Những cánh nấm chóng nở, chóng tàn, vị ngọt đắng xen lẫn, phảng phất chút hương đất trời phương Nam. Nằm ở cực Nam của đất nước, Phú Quốc được tôn vinh là Đảo Ngọc phương Nam.
Với biết bao phong cảnh tuyệt đẹp còn nguyên sơ, những đặc sản độc đáo như nước mắm, hồ tiêu… và nấm tràm là một trong những đặc sản độc đáo.
Năm nào cũng vậy, khi cơn mưa đầu mùa ở Phú Quốc bắt đầu rơi nặng hạt, người dân ở đảo lại đổ xô vào rừng hái nấm. Có người đi hái nấm vì kế sinh nhai, có người đi hái nấm vì niềm vui và niềm vui ấy mỗi năm chỉ đến có một lần. Rừng Phú Quốc mùa khô lá rụng đầy trên mặt đất, cả một lớp lá vàng ươm như chiếc áo khoác của rừng e ấp che đậy phần da thịt của đất để giữ cho lớp đất bên dưới luôn mát mẻ nuôi dưỡng những lớp meo nấm phát triển chờ mùa mưa tới.
Từ dãy núi Hàm Ninh, con sông Cửa Cạn chạy qua vùng trũng hình thành nên những rừng tràm phía Bắc đảo. Nhánh sông đổ ra phía Tây tại làng chài Cửa Cạn cũng là nơi có rừng tràm. Đây là những nơi nấm tràm phát triển mạnh. Những tai nấm căng tròn, màu nâu có viền màu trắng sữa.
Đã thành truyền thống, cứ sau cơn mưa, những người sống bằng nghề hái nấm bắt đầu vào rừng, dạo qua nhiều khu vực xem nơi nào nấm đã bắt đầu phát triển. Độ một tuần sau là có thể đến để thu hoạch. Giống nấm tràm mau lớn nhưng cũng chóng tàn, nên phải hái nấm trong vòng một tuần sau cơn mưa, nếu không nấm sẽ lụi tàn. Thường họ đi cả gia đình, có khi cả chục người, cặm cụi hái cả ngày đến khi những chiếc giỏ mang theo đầy ắp mới ra về.
Nấm tràm sau khi hái về, gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, rửa sạch, luộc chín rồi ngâm nước lạnh hoặc trước khi chế biến thì phi tỏi với dầu ăn cho thơm, cho nấm vào xào qua, nêm muối là có thể cất vào tủ lạnh dùng dần. Khi trời nắng đem nấm đi phơi khô để được lâu hơn. Nấm tràm đắng. Thường thì nấm khô ăn không thơm và không ngon bằng nấm tươi. Muốn nấm bớt đắng thì nên rửa cho thật kỹ. Nấm khô phải ngâm, rửa nhiều lần cho sạch cát, sau đó luộc vài nước rồi mới chế biến. Nấm tươi cũng nên luộc nhiều lần.
Khi mang ra nấu sẽ không đắng nhiều nữa nhưng về sau lại rất ngọt và mát. Nấm tràm không có cách nào làm hết chất đắng quý giá của nó được. Các nhà hàng ở Phú Quốc thường trữ nấm trong tủ đông quanh năm để bán cho khách phương xa ra thăm đảo như một món ăn độc đáo của người dân bản địa. Các chợ ở huyện đảo nơi nào cũng bán cả thúng lớn nấm cho khách mua.
Cách chế biến món ăn từ nấm tràm cũng đơn sơ, mộc mạc. Nấm tươi được nấu với hải sản như tôm, cá, mực. Nấm khô thì xào với bào ngư hoặc hải sâm. Có thể nấu nấm tràm với thịt gà, thịt lợn và trứng.
Ví như món gà giò luộc vừa chín tới, cho nấm tươi mới hái vào. Nồi nước luộc gà sẽ trở thành món súp nấm thơm lừng. Thịt gà thì được xé nhỏ chấm muối ớt ngon ngọt. Nhưng ngon nhất lại là những chén nước súp nấm nóng hổi. Nấm vừa chín ăn giòn, xốp càng nhai càng thấy vị ngăm ngăm đắng. Uống nước súp vị của nấm và gà lúc này mới thấy hết được cái đắng của nấm tràm.
Nấm tràm xào với tép bạc, thịt ba chỉ, tôm, mực đều là những món ăn hấp dẫn. Ở biển đảo Phú Quốc, nếu bắt được con cá rựa hoặc cá nhồng, người dân nhất định sẽ lấy thịt làm chả cá nấu với nấm. Trước khi múc ra tô, người ta đập một vài quả trứng vịt vào. Vị đắng của nấm hòa trong vị ngọt của con cá rựa, cá nhồng và vị béo của lòng trắng lòng đỏ trứng rất lạ miệng.
Giản dị như canh nấm tràm với tôm tươi và rau tập tàng. Nếu có thêm khoai lang, tô canh càng thêm thú vị. Ngoài việc làm canh thêm bùi, khoai lang còn giải chất độc có trong nấm. Cháo nấm tràm cũng là món ngon đặc sắc. Chỉ với ít tôm tươi, thịt ba chỉ, thêm thịt bò, hành, tiêu, ớt, bạn sẽ có một nồi cháo bảo đảm ngon, cay, đổ mồ hôi vì nóng.
Có thể bạn sẽ thấy hơi khó ăn, nhưng lại có người vì cái vị đắng mà thích món nấm tràm. Sau khi thưởng thức món nấm mà nhâm nhi nước trà, vị đắng của nấm lại càng đậm lưu trong vị giác.
Mùa nấm tràm lại sắp đến cùng những cơn mưa. Du lịch Phú Quốc hè này, bạn đừng quên mua ít nấm tràm về thưởng thức và làm quà cho bạn bè nhé.
NISAVA TRAVEL! – Theo Kitra, Metinfo và nhiều nguồn khác