Nằm trong vùng đệm của di sản Hạ Long có một hang động mà chỉ những dân chài đi biển tránh bão mới biết đến. Ít ai ngờ rằng nơi đây từng là nơi tập kết đội tàu săn ngầm chống ngư lôi, nơi cất giấu những con tàu không số nổi tiếng thời chống Mỹ.
Những “vùng đặc biệt”
Đại tá Lê Văn Chừng, nguyên thuyền trưởng tàu săn ngầm T 225 thuộc tiểu đoàn 200 (lực lượng hải quân thời chống Mỹ), cho hay vào thời ấy nhiều hang động ở vịnh Hạ Long được trưng dụng làm nơi cất giấu vũ khí, tàu thuyền quân sự. Năm 1964, bản thân ông và các thủy thủ tàu săn ngầm T 225 đã từng phối hợp với đơn vị cao xạ ở Bãi Cháy bắn rơi hai máy bay Mỹ và bắt sống một phi công Mỹ trên vịnh Hạ Long.
Trưởng làng chài Cửa Vạn Nguyễn Văn Cho kể thời chống Mỹ, vịnh Hạ Long có những “vùng đặc biệt”. Ông và dân chài đi đánh cá gặp rất nhiều con tàu không số hiệu lượn lờ trong các ngõ ngách của vịnh. để đảm bảo bí mật quân sự, dân làng chài hầu như không được tiếp xúc với người lạ trên đất liền và cũng chỉ được đi lại hạn chế trong vùng vịnh.
Ông Cho dẫn chúng tôi đến nhà ngư dân Nguyễn Tài Lộc, một cựu chiến binh lái tàu không số, hiện sinh sống ở làng chài Cửa Vạn. Ở tuổi 66, còn khá minh mẫn và tráng kiện, ngư dân cựu chiến binh Nguyễn Tài Lộc còn nhớ như in buổi lễ truy điệu sống cho mình và các đồng đội trong hang Sửng Sốt. “Chuyến đi đầu tiên năm 1964, trước khi tiễn đoàn chúng tôi, đơn vị có làm lễ truy điệu sống cho các anh em. Thật vinh dự là có ông Trường Chinh và ông Song Hào cũng đến dự, chúng tôi quyết tâm hứa với Đảng, với cấp trên phải hoàn thành nhiệm vụ, dù phải hi sinh bản thân mình”, ông Lộc hồi tưởng. Từ Hạ Long, những con tàu được trang bị vũ khí đạn dược, lương thực, sửa chữa rồi mới đưa sang Đồ Sơn tập kết. Cũng từ Hạ Long, nhiều chuyến tàu được đưa thẳng sang đảo Hải Nam (Trung Quốc) để gắn cờ hiệu các nước phương Tây rồi lại rẽ sóng hướng về miền Nam.
Ông Lộc tự hào rằng các chiến binh lái tàu không số là những người có “thần kinh thép”. Tuy ông đóng quân ở một hang trên vịnh Hạ Long chỉ cách nhà nửa giờ chèo thuyền, nhưng gia đình ông không biết ông đóng quân ở đâu. Buổi tối hôm ông đưa thuyền mang vũ khí vào Nam, mẹ của ông chèo thuyền mang cá đến bán cho đơn vị bộ đội ở trong hang. Từ xa nhìn thấy mẹ, ông kìm lòng vội lẩn xuống hầm tàu. Trú trong hầm tàu, ông nghe rõ tiếng mẹ hỏi thăm anh em thủy thủ: “Thằng cháu nhà tôi cũng đi bộ đội hải quân nhưng không biết nó đóng ở đâu?”.
Từ vịnh Hạ Long, ông Lộc cùng đồng đội đã đưa bốn chuyến tàu vũ khí vào Nam. Đưa tay xoa gương mặt sạm cháy, ông Lộc kể: “Đến chuyến thứ tư là ngày 27-7-1967, chúng tôi được giao nhiệm vụ chở 100 tấn vũ khí, đạn dược vào Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Khi đến bãi biển Bình Sơn thì bị quân đối phương phát hiện, cho máy bay oanh tạc. Sau gần hai giờ chiến đấu anh dũng, ba chiến sĩ được phân công ở lại hủy tàu; tôi cùng 13 đồng chí còn lại nhảy xuống biển bơi vào bờ. Khi vượt hơn 2 hải lý vào đến bờ thì bị bỏ bom. Tôi bị cháy hết da mặt, gãy xương hàm và xương chân. May được quân và dân Bình Sơn tìm thấy, cứu chữa rồi đưa tôi ra Bắc”.
Ông Lộc cho hay do yêu cầu bí mật, ông chỉ được biết Hạ Long thời ấy có năm hang cất giấu tàu thuyền, vũ khí. Riêng hang Quan là cảng quân sự lớn nhất trong hang của hải quân VN thời ấy được bảo vệ nghiêm ngặt, mà chỉ có những chiến sĩ điều khiển tàu không số mới biết nó “hoành tráng” như thế nào.
Cảng quân sự trong hang
Chúng tôi cập tới hang Quan lúc 5 giờ chiều, từng đàn dơi biển, chim biển nghe tiếng động của xuồng máy nhất loạt vỗ cánh bay tán loạn trong vòm hang. Sau đó thấy những người khách lạ đến thăm hang không hề có ý định “gây hấn”, chúng lại về nơi trú ngụ là những hốc đá trong vòm hang.
Với diện tích 5.000m2, bên trong hang Quan được xây dựng với nhiều ụ và có cả triền cho tàu neo đậu, lên xuống. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản và giải trí biển vịnh Hạ Long Nguyễn Việt Dương cho hay vào năm 1993, ông đã đưa phó đô đốc hải quân Liên Xô (cũ) thăm hang Quan, vị này đã trầm trồ và khâm phục trước một cảng quân sự kỳ lạ có một không hai trong thắng cảnh du lịch nổi tiếng thế giới.
Theo tư liệu của còn lưu giữ tại Ban quản lý vịnh Hạ Long, cảng quân sự hang Quan được thi công từ 1-5-1966 và hoàn thành ngày 1-5-1970, do phòng công binh hải quân thiết kế và thi công. Để hoàn thành cảng quân sự bí mật trên vịnh Hạ Long gồm triền cất tàu, trạm sửa chữa, kho vũ khí chứa dầu, nước và hai cầu tàu, các chiến sĩ công binh hải quân đã có bốn năm ăn ở, làm việc.
Trong thời gian quân đội Mỹ đánh phá ác liệt, cảng này vừa thi công vừa trưng dụng làm nơi chứa vũ khí và huấn luyện các chiến sĩ đặc công biển. Cựu chiến binh Nguyễn Tài Lộc kể hang Quan thời ấy được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt với các khí tài tối tân. Trong hang có lối đi thông với trần hang lên đỉnh ngọn đảo, nơi đó có đặt một trạm rađa và các tháp pháo cao xạ. Tuy là chiến binh của tàu không số, khi vào hang ông Lộc cũng chỉ được giới hạn một số khu vực của hang chứ không được đi lại một cách thoải mái. Ông Lộc cho hay hồi ấy khi đi nhận lương thực cho tàu không số, ông sững sờ vì thấy lượng lương thực gạo và bột mì cực kỳ dồi dào, có thể cho cả sư đoàn dùng hàng tháng trời cũng chưa hết. Sau ngày hòa bình, những khí tài của cảng quân sự của hang Quan đã được chuyển đi nơi khác và bàn giao lại cho địa phương quản lý, lúc đó dân chài đi biển mới hay nơi đây từng có một quân cảng bí mật.
Hang Quan giờ đây hoang vắng là nơi trú ngụ của những loài chim biển và chỉ có những người đi biển tránh bão mới vào. Ông Nguyễn Việt Dương trầm ngâm: “Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất nên bảo tồn di sản này để giáo dục truyền thống, nhưng chưa nhận được hồi âm”. Hạ Long kỳ quan đã được khắp nơi biết đến, còn có một Hạ Long anh hùng để được lưu dấu khắc ghi thì còn phải chờ đợi qua thời gian!
NISAVA TRAVEL! – Theo Tuoitre
Hạ Long – Chuyện bây giờ mới kể (Kỳ cuối): Có một Hạ Long anh hùng
Hạ Long – Chuyện bây giờ mới kể – Kỳ 3: Những hang động mới
Hạ Long – Chuyện bây giờ mới kể (Kỳ 2): “Vườn thuốc dân gian” trên biển
Hạ Long – Chuyện bây giờ mới kể – Kỳ 1: Bí ẩn cánh rừng già