Năm nay nghe nói nước lũ tràn về miền Tây nhiều hơn những năm trước. Cơ hội với những người phương xa muốn có những tấm hình ấn tượng mùa nước nổi, chúng tôi rong ruổi về Châu Đốc, một thị xã vùng biên tỉnh An Giang.
Đã từ lâu tôi luôn ao ước được khám phá miền Tây sông nước, nơi thiên nhiên trù phú tô điểm vẻ đẹp mộc mạc và thân thiện của con người miền Tây. Lần này, cũng với hành trang đơn giản, balô và máy ảnh, tôi cùng bạn đồng hành tiếp tục lên đường như bao cuộc hành trình khám phá trước.
< Xanh xanh một màu.
Xa dần cái bon chen, ngột ngạt và mùi khói xe nơi thị thành, vẻ thanh bình của làng quê Nam bộ dần hiện ra. Làng xóm dần thưa nhường chỗ cho những cánh đồng trắng xóa mênh mông một màu sông nước. Đi đâu cũng thấy nước và nước, lũ đã tràn về khắp mọi nơi ở ĐBSCL.
< Mênh mông mùa nước nổi.
Sau gần bảy giờ, xe đưa chúng tôi đến thị xã Châu Đốc, một thị xã nhỏ bé, hiền hòa nằm bên bờ sông Hậu. Trời về khuya kèm theo cơn mưa như trút nước. Tranh thủ ghé quán hủ tiếu ở trung tâm thị xã ăn lót bụng chờ mưa tạnh. Sau cơn mưa, không khí trong lành cùng những cơn gió nhẹ từ bờ sông Hậu làm buổi tối Châu Đốc thật dễ chịu.
< Chợ nổi Châu Đốc.
Là thị xã vùng biên, mật độ dân cư thấp, cuộc sống Châu Đốc có vẻ chậm, rất chậm. Người dân cũng điềm đạm trầm tĩnh hơn ở thành phố. Phương tiện đi lại chính dành cho du khách ở đây là ghe thuyền trên sông. Đối với đường bộ, có lẽ xe lôi là một loại phương tiện thú vị và đặc sắc nhất vùng. Mỗi xe có thể chở 1-5 người.
< Đánh lưới mùa nước nổi.
Với vận tốc chậm hơn cả xe đạp, cứ thong thả tận hưởng thời gian trôi trên xe. Các bác xe lôi sẽ đưa bạn dạo quanh thành phố với giá cả phải chăng. Nếu có nhu cầu ăn uống ngủ nghỉ ở đâu cũng đừng ngại hỏi các bác xe lôi chuyên nghiệp này.
Không chỉ mệnh danh vương quốc mắm, Châu Đốc còn nức tiếng với nhiều đặc sản khác như bún mắm, bún cá, cháo bò… Chúng tôi còn phát hiện thêm một điều thú vị là ở thị xã có nhà hàng thịt trâu nướng rất ngon và rẻ. Đã từng đi nhiều nơi, ăn đủ kiểu thịt trâu nhưng chưa nơi nào ướp thịt thơm ngon và vừa khẩu vị như ở đây.
Chỉ với 70.000 đồng, mọi người có thể thưởng thức cả đĩa xuồng bự đầy ắp thịt trâu bắp kèm theo đủ loại rau. Buổi tối hình như không gì thú vị bằng ngồi nhâm nhi ly bia bên đĩa thịt trâu nướng, thưởng thức không khí trong lành nhẹ nhàng của vùng miền Tây Nam bộ.
Sau khi dành một ngày thăm những cánh đồng thốt nốt ở Tịnh Biên, chúng tôi ghé chùa Ba Chúc – nơi ghi lại tội ác diệt chủng, dấu trầm của hành trình khi chứng kiến những dấu tích buồn đau của quá khứ.
< Rừng tràm Trà Sư.
Hành trình đến Tri Tôn tiếp tục qua những cánh đồng lúa bạt ngàn, nơi vừa cấy xong, nơi vẫn còn những ruộng lúa óng vàng chờ thu hoạch; lên đỉnh núi Cấm, một địa điểm thú vị để có thể nhìn tổng quát những cánh đồng thốt nốt đẹp đến mơ màng…
Trở về thị xã khi trời đã xế chiều, chúng tôi chọn cho mình một nhà hàng hải sản nằm ngay cạnh bến phà Châu Giang và không quên gọi các món ăn hải sản dân dã bình dị. Cảm giác thật tuyệt vời và thoải mái khi vừa ăn vừa thưởng thức không khí sinh hoạt hằng ngày của những người dân hiền lành, chất phác.
< Thánh đường Hồi giáo của người Chăm.
Tiếp tục cuộc hành trình trên sông nước, chúng tôi tham quan xóm người Chăm, nhà thờ Mubarak… đặc biệt khu nhà bè trên sông Hậu, một điểm đến thú vị để hiểu thêm cuộc sống lao động người dân ở đây cũng như tìm hiểu cách thức nuôi cá ba sa.
Hằng năm vùng này sản xuất hàng triệu tấn cá ba sa, thu về gần 2 tỉ USD. Mỗi lồng cá cho gần 100 tấn cá mỗi năm… Con số thật ấn tượng.
NISAVA TRAVEL! – Theo Dulich Tuoitre