Có một con đèo gắn với thơ ca và nhạc họa, cùng với những kỷ niệm không thể nào quên về chiến dịch Điện Biên lịch sử. Đó là đèo Lũng Lô, nằm ở ranh giới giữa tỉnh Yên Bái và tỉnh Sơn La. Từ một nơi vô danh “đèo heo hút gió”, từ câu thơ trong bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ – Đèo Lũng Lô anh hò chị hát” và một số tác phẩm nghệ thuật mà con đèo này đã được biết đến nhiều. Lũng Lô chứa đựng huyền thoại về những đoàn quân ra mặt trận, những đoàn dân công hỏa tuyến, ngày nay là một điểm du lịch về nguồn và khám phá đầy hấp dẫn trong khu vực Tây Bắc.
Đèo Lũng Lô nằm trên Quốc lộ 37 (đường 379 cũ, nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32B) tại ranh giới hai huyện Văn Chấn (Yên Bái) và Phù Yên (Sơn La), nằm về phía Đông Bắc thị trấn Phù Yên, cách 33 km.
Đèo dài 15 km, từ km 349 đến km 364, độ dốc 10%. Trong kháng chiến chống Pháp, một trong những con đường tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 – 7/5/1954) qua đèo này.
Từ thành phố Yên Bái, theo đường đi Văn Chấn – Nghĩa Lộ, tới ngã ba Vực Tuần thì rẽ trái, sẽ tới xã Thượng Bằng La, đây là vùng cư trú của người Tày miền Tây Yên Bái. Thượng Bằng La cũng là xã tiếp giáp với huyện Phù Yên (Sơn La). Xưa đi trên tuyến đường này, xe khách từ bến xe Yên Bái phải bò chậm rì cả ngày mới tới Thượng Bằng La, bởi con đường từ Ba Khe vào toàn đất đá. Nay đường đã được trải nhựa, dễ đi hơn nhiều.
Bạn muốn đi từ Hà Nội lên thăm đèo Lũng Lô để trải nghiệm cảm giác khám phá Tây Bắc, lâng lâng trong không gian trong lành của miền núi, thì có thể theo lộ trình như sau: Từ Hà Nội đi Sơn Tây theo Quốc lộ 32B.
Dịp trước có cơ hội đi xe máy từ Hà Nội về Lào Cai, chúng tôi quyết định đi theo tuyến này để có thể vượt đèo Lũng Lô, về nghỉ tại Yên Bái rồi mới về Lào Cai. Đi đường Láng – Hòa Lạc gặp QL21A ở khoảng km5. Đường đã được làm rất tốt, trải at-fan phẳng lì. Đến cầu Trung Hà là 12h trưa.
Cầu Trung Hà bắc qua con sông Đà đang chảy ngược lên phía bắc để hòa vào sông Hồng ở Tam Nông. Con sông Đà hung dữ trong ký sự của cụ Nguyễn Tuân về đến đây chỉ còn là một dòng chảy trong xanh, hiền hòa và êm ả. Chắc là cái dữ dội đã gửi cả lại miền núi cao rừng thẳm rồi. Tiếp tục đi, tới thị trấn Hưng Hóa rồi qua ngã tư Cổ Tiết.
Từ Cổ Tiết đến thị trấn huyện Thanh Sơn chỉ vài km, đường khá đẹp, nhưng nhiều dốc cao. Sau bữa trưa, chúng tôi tiếp tục lên đường tới Thu Cúc, địa danh được nhắc đến trên cột mốc của Quốc lộ 32 chỉ là một thị tứ nhỏ, nhưng lại là nơi giao nhau giữa đường từ Phù Yên – Sơn La (QL32B) và đường từ Văn Chấn – Yên Bái (QL32) sang nên khá sôi động với các quán ăn và nhà nghỉ.
Điểm đặc biệt là Thu Cúc có nhiều núi đá, không cao lắm nhưng chính vì thế tạo nên khung cảnh khá ấn tượng khi ở đây người ta làm nhà ở ngay dưới chân núi đá. Chính từ Thu Cúc này, có 2 đường đi sang Văn Chấn của tỉnh Yên Bái, một đường vượt đèo Lũng Lô, còn một đường qua đèo Khế, giáp giới giữa Phú Thọ và Yên Bái (giống tên một con đèo bên Thái Nguyên – Tuyên Quang).
< Những hình ảnh sạt lở mất hẳn đường tại đèo Lũng Lô – phía Phù Yên Sơn La.
Người dân cho hay, đường đèo Lũng Lô đã bị tàn phá nặng nề bởi cơn bão số 7 hồi năm 2008, nếu đi xe máy thì nhiều đoạn phải cài số 1 mà dắt, còn qua đèo Khế thì thuận tiện hơn. Nhưng chúng tôi quyết tâm vượt đèo Lũng Lô bởi biết rằng chẳng mấy khi có cơ hội được tham quan con đèo này, cho dù có phải dắt xe cài số 1. Thời điểm đó, đèo Lũng Lô bị nước lũ cuốn thẳng từ đỉnh đèo xuống và con đèo lịch sử bị cắt thành nhiều đoạn. Tuy nhiên, chúng tôi đã vượt đèo lên tới Thượng Bằng La. Thượng Bằng La có vị trí quan trọng, án ngữ hai con đường huyết mạch là Quốc lộ 13A (nay là đường 37A) về hướng Tây Bắc Tổ quốc và Quốc lộ 32 chạy qua phía đông xã.
< Bộ đội công binh Trung đoàn 151 phá đá trên đèo Lũng Lô, mở đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với địa thế có vị trí chiến lược quan trọng nên trong kháng chiến chống Pháp, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, dân công hỏa tuyến theo Quốc lộ 13A qua Thượng Bằng La tiến vào giải phóng Tây Bắc, làm nên “chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”. Trong khí thế hào hùng ấy, năm 1953, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, trong đội hình đại đội súng cối 267 thuộc Đoàn B08 hành quân từ Đại Từ lên miền Tây Bắc. Khi tới Thượng Bằng La, đại đội được lệnh dừng chân. Cấp trên phổ biến nhiệm vụ cho đơn vị là tham gia “Chiến dịch Trần Đình”.
Trần Đình là địa danh nào trên bản đồ Tổ quốc? Không ai biết. Có anh đoán già, đoán non: “Có lẽ ta hành quân nghi binh, qua Nghĩa Lộ rồi lại quặt về đồng bằng”, nhiều ý kiến đồng tình, nhiều ý kiến dự đoán khác, sôi nổi hẳn lên. Bỗng trong đoàn hành quân có một chiến sĩ cất giọng nói to: “Thôi, dẹp thắc mắc nhé! Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận chộp lấy cuốn sổ tay và cẩn thận ghi nguyên câu nói của người chiến sĩ ấy. Bài hát được ra đời ngay trong bước hành quân lên Tây Bắc. “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”, bài hát thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí quyết thắng của lớp lớp Bộ đội Cụ Hồ.
< Thác nước trên đèo Lũng Lô.
Lũng Lô cũng gắn với kỷ niệm của một họa sĩ nổi tiếng đã từng bán vàng để lấy tiền nuôi học sinh, đó là họa sĩ Tô Ngọc Vân. Bức tranh “Qua đèo Lũng Lô” chính là bức họa cuối cùng của ông trước khi về cõi vĩnh hằng. Chuyện rằng, những năm tháng kháng chiến, họa sĩ Tô Ngọc Vân luôn tranh thủ thời gian để đi sáng tác. Họa sĩ đã hy sinh trong một trận ném bom của địch vào ngày 17/6/1954 tại chân đèo Lũng Lô. Bức họa cuối cùng của ông – “Qua đèo Lũng Lô” đã khép lại sự nghiệp hội họa đang đà phát triển, trong sự tiếc nuối của bao người mến mộ tài năng Tô Ngọc Vân – họa sĩ đầu đàn của nền mỹ thuật Việt Nam.
Ngày nay, nếu xuất phát từ thành phố Yên Bái đi tham quan đèo Lũng Lô, bạn chỉ mất có một ngày vừa đi vừa về và có một bữa trưa thú vị ở Thượng Bằng La hoặc Mường Cơi với những món ẩm thực đặc sản. Tới đỉnh đèo lộng gió, bạn sẽ thu vào tầm mắt những thung lũng xanh tươi, những trang trại chăn nuôi đầy bò, dê của đồng bào quanh vùng Thượng Bằng La (Văn Chấn) và Mường Cơi (Phù Yên).
Nao nao nhớ những bước chân hào hùng một thuở, phong cảnh và lịch sử con đèo đã đi vào huyền thoại bằng bài hát “Hành quân xa”, vào bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, vào bức tranh “Qua đèo Lũng Lô”… làm nên huyền thoại bất tử. Lũng Lô xứng đáng là một địa chỉ du lịch về nguồn và khám phá trên vùng đất Tây Bắc đầy vẻ đẹp của tự nhiên và con người.
Đèo Lũng Lô được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia hôm 7/5, nhân kỷ niệm 57 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2011).
NISAVA TRAVEL! – Nguồn từ báo Lào Cai, ảnh Ttvnol + tư liệu internet