Gần một tuần vượt rừng, lội suối lên núi Ngọc Linh – Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) mới nhận ra, xứ sở sâm quý còn có những người, những chuyện lạ kỳ hơn cả… sâm.

Người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh có thể được xếp vào bậc đệ nhất thiên hạ trong chuyện thưởng thức rượu. Già trẻ, gái trai ở đây đều uống rượu và ăn thuốc.

Lên non

Thấy chúng tôi quyết định lên Ngọc Linh, cánh xe ôm tại thị trấn Tắc Pó lắc đầu: “Đừng liều. Khóc giữa đường ráng chịu”. So sánh những chiếc xe Minsk rất bụi đời của cánh xe ôm với những chiếc Wave, Dream cũ nhèm, yếu hơi của cánh phóng viên thì hành trình chinh phục có vẻ quá xa vời.

Nhưng vẫn quyết đi. Tuyến đường nam Quảng Nam nham nhở, sau trận mưa càng trở nên sình lầy. Những dốc cao hun hút, chênh vênh giữa bốn bề núi rừng. Xe liên tục cài số 1. Tưởng chừng phải bỏ cuộc, cuối cùng 11h trưa, chúng tôi đến xã Trà Linh. Đây mới chỉ là chặng đường dễ dàng nhất. Từ Trà Linh lên đỉnh Ngọc Linh phải vứt lại xe, leo núi.

Trà Linh gồm 4 thôn với 12 nóc nằm rải rác giữa dãy Ngọc Linh hùng vĩ. Không biết lối đi. Chợt phía sau có giọng trẻ con: “Mấy chú lên thôn mấy. Nếu lên thôn 3 cháu dẫn đường cho. Cho cháu gói bánh về làm quà cho em”. Ngoảnh lại, một cậu bé đen đúa trên vai trĩu nặng gùi hàng. Hồ Văn Hời năm nay học lớp 6 nhưng chiều cao cân nặng chỉ bằng cậu bé lớp một dưới xuôi. “Con gùi cát lên để xây lớp ở thôn. Một ký được 1 ngàn đồng. Con gùi được 25 ký”. Nghỉ hè, Hời cùng bạn bè trong thôn rủ nhau đi gùi cát xi măng để xây trường học.

< Người dẫn đường tý hon Hồ Văn Hời.

Theo chân Hời bắt đầu băng rừng leo núi. Gùi trên lưng trọng lượng nặng hơn mình, Hời vẫn đi thoăn thoắt. Chúng tôi theo không kịp, thở cả ra đằng tai. Thỉnh thoảng Hoàng Thọ, phóng viên Đài huyện Nam Trà My phải gọi với: “Hời ơi. Nghỉ đã. Ly ò, ly ò (tiếng người Xê Đăng nghĩa là mệt quá)”.

Dọc đường gặp nhóm thanh niên thôn 3 đang nghỉ bên bờ suối. Một thanh niên vai gùi tivi, một tay xách chú vịt, tay kia cắp can rượu 5 lít: “Mua được tivi. Mua thêm rượu và mồi về cả nhà ăn nhậu. Tối cán bộ ghé uống nhé!”. Nhóm thanh niên này xuống núi từ chiều hôm qua, ăn nhậu no say, trưa nay mới lên lại. Một thanh niên mặc áo sẫm màu, bê bết bùn đất, tựa vào vách đá nhìn chúng tôi với ánh mắt hoang dã. “Nó say hôm qua tới giờ. Đi không vững, té ngã mấy lần rồi!”, một người trong nhóm lên tiếng.

Rượu – nước, thuốc – cơm

Gần 3 tiếng đồng hồ theo chân Hời, cùng nhóm thanh niên, chúng tôi đến nóc Tăck Lan thuộc thôn 3 khi mây mù bắt đầu phủ kín đỉnh Ngọc Linh. Chân tay, xương cốt rã rời.

< Chị Tin một ngày nấu gần 100 lít rượu bán cho dân làng.

Ghé quán hàng đầu nóc Tăck Lan. Chị Nguyễn Thị Tin, người ở huyện Núi Thành lên đây buôn bán được 2 năm đang phơi nong cơm mới để ủ rượu tất tả ra chào khách. Biết người xuôi lên chị Tin mừng lắm.
“Đây buồn lắm. Hai vợ chồng lên đây buôn bán vài năm kiếm tiền nuôi con ăn học rồi về xuôi. Buôn bán cũng được nhưng chỉ có điều dân làng nợ nhiều quá. Gần 30 triệu rồi, toàn tiền rượu, sổ nợ ghi chẳng hết. Nợ nhưng mình không dám đòi”.

Người dân đợi đến mùa bán sâm mới có tiền trả. Nhưng nhiều hộ nghèo nợ không trả nổi một xu. Như chợt nhớ điều gì chị Tin lại lên tiếng: “Mấy anh em qua chỗ cậu Long công an thôn nói nó tiếng. Nói với nó khi nó còn tỉnh. Lên đây không trình báo, nó say vào là hỏi chuyện đó”.

Đang nói chuyện với chị Tin, một cậu bé chừng 10 tuổi ôm can rượu to hơn người bước vào nói câu trống quơ: “Rượu”. Chị Tin hỏi: “Bao nhiêu?”. “3 lít. Ghi nợ cho bố Hài”. Rót rượu cho cậu bé, chị Tin nói: “Thế đó. Buôn bán trên này là thế. Dân đây uống rượu như uống nước lã. Nóc này có 45 hộ. Mỗi ngày tôi nấu gần 100 lít nhiều hôm không đủ. Chưa kể đến rượu đám thanh niên xuống núi mang lên, rượu cần trong dân tự ủ nữa đó”.

Ở đây, những phụ nữ như Dung biết uống rượu từ khi 8-9 tuổi. Ai cũng uống rượu hết. Không uống rượu khó lấy được chồng. Chưa đầy 30 phút can rượu 5 lít hết sạch. Long sai vợ đi lấy thêm.

< Người Xê Đăng uống rượu như uống nước.

Chúng tôi ghé nhà Hồ Văn Long, trưởng công an nóc Tăck Lan để trình báo. Long 25 tuổi, nhưng trông người già quắt. Long và 4 người khác đang chuẩn bị bắt đầu cuộc nhậu. Xung quanh mấy chị em xúm lại cười nói rôm rả “Nhà báo à. Vào uống đã rồi tính sau”. Một can rượu 5 lít đã dựng sẵn bên.
“Uống đi. Uống xem rượu trên này ngon hơn dưới xuôi không”, Long rót rượu ra bát lớn mời chúng tôi. Thấy những bát rượu to, đầy tràn, cả bọn chúng tôi đều ngợp. Hoàng Thọ đá chân nói nhỏ: “Tập tục người dân quý khách đãi rượu đầy, gắng uống hết, không họ trách”.

Thỉnh thoảng Dung vợ Long và mấy chị em giơ ly rót rượu cùng uống. Ngọt xớt, không thua kém gì đàn ông. Ở đây, những phụ nữ như Dung biết uống rượu từ khi 8-9 tuổi. Ai cũng uống rượu hết. Không uống rượu khó lấy được chồng. Chưa đầy 30 phút can rượu 5 lít hết sạch. Long sai vợ đi lấy thêm.
Long bảo: “Bọn mình không hút thuốc. Hút thuốc có hại cho sức khỏe. Bọn mình nhai thuốc thôi. Nhai như nhai cơm, nhai thế này mới ngon”.

Nói rồi Long rút từ túi quần một hộp nhỏ, chứa thứ bột sẫm màu. Đổ bột ra tay, ngả miệng, le lưỡi liếm sạch. Bột thuốc dắt ở kẹt răng, Long nuốt nước, rồi phun bột ra ngoài. Đó là bột được nghiền từ lá thuốc. Dân ở đây nhai thuốc, thay vì hút thuốc.

Chúng tôi về lại quán vợ chồng chị Tin lúc nửa đêm xin tá túc chờ trời sáng. Tiếng đàn ông lè nhè, tiếng phụ nữ cười nói rôm rả giữa núi rừng trong đêm sương mù lạnh giá. Ngả lưng xuống chiếc chiếu được trải giữa nền đất chưa kịp chợp mắt đã nghe tiếng gõ cửa rầm rầm. Một giọng lè nhè: “Rượu…”.

Chồng chị Tin làm biếng lên tiếng: “Hết rồi”. Cửa vẫn bị đập liên hồi, chị Tin lật đật dậy mở cửa rót rượu cho một thanh niên. “Không bán cho nó thì đừng hòng ngủ được. Nó gõ cửa cả đêm. Ngày nay bán hơn 80 lít, mai còn phải dậy sớm nấu rượu rồi”, giọng chị Tin ngái ngủ.

Trên đỉnh Ngọc Linh – Kỳ 2

NISAVA TRAVEL! – Theo báo Tienphong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *