Đuổi lợn không chỉ là trò chơi dân gian mà còn là một tục lệ mổ lợn tế thần ở một số địa phương thuộc vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Vào dịp lễ hội làng hàng năm, hàng giáp phân công mỗi xóm nuôi một con lợn cúng thần.
Lợn nuôi được vỗ béo là lợn đực, giống chạy nhanh, khỏe. Đến ngày hội làng, lợn được tắm rửa sạch sẽ, đưa ra hàng giáp để chọn bốn con to khoẻ nhất. Nơi được chọn để thi đấu thường là ở sân đình có đóng cọc và rào chắn xung quanh. Sau khi làm lễ tế thần, trai làng tham gia trò chơi, luân phiên nhau từng người một, vào trong sân đuổi bắt lợn. Khi bắt đầu cuộc chơi, trọng tài gióng ba hồi trống báo hiệu, người đầu tiên bước vào sân trong tiếng trống cái thúc ngũ liên và người xem đứng xung quanh hàng rào reo hò.
Lợn nghe trống và tiếng reo hoảng sợ chạy nháo nhào trong sân rộng, người chơi đuổi theo nó đã khó nhưng phải làm sao tóm được thật nhanh hai chân sau để vật ngửa lợn ra mà trói lại càng khó hơn nên người chơi phải có mưu mẹo, lừa miếng, vừa đỡ tốn sức, vừa không mất thời gian. Có người đuổi mãi không bắt được lợn, phải nhường phiên cho người khác. Cuộc thi kéo dài đến lúc bốn trai làng bắt được đủ bốn con lợn.
Có khi, đến tận lúc trời tối mà chưa bắt hết lợn, dân làng phải treo đèn, đốt nến, có khi đến hết đêm mới bắt được đủ bốn con lợn. Bốn người bắt được lợn đều đoạt giải thưởng, vừa được vinh dự ngồi ăn cỗ làng ở chiếu nhất, vừa có phần thưởng đem về. Người nào bắt được lợn trong thời gian ngắn nhất, dành giải nhất được làng giành riêng một thủ lợn rước về nhà .
NISAVA TRAVEL! – Theo báo Nam Định, internet