Như một chuyến hành hương, từ Hà Nội chúng tôi lại có dịp xuôi về phía đông viếng thăm đền Kiếp Bạc khi mùa lễ hội vẫn còn dư âm đâu đó trong lòng mỗi người…
Cách Hà Nội chừng 80 km về phía đông, nằm trong tuyến hành hương quan trọng về miền đất Phật Côn Sơn – Kiếp Bạc – Yên Tử – Quỳnh Lâm, vùng đất Vạn Kiếp xưa là khu căn cứ thủy quân và cảng nước lớn thời kỳ Lý – Trần, nơi từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống xâm lược của quân Nguyên Mông.
Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
< Bên trong đền Kiếp Bạc.
Theo thuyết phong thủy, núi sông đã thật sự tô điểm cho cảnh sắc không gian Kiếp Bạc, tạo thành một địa thế đẹp, thế long chầu, hổ phục của dãy núi Rồng bao bọc xung quanh, dòng Lục Đầu Giang tạo thế Minh đường bao la, thoáng đạt phía trước.
Tháng 3 âm lịch, những dòng người vẫn tấp nập hàng hàng lớp lớp trong khói nhang nghi ngút tỏ lòng thành kính với đức Thánh cầu mong vạn sự hanh thông. Vạn Kiếp là nơi hội tụ của những dòng sông lớn (Lục Đầu Giang) chở nặng phù sa cho một vùng đồng bằng rộng lớn gồm: sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống, sông Kinh Thầy hợp với sông Thái Bình rồi đổ ra biển lớn.
< Sông Lục Đầu.
Lịch sử còn ghi vào thế kỷ 13 Vạn Kiếp là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Sau này ông được vua ban thái ấp, lập nghiệp và sống ở đây cho đến lúc qua đời năm (1300).
Sang thế kỷ 14, đền thờ ông được xây dựng tại nơi đây và là nơi tổ chức các lễ hội hằng năm để dâng hương tưởng niệm vị anh hùng của dân tộc Việt, người có công lớn với đất nước và được dân gian tôn sùng là Đức Thánh Trần.
< Mặt trước đền.
Viếng đền Kiếp Bạc đầu tiên phải qua chiếc cổng lớn đắp nổi “lưỡng long chầu nhật” dưới đề dòng Hán tự “Hưng thiên vô cực”, dưới nữa là dòng chữ “Trần Hưng Đạo Vương Từ”.
Bước qua chiếc cổng lớn là một không gian thoáng rộng với tả hữu hành lang, cùng những hàng cây si cổ thụ tỏa bóng xum xuê tuôn những bộ rễ già nua, thăm giếng ngọc mắt rồng, tòa ngoài cùng là nơi thờ Phạm Ngũ Lão.
Bên trong điện thờ có bốn pho tượng đồng thờ Trần Hưng Đạo, Thiên Thành công chúa – phu nhân đại vương, Hoàng thái hậu Quyên Thanh – phu nhân Trần Nhân Tông, Anh Nguyên quận chúa – phu nhân Phạm Ngũ Lão; cùng ban thờ bốn con trai Đức Thánh Trần là: Trần Quốc Hiến (Hiện), Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng và Trần Quốc Uy (Uất) và hai vị tướng tài mà ngày xưa Trần Hưng Đạo rất yêu mến là Yết Kiêu và Dã Tượng.
< Hành lang nơi khách hành hương chuẩn bị sắp sửa lễ vật dâng lên Đức thánh Trần.
Điện thờ phía trong được sắp đặt trang hoàng, lộng lẫy với những đồ thờ tự sáng bóng sơn son thếp vàng, những bức hoành phi, câu đối, cửa võng cho đến bát hương, đỉnh thờ… đều được các bậc tiền nhân chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo.
Sau khi đi lễ một vòng trong đền, khách hành hương thường dạo bước, quá bộ khoảng 100m đến phía trước mặt đền Kiếp Bạc để ngắm nhìn cảnh sắc dòng Lục Đầu Giang, dòng sông đã đi vào sử vàng của dân tộc. Phóng mắt cảm nhận không gian bao la, trải dài như bất tận khiến ta liên tưởng đến một trận thủy chiến oai hùng làm kinh hồn bạt vía quân xâm lược Nguyên Mông mấy thế kỷ trước.
< Những cụ đồ nho viết sớ kiêm xem cả tử vi xếp thành hai hàng dài từ cổng vào trong.
Ngày nay lễ hội chính đền Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 15-8 đến 20-8 âm lịch hằng năm, vì vậy dân gian có câu “tháng Tám giỗ Cha”. Tuy nhiên, du khách đến viếng đền quanh năm thường vào mùa xuân và mùa thu là đông nhất bởi gắn liền với lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Những năm hội tổ chức lớn thường diễn lại các tích của trận giả trên sông Lục Đầu với các cỗ thuyền bè lớn hội tụ về đây trống mở cờ dong tái hiện hào khí oai hùng, vẻ vang của Đại Việt.
NISAVA TRAVEL! – Theo Tuoitre cuối tuần