Phong Nha – Kẻ Bàng vốn không quá xa lạ, nhưng được trèo lên “ngựa sắt” rong ruổi trên các cung đường tuyệt đẹp, tìm cảm giác mới với vùng non nước hữu tình này thật thú vị…

< Đi tìm cảm giác mới với Phong Nha – Kẻ Bàng cùng “ngựa sắt”.

Đến với xã Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình khi trời đã nhá nhem, chúng tôi tá túc trong ngôi nhà của khu du lịch cộng đồng Chày Lập homestay để chuẩn bị buổi sớm mai lên đường.

Mới tờ mờ sáng, tất cả đã choàng tỉnh, kiểm tra con chiến mã bằng sắt thật kỹ càng, lận lưng” nước uống, cơm vắt, muối mè và một ít thịt gà rim cho chuyến hành trình kéo dài cả ngày. Cái lạnh buổi sớm mai của huyện miền núi Sơn Trạch làm mọi người co rúm, nép vào nhau tìm hơi ấm.

< Men theo con đường Hồ chí Minh huyền thoại “thâm nhập” vào rừng.

Nhưng khi trèo lên ngựa sắt, đạp nhẹ nhàng, tận hưởng khoảng không thiên nhiên an bình buổi sớm mai của vùng Phong Nha – Kẻ Bàng, nhìn những nụ cười miền sơn cước rạng rỡ chào lãng khách, cái lạnh nhanh chóng tan biến.

Từ khu du lịch cộng đồng Chày Lập, những chiếc xe đạp men theo tuyến đường Hồ Chí Minh về hướng tây. Một bên đường là dòng sông Chày hiền hòa, bên kia là dãy núi đá vôi sừng sững, hiên ngang giữa đất trời. Những tay lái bắt đầu tăng tốc, anh chàng đội trưởng kích thích ý chí của từng thành viên bằng cách hô hào cuộc thi ai đạp nhanh nhất đến vùng suối Nước Moọc phía trước.

< Khám phá rừng nguyên sinh với “thổ địa” dẫn đường.

Đến suối Nước Moọc khi mặt trời đã ló dạng, những tia nắng nóng rực lửa những ngày đầu hè bắt đầu đổ hầm hập khắp nơi, mọi người quyết định nghỉ ngơi để chuẩn bị cho hành trình phía trước cần nhiều sức lực hơn.

Một vài thành viên quyết định cởi giày tung tẩy với dòng nước mát, chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên yên bình và tĩnh lặng vùng suối Nước Moọc buổi sớm mai chưa đón khách.

Tiếp tục hành trình, theo những vòng tròn quay đều, chúng tôi đạp một mạch hơn 20 cây số đến bìa rừng, nơi “thổ địa” H. – người được bác quản lý khu du lịch cộng đồng Chày Lập Homestay giới thiệu – đã đợi sẵn.

< Nghỉ ngơi bên bờ suối cạnh hang E.

H. ái ngại nhìn những khuôn mặt đỏ gay và đề nghị phải để xe đi bộ vào rừng. Đúng như H. cảnh báo, càng đi sâu vào rừng càng không có đường mòn để đi, mọi người phải bám vào nhau, kiếm cây rừng làm gậy để bước, trèo qua những tảng đá lớn chắn ngang đường để đi tiếp.

Quá mệt, cả đám ngồi bệt giữa rừng. Dưới những tán lá dày dặc, thời gian dường như dừng lại và không gian đã trở nên mát mẻ. Nhóm quyết định nghỉ ngơi bên bờ suối nhỏ cạnh hang E, một hang động được bộ đội trú ẩn thời chiến tranh đặt tên. Một vài người nằm dài ngay trên đám cỏ bên bờ suối, H. và những anh chàng còn khá mạnh khỏe đi loanh quanh kiếm củi khô. Rất nhanh một đống lửa nhỏ đã hình thành.


< Một đống lửa nhỏ, một miếng cơm vắt – hai điều không thể thiếu khi đi rừng.

Từng gói cơm vắt, muối mè, thịt gà rim được mở ra. Ăn xong mọi người mắc võng trên những thân cây xung quanh bờ suối hát hò, thả lỏng cơ thể. Đã hơn 3g chiều. H. quyết định nhổ neo ngay vì sợ trời sụp tối quá nhanh. Trở lại bìa rừng, ôm mấy con ngựa sắt đi thêm một đoạn ngắn, chúng tôi đến với thượng nguồn con sông Chày để trở về theo đường sông. Thấy bóng dáng một chiếc thuyền, cả đám mừng rỡ như mẹ đi chợ về cho quà thời trẻ thơ.

< Từ thượng nguồn, sông Chày hòa vào sông Son về trung tâm động Phong Nha.

Con thuyền êm êm nhẹ lướt giữa màu xanh trùng điệp của núi rừng, màu xanh hổ phách đẹp đến ngỡ ngàng của thượng nguồn sông Chày, cái mệt dường như tan biến, nhiều người cùng dang tay đón gió thiên nhiên, hò hét hồn nhiên giữa đất trời.
Về lại khu du lịch cộng đồng Chày Lập homestay khi trời đã sụp tối, chuyến phiêu du kịp kết thúc một ngày…

NISAVA TRAVEL! – Theo Dulich Tuoitre

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *