hình như: rìu tay, công cụ chặt thô, mảnh tước…
Dựa vào loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ đá, một số nhà nghiên cứu cho rằng, núi Đọ là di chỉ xưởng chế tác công cụ của cư dân sơ kỳ thời đại đá cũ, có niên đại cách ngày nay khoảng 30 ngàn năm. Xung quanh núi Đọ còn phát hiện được các địa điểm: Quan Yên và núi Nuông cùng chung tính chất và niên đại, từ đó xác lập một “Phức hệ núi Đọ” hay một “Văn hoá núi Đọ” sơ kỳ đá cũ, tiêu biểu cho giai đoạn bình minh của lịch sử Việt Nam ở lưu vực sông Mã.
Từ điểm hợp lưu này, xuôi tiếp hơn 6km nữa, sông Mã sẽ về đến thành phố Thanh Hoá, nơi có cầu Hàm Rồng nổi tiếng nối liền đôi bờ trên con đường thiên lý Bắc –Nam. Bên cầu, dưới chân núi Rồng là làng cổ Đông Sơn, địa điểm đầu tiên tìm thấy được chiếc trống đồng, từ đó phát hiện ra cả một nền văn hoá cổ xưa rực rỡ của người Việt cách nay hơn 3.000 năm…
TÂY TIẾN
Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi !
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi.
Quang Dũng
Phần 1: Đi dọc sông Mã: Lần lên tìm đầu nguồn
Phần 2: Đi dọc sông Mã: Trăm năm bản dệt Khăm Khăm
NISAVA TRAVEL! – Theo SGTT