Thửa ruộng bậc thang hình trái tim ở bản Díu, xã Thèn Phàng cách trung tâm huyện lỵ Xín Mần 40 cây số, trên đường lên cửa khẩu Cốc Pài và thẳng hướng lên đồn biên phòng Xín Mần chốt nơi độ cao gần 2.000 mét. Nhìn lên phía trên là đỉnh núi Gia Long sừng sững ủ ấp biết bao huyền thoại, với những nghĩa địa đầu trâu của người La Chí, mộ vua Gia Long của người La Chí hay chợ phiên Lũng Phình giáp ranh giữa Xín Mần và Bắc Hà của tỉnh Lào Cai…

Tác giả của thửa ruộng ruộng hình trái tim trên dãy Tây Côn Lĩnh là anh Sín Văn Tinh, sống ở bản Thèn Phàng (Xã Thèn Phàng, Xín Mần, Hà Giang). Một trái tim khổng lồ bằng đất, đẹp đẽ đến độ hoàn hảo, ngự trên đỉnh núi, xung quanh là những thửa ruộng bậc thang trùng điệp, ở độ cao gần 2.000 m, chúng cứ nối đuôi nhau “chạy” như lên tận trời.

Các con đường men theo những sườn núi thuộc dãy Tây Côn Lĩnh, đều rất ngoằn nghoèo với độ cua  gấp khúc đến nỗi, người nào yếu ớt thì đi xe máy cũng cảm  thấy nôn nao.

Xe chúng tôi  từ từ “bò” lên đỉnh núi thì cũng là lúc hai tai tôi ù đặc. Xé tan màn sương mờ, vạt núi quanh tôi ngút ngàn hoa dại màu tím nhỏ li ti, xen lẫn những đồi hoa Tam Giác Mạch màu hồng nhạt… Mùa khô, không có nước, những thửa ruộng đẹp đẽ ấy chỉ để hoang hoặc trồng rau cải. Ngay khi mặt trời ló mặt ra khỏi những đám mây trắng như bông, thì vẫn có những làn sương mỏng tang bay qua nóc nhà sàn của người La Chí… Không gian trở nên huyền hoặc và đẹp hút hồn…

Trái tim bằng đất, có ‘nguồn gốc xuất xứ’ hẳn hoi. Đã đi miền núi khá nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được tận mắt trông thấy một kỳ quan đẹp và đáng yêu đến thế. Đặc biệt là khi được ngắm nó ở trên đỉnh núi cao. Nó là đứa con tinh thần của Tinh, anh thai nghén nó giống như một nhà văn tài ba, thai nghén, vật vã để cho ra đời cuốn tiểu thuyết ruột gan. Anh cũng giống y như một họa sĩ, nhiều đêm nghĩ suy, bóp trán đắn đo, âu lo về tác phẩm nghệ thuật quan trọng nhất đời mình.

Nhà của Tinh nằm chênh vênh trên sườn núi, ven con đường dẫn lên cột mốc biên giới số 5, xã Xín Mần. Chị Sùng Thị Vẻ, dân tộc Nùng, là vợ của Tinh đang nấu rượu ngô, mùi rượu thơm lừng tỏa ra từ góc bếp. Vợ chồng Tinh hơn kém nhau một tuổi, họ có với nhau hai mặt con.
Tinh là con út trong gia đình gồm sáu anh chị em. Bố mất năm anh được gần 3 tuổi, mẹ tần tảo nuôi đàn con khôn lớn. Hồi Tinh còn nhỏ, chứng kiến sự vất vả của mẹ, anh phải nghỉ học để đi làm nương đỡ đần mẹ.

Khi các chị gái đã đi lấy chồng và lập gia đình riêng, anh trai thứ 2 của Tinh tốt nghiệp trường sư phạm, về làm thầy giáo của bản, anh trai thứ nhất là thành viên trong Ban quản lí hợp tác xã Thèn Phàng. Năm 1993, Tinh lấy vợ là người cùng bản và cùng là người Nùng. Cuối năm đó, mẹ gọi 3 đứa con trai về họp gia đình để chia ruộng nương, mẹ bảo: “Nhà chỉ có vài sào ruộng, các con nhận lấy rồi tự quản lý, theo cách của mình…”.

Tinh được chia toàn bộ ruộng nương trên ngọn núi cao, nơi mà anh đã gửi gắm cả thời bé thơ đầy nhọc nhằn. Chia ruộng xong, chẳng bao lâu mẹ Tinh qua đời.
Tinh bảo, trước khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ gọi các con lại dặn rằng: Ruộng nương nhà mình là do mẹ con ta nhọc nhằn lắm mới khai khẩn được, các con đừng bán đi cho dù đã giàu có… Tinh cải tạo thửa ruộng trên núi thành hình trái tim để luôn tưởng nhớ đến mẹ. Mỗi năm vợ chồng anh sửa sang một tí, cắt gọt một chút, mùa màng đến, vợ anh lại cấy lúa nương lên đó, thu hoạch xong, đến mùa khô Tinh lại mang xẻng ra đào, đắp cho trái tim thành hình hoàn hảo…

Xung quanh mảnh ruộng hình trái tim đẹp đẽ bốn mùa mây phủ, còn có một huyền thoại khác mà trai gái bản Díu vẫn kể cho nhau. Chuyện rằng, đấy là tác phẩm tình yêu mà Sín Văn Tinh thao thức bao đêm để dành tặng người yêu – thiếu nữ Nùng có tên Sùng Thị Vẻ ở bản Pồ Cố.
Thuở ấy, gã trai bản vừa như con gà trống choai mới lớn, đem lòng thầm yêu trộm nhớ cô thiếu nữ xinh đẹp như đóa hoa rừng. Mối tình đơn phương ấy cứ ngấm ngầm lớn mãi. Tinh biết, Vẻ cũng đã hiểu lòng Tinh, chỉ đợi một đêm trăng sáng, nơi bờ suối đầu bản, Tinh cầm tay Vẻ, rồi thì thầm một điều…, nhưng mà Tinh chưa làm được…

Ở Thèn Phàng, cái khoảnh ruộng quý như bát nước giữa cơn nóng nực. Bởi, một mùa phát cây, dẫy đất, nửa con trăng bắc ống bương, ống vầu dắt con nước từ mãi khe núi trên cao tít về… Mùa thứ hai, đất mới mắt nước, đưa cái cuốc xuống, đất mới lật thân để cây lúa bén rễ, rồi mới ăn đời ở kiếp, mới thành khoảnh ruộng. Tinh nghĩ mãi, thao thức mấy đêm trăng. Mẹ hiểu lòng con trai, chỉ biết thở dài…
Rồi, đến một ngày, Bản Díu ngỡ ngàng, nơi khoảnh đồi của Tinh, trên chót cùng, một ô ruộng hình trái tim bỗng nở hoa cây lúa. Không quản bao công sức của người trai bản, đất cũng mở lòng… Nơi khoảnh ruộng ấy, người đầu tiên gã trai hiền lành và nhút nhát ấy dẫn ra, là Sùng Thị Vẻ.

Câu chuyện ấy đã xảy ra cách đây cả chục năm có lẻ. Thế mà, nó vẫn truyền mãi, cho những đứa trẻ bản Díu bây giờ. Chúng bảo, đấy là ruộng tình yêu của chú Tinh, cô Vẻ! Bây giờ, Tinh và Vẻ đã có con lớn, đã về ở một nhà, ăn đời sống kiếp cùng nhau. Những vất vả cuộc sống, vẫn không làm tình yêu nơi họ già đi, mà dường như, nó vẫn nồng nàn như cái nhìn đầu tiên bên suối.
Mảnh đất hùng vĩ, hoang sơ mê hoặc du khách có máu hải hồ bởi chính những nhọc nhằn của nó. Trong muôn ngàn những cơn cớ, có thể có cả hình ảnh lãng mạn được bao bọc bởi huyền thoại có tên… trái tim của đất…

NISAVA TRAVEL! – Theo Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *