Chợ phiên, nét đặc trưng của các dân tộc miền núi phía Bắc. Với nhiều dân tộc, chợ không chỉ là nơi giao thương hàng hóa đơn thuần mà còn là nơi giao lưu văn hóa, gìn giữ những di sản văn hóa của người dân tộc cho thế hệ sau.

< Cao nguyên đá Đồng Văn.

Chợ phiên ở huyện Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, là một trong những phiên chợ đặc trưng nhất của Đồng Bào Mông và các dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Đồng Văn là một huyện của tỉnh Hà Giang, đồng thời cũng là huyện cực Bắc của Việt Nam, có diện tích 446,66 km² và dân số 57.715 người (2006), gồm 2 thị trấn và 17 xã. Huyện lỵ trước đây là thị trấn Phó Bảng, nay chuyển về khu phố cổ thuộc xã Đồng Văn, nay là thị trấn Đồng Văn.

Rộn ràng phiên chợ

< Các cô gái vùng cao ở chợ phiên Đồng Văn.

Cách thủ đô gần 500km, Đồng Văn nằm bình yên giữa mênh mông, núi non hùng vĩ. Dãy phố cổ nằm tĩnh mịch dưới chân núi Đồn Cao, phố cổ Đồng Văn được hình thành từ đầu thế kỷ 20 do người Tày, người Mông và người Hoa sinh sống.

< Theo mẹ xuống chợ.

Chợ phiên Đồng Văn họp mỗi tuần một lần vào chủ nhật tại trung tâm thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Chợ không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi giao lưu văn hóa, tâm tình của rất nhiều đồng bào người Mông, Hán, Dao, Giáy, Tày…

< Tấp nập chợ phiên.

Chợ nằm nép mình dưới chân núi Đồn Cao. Phiên chợ bắt đầu từ sớm. Mới tinh mơ đã nghe tiếng bò kêu, lợn, cùng tiếng hát xuống chợ, lọc cọc trên đường tiếng xe ngựa thồ hàng, tiếng người gọi nhau í ới.

< Chàng trai Mông cõng trên lưng những chú lợn ra chợ bán.

Các bà, các mẹ địu con, thanh niên nam, nữ xuống chợ mang theo những thứ thổ cẩm, sản vật của mình xuống chợ bán. Những thứ mang xuống chợ đôi khi chỉ là tấm vải rệt, chục trứng, lợn mán, chó con và không thể thiếu rượu…

Các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn; trẻ em chơi chợ. Chợ còn là nơi mối lái tình duyên. Sau vài phiên chợ nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng.

< Còn đàn ông đi chợ để uống rượu ngô và thổi khèn gọi bạn.

Chợ Đồng Văn cũng như chợ truyền thống cho người Mông, không bao giờ thay đổi cấu trúc. Đồng bào đã quen đến chợ là có chỗ buộc ngựa, phải có chỗ đặt quẩy tấu, có chỗ để chảo để nấu thắng cố, mèn mén, chợ bò… Đến Đồng Văn sẽ thấy đỏ lừ một màu thổ cẩm. Người Mông ở quanh vùng coi chợ phiên Đồng Văn là chợ rất quan trọng, chợ vui nhất của cả vùng.

< Đàn bà đi chợ mua hàng.

Bất kể là ai đến ngày phiên chợ đều bỏ lại bể nước ngọt đã cạn khô ở nhà, những thửa ruộng còn lẫn trên cao nguyên đá, nơi mà ngô, lúa phải lựa từng chỗ, gạn từng giọt nước để nảy mầm… ra chợ để tìm đến bạn, để tâm tình.

Tình chợ

Người Mông có tính tự tôn dân tộc rất cao. Họ ghét kẻ nói dối. Sống với họ, phải hiểu và thông cảm thì mới sống được. Người Mông ở Đồng Văn, Hà Giang thì gần như một cánh rừng nguyên sinh, chưa hề bị tàn phá mai một, còn đầy ắp bản sắc. Văn hóa của họ đậm nét nhất trong ngày chợ phiên. Trong phiên chợ các đôi trai gái tự tình với nhau bằng tiếng khèn gọi bạn, các cô gái e ấp bên người mình yêu bằng điệu xòe ô đặc trưng. Tự tình với nhau bằng lời của núi, lời thật dành cho nhau:

“Tao có cái yếm bằng lưỡi cày
Tao không cho mày thì cho ai”

< Nụ cười rạng rỡ của cô gái miền sơn cước.

Đến phiên chợ, hầu như chàng trai nào cũng biết thổi khèn. Đến đứa trẻ nhỏ nhất cũng thổi được khèn! Không chỉ dân ca, dân vũ, cả nền văn hoá phi vật thể giàu bản sắc của người Mông đều được đem đến chợ.

< Tiếng khèn của một chàng trai Mông trong phiên chợ.

Người Mông rất quan tâm giữ gìn bản sắc văn hoá. Các cặp vợ chồng người Mông gặp nhau trên chợ và khi cưới họ rất ít bỏ nhau. Đi chợ cũng phải có đôi, nếu chồng có quá chén say rượu nằm ven đường, vợ ngồi đợi, dây ngựa buộc vào chân, một tay quạt, một tay che ô, mặc nắng mặc mưa, đến khi chồng tỉnh mới về…

Họ tìm vợ ở chợ. Họ quan niệm: “lòng dạ có tốt thì ra chợ mới biết”. Sang hơn người chính là sang hơn số lần xuống chợ,
Chợ tan, tiếng sáo, tiếng khèn lại vang lên cung bậc của lời hò hẹn làm ửng hồng những cặp má của những thiếu nữ miền sơn cước khi đã yêu thương nhớ nhung:

< Và cũng như bao nhiêu lần khác, khi chiều về, chợ tan, người vợ lại đưa chồng trở về nhà trong cơn say bằng cách quen thuộc như thế này.

“Chợ đã tan nhưng nỗi nhớ không tan
Anh vẫn đợi và em vẫn đợi
Ta đếm ngày mong phiên chợ tới
Ta đếm đêm mong ở bên nhau”

Đồng Văn không chỉ có chợ phiên mà còn nhiều di tích lịch sử khác như cột cờ Lũng Cú, di tích lịch sử Dinh nhà Vương, khu phố cổ Đồng Văn. Đồng Văn trước kia là lãnh thổ của vua Mèo Vương Chí Sình.  năm 1945 ông này theo chính phủ Hồ Chí Minh, thành một đại biểu quốc hội khóa I.

NISAVA TRAVEL! Theo Vietbao

NISAVA TRAVEL!: Cao nguyên đá Đồng Văn
Phố cổ trên cao nguyên đá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *