Theo lời kể, không gian của khu dinh thự này được bắt đầu từ con đường dài dẫn vào biệt phủ với 2 hàng phượng vĩ nở đỏ rực mỗi khi hè sang, 3 cái ao lớn xếp hình vòng cung ôm lấy khu biệt phủ tạo nên thế phòng thủ vững chắc cho cả khu vực với chỉ một đường ra, một đường vào…

Nghe theo tiếng gọi cách mạng của Hồ Chủ tịch, ông Vi Văn Định, người được mệnh danh là “ông vua” đất Bắc- từng làm tới Tổng đốc Thái Bình, rồi Tổng đốc Hà Đông- đã cùng gia đình rời Lạng Sơn chuyển về Hà Nội sinh sống. Khu biệt phủ của ông trước kia giờ chỉ còn mấy cái cổng uy nghi đứng lừng lững giữa Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình.

Những người đã từng được nhìn thấy khu dinh thự lúc còn nguyên vẹn đều không giấu nổi vẻ tiếc nuối khi nhắc đến công trình kiến trúc được xếp vào hàng đẹp nhất nhì miền Bắc thuộc một gia đình “danh gia vọng tộc” thời bấy giờ…

Vị Tổng đốc gắn với nhiều huyền thoại…

Theo các tài liệu ghi chép, dòng họ Vi trước đây ở Nghệ An, khi Lê Lợi dấy binh đánh đuổi nhà Minh, ông Vi Kim Thắng cùng con là Vi Phúc Hân theo Lê Lợi diệt Liễu Thăng tại ải Chi Lăng.

Sau khi nhà nước được bình định, ông được phong làm Thảo Lộ tướng quân Tả đô đốc trấn giữ ở miền quan ải Lạng Sơn. Bởi thấy Bản Chu (trước kia gọi là Lộc Mã) là đất địa linh, có thế phong thủy đẹp nên ông đã chọn làm nơi lập ấp. Từ đó, những người con cháu kế nghiệp tổ tiên đều sinh sống tại vùng đất này với hơn mười đời làm quan trấn ải biên cương, cha của ông Vi Văn Định là cụ Vi Văn Lý (1830 – 1905) hiện vẫn còn phần mộ tại Bản Chu.

Ông Vi Văn Định thuộc đời thứ 14 của dòng họ Vi, thay cha đảm trách việc quan trấn ải cả một vùng rộng lớn khu vực biên giới phía Bắc nhưng không được triều đình phong Tổng đốc.
Do lo ngại về thế lực của ông tại khu vực trọng yếu này, dưới sự giật dây của thực dân Pháp, năm 1928, triều đình đã điều ông về nhậm chức ở Thái Bình, thăng làm Tổng đốc để “dễ bề quản lý”, sau đó ông tiếp tục làm Tổng đốc Hà Đông thay cho Hoàng Trọng Phu.

Đến năm 1942, ông từ quan trở về Bản Chu an dưỡng tuổi già. Nghe đâu cái đận ông về, người ta còn làm lễ rước linh đình lắm, các quan viên lớn bé ra tận bờ sông đón (hồi ấy chưa có cầu Bản Chu bắc qua sông Kỳ Cùng).

Sau khi cách mạng nổ ra, Hồ Chủ tịch đã nhiệt thành mời ông về tham gia chính quyền cách mạng. Đi theo tiếng gọi của Bác, ông cùng gia đình chuyển hẳn về Hà Nội, từ độ ấy khu biệt phủ không còn ai ở. Sau đó, chính quyền cách mạng tiếp quản khu biệt phủ, các công trình được bảo vệ khá tốt trong một thời gian dài, vào cuối những năm 60 đây vẫn còn là chỗ ở của các chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá giống tại khu trại cá huyện Lộc Bình hiện nay.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, do chiến tranh tàn phá, cộng với việc khu biệt phủ dần dà không được bảo vệ chu đáo, người dân trong vùng đã đến dỡ gạch ngói, tháo gỗ về làm vật liệu xây dựng, thậm chí nhiều người còn đến đào bới để tìm vàng bạc vì nghe đồn ông Tổng đốc giàu nức tiếng miền Bắc chôn của đâu đó trong khu biệt phủ.

Qua gần 70 năm kể từ khi ông Tổng đốc rời Bản Chu, khu biệt phủ rơi vào cảnh hoang tàn, phế tích, toàn bộ các công trình quan trọng đều bị phá bỏ, chỉ còn lại mấy cái cổng đứng trơ trọi đến tận bây giờ…

Khu biệt phủ là quần thể kiến trúc được xây dựng qua nhiều đời, nhưng ông Vi Văn Định là người cuối cùng cai quản nên nó gắn liền với tên tuổi và cuộc đời mang đầy huyền thoại của vị Tổng đốc họ Vi này. Đến nay, nhiều người ở Bản Chu cũng khẳng định: trước đây, cha ông họ đã từng làm gia nhân trong phủ hoặc làm thuê cho ông Tổng đốc.

Câu chuyện về tính cách, con người của ông đến nay cũng chẳng biết thực hư ra sao, người thì bảo ông “ác” có tiếng, người thì nói ông nghiêm khắc vô cùng, người thì khen ông hiền lắm, tốt với dân bản lắm, có người kể ông đã từng cho một gia nhân chăm chỉ hẳn miếng đất đối diện cổng phủ để lấy kế sinh nhai, lập nghiệp… Chẳng ai kiểm chứng được những điều ấy nữa, bởi những người được chứng kiến ông lúc sinh thời, chứng kiến khu biệt phủ ngày hoàng kim đều đã về cõi cả.

< Tấm phả hệ họ Vi bằng đồng nạm bác rất đẹp… bị người dân ở đây lấy làm nắm chum!

Những cậu bé chơi lang thang trong khu biệt phủ uy nghi, trầm mặc, cây cối rậm rạp và không khí lúc nào cũng mát rười rượi ấy, giờ đây cũng đã là những người già ở Bản Chu cả rồi…

Một ngày nắng như dội lửa, Bản Chu đang rộ mùa cấy, chỉ còn lác đác mấy người đứng tuổi ở nhà, đó vô tình lại là điều kiện thuận lợi để chúng tôi thu thập chút thông tin, bởi chỉ dựa vào mấy cái cổng hoang tàn, phế tích thì quả là quá khó để hình dung về quy mô của cả khu biệt phủ. Hỏi han khắp nơi, mỗi người mang máng nhớ một chút.

Qua lời kể của ông Lộc Văn Cờ, Chủ tịch UBND xã Khuất Xá; ông Vũ Văn Héo, một ông lão mù nhà đối diện khu biệt phủ; ông Lộc Văn Phái người gốc thôn Bản Chu, lọ mọ lắp ghép lại thông tin, chúng tôi cũng sơ bộ hình dung ra đôi phần về khu biệt phủ có quy mô hoành tráng này. Và cần phải khẳng định rằng: Nếu còn đến bây giờ, khu biệt phủ của Tổng đốc Vi Văn Định chắc chắn sẽ được xếp vào hàng “siêu phủ” mà ít có khu biệt thự nào hiện nay có thể bì kịp.

< Bác Hồ và Vi Văn Định.

Theo lời kể, không gian của khu dinh thự này được bắt đầu từ con đường dài dẫn vào biệt phủ với 2 hàng phượng vĩ nở đỏ rực mỗi khi hè sang, 3 cái ao lớn xếp hình vòng cung ôm lấy khu biệt phủ tạo nên thế phòng thủ vững chắc cho cả khu vực với chỉ một đường ra, một đường vào.

Cách cổng chính của biệt phủ mấy chục mét, ở mỗi đầu đường có một chiếc cổng lớn xây theo kiểu cổng thành. Cổng chính được xây 2 cấp mái, lợp ngói âm dương, góc mái cong vút, trên đỉnh có gắn họa tiết tượng trưng cho hình ảnh rồng thăng.

Cổng được chia thành 3 lối đi riêng biệt đặc trưng của chế độ phong kiến, lối chính dành cho ông Tổng đốc và người thân, 2 lối nhỏ dành cho gia nhân và thuộc cấp. Từ cổng chính đi vào khoảng 10m là một cổng nhỏ xây hình trụ vuông với nhiều họa tiết tinh xảo.

< Gia đình Tổng đốc Vi Văn Định trong ngày cưới của con gái Vi Kim Ngọc với tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên.

Theo lời kể, ngày xưa ở khoảng giữa của 2 chiếc cổng này còn có 2 cây duối lớn trồng hai bên và được uốn tỉa tạo thành hình vòm với hàm ý nghênh đón khách đến thăm. Khu biệt phủ xây hình chữ U với khoảng sân rộng thênh thang, tường bao 2 bên phía trước được xây uốn tựa dáng hổ chầu, trong sân còn có cả một cái hồ cạn lớn hình bầu dục với hòn non bộ đắp cao.

Tòa nhà chính của biệt phủ được xây 2 tầng quy mô cực lớn với hiên rộng theo lối kiến trúc cổ mang đầy vẻ trầm mặc, uy nghiêm, 2 dãy nhà thứ cấp được xây 2 bên với dải hiên chạy dài tạo nên một quần thể kiến trúc độc lập, khép kín và hoàn chỉnh.
Phía bên phải khu biệt phủ còn có một tòa nhà lớn nữa, đó là tòa nhà ông Tổng đốc xây cho người con trai cả là Vi Văn Dư (người Bản Chu vẫn gọi là ông cả Diệm).

Đặc biệt, phía sau khu biệt phủ còn có hẳn một sân quần vợt riêng để ông Tổng đốc rèn luyện thể thao. Phía trước chỗ mấy cái ao, ông còn cho xây tạo hẳn một vườn hoa lớn để thưởng ngoạn mỗi khi rảnh rỗi… thời ông còn ở đây, tại mỗi cổng vào đều treo một chiếc trống, có lính canh gác ngày đêm, khi có khách, lính canh sẽ đánh trống để gia nhân trong nhà ra mở cổng đón tiếp.

Nội thất của khu biệt phủ thì đến bây giờ chẳng còn ai nhớ được, nhưng với quy mô như thế thì đồ đạc trong dinh thự chắc cũng toàn dòng quý hiếm cả. Chỉ biết rằng, sau năm 1979, khi biệt phủ bị tàn phá, người ta dỡ mái xuống thì hệ thống cột kèo của cả khu biệt phủ khổng lồ ấy đều rặt là gỗ nghiến nguyên thân, nguyên khối 100%… và đến bây giờ, ở Bản Chu, không ít gia đình vẫn còn giữ được những vật dụng chế tác từ những thân gỗ ấy, không ít những ngôi nhà được xây lên từ gạch ngói của khu biệt phủ uy nghi, lừng lẫy một thời ấy…

Trường mầm non xã Khuất Xá hiện nay được xây mới trên nền móng cũ của khu biệt phủ. Có thể đó cũng là một lẽ hay, bởi ai cũng biết ông Tổng đốc họ Vi – người được mệnh danh là “ông vua” đất Bắc có 2 người con rể, 1 người cháu rể đều là những nhân sĩ, trí thức, học giả lẫy lừng cả nước: 2 người con rể là vị Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội, Giáo sư, bác sĩ Hồ Đắc Di (lấy tiểu thư Vi Kim Phú) và Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, người giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam (nay là Bộ Giáo dục) lâu nhất (trong vòng 29 năm từ năm 1946) (lấy tiểu thư Vi Kim Ngọc). Người cháu rể là một bác sĩ nổi tiếng khắp thế giới, người có công lớn xây dựng nền y học Việt Nam hiện đại, Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng (lấy cháu gái nội ông Tổng đốc là tiểu thư Vi Thị Nguyệt Hồ).

Giếng trăm năm không cạn

Ngoài câu chuyện về căn biệt phủ chôn vàng, người dân nơi đây còn góp thêm câu chuyện làm giai thoại về vị tổng đốc lẫy lừng thêm phần kỳ thú, ấy là về cái giếng làng do chính tay Vi Văn Định đào và xây đắp.
Theo những người già trong làng và dấu tích còn ghi trên miệng, giếng này được đào năm 1910. Đến nay đã hơn 100 năm nhưng vẫn được coi là mạch nước quý cho người dân bản Chu.

Dẫn chúng tôi đến bên giếng quý, ông Nông Văn Kê, Trưởng thôn bản Chu A khề khà: “Nếu Bản Chu được gọi là mảnh đất hình rồng thì giếng nước trên được đào ở đúng mắt rồng. Bởi thế, không như nhiều giếng khơi phải nối dây múc gầu khác, chỉ cần mở nút là nước tự chảy. Nước giếng ào ạt, tuôn chảy chẳng khác gì suối, đủ dùng cho cả mấy trăm hộ trong vùng. Cái giếng này cũng đã gắn với 3 đời nhà tôi đấy!
Dù bây giờ, người làng đã biết khoan giếng lấy nước sạch và nước giếng cũng không tuôn xối xả như xưa, nhưng cả bản này vẫn coi nước từ giếng này là nước quý”.

Theo lời ông Kê, người dân nơi đây tôn giếng này là “giếng thần”. Bởi, nằm nem nép bên con sông Kỳ Cùng, phù sa vẩn đục mà nước giếng vẫn trong vắt, ngọt lịm, người dân nơi đây còn tin rằng, nước trong “giếng thần” chữa được bách bệnh.

Số là trong làng có bà cụ mắc bệnh, phải lên viện tỉnh nằm. Nhưng chữa cả tháng trời mà bệnh tình không thuyên giảm. Bà cụ chắc mẩm là do không được uống nước giếng, uống cái thứ nước “tinh khiết, đóng chai” nhạt miệng nên càng làm bệnh thêm trầm trọng. Cụ nằng nặc đòi con cái về quê, mang cho cụ mấy lít nước giếng để dùng.
Chiều mẹ, mấy người con của cụ cũng vượt đoạn đường mấy chục cây số để tìm đến giếng thần mang lên cho mẹ yên tâm. Chỉ vài ngày sau đó, bệnh tình của cụ thuyên giảm hẳn và hơn một tuần đã xuất viện về nhà.

Câu chuyện cứ thế truyền tai từ người này sang người khác, và hơn bao giờ hết, dân bản tin rằng thứ nước quý ấy có thể chữa được bệnh. Thậm chí, nhiều người dân bản khác cũng lặn lội đến xin nước “giếng thần” về chữa bệnh.
Theo lời ông Kê, có thể việc uống nước giếng và khỏi bệnh của bà cụ nọ là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên. Ông chỉ tin rằng, đây là thứ nước giếng trong lành nhất, ngon ngọt nhất, chứ cũng không tin nó có khả năng chữa bách bệnh như người ta đồn đoán.

NISAVA TRAVEL! – Theo  Lạng Sơn Online, Landtoday và nhiều nguồn khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *