“Ba Đồn là chợ xưa nay
Tụ nhơn thụ hóa mười ngày một phiên
Phố phường Nam, Khách hai bên
Khi đông cũng đến mấy nghìn người ta” 

< Cảnh mua bán ở chợ Ba Đồn.

Chợ Ba Đồn với tuổi đời mấy trăm năm, mãi là trung tâm kinh tế, thương nghiệp lớn của vùng đất phía Bắc tỉnh Quảng Bình. Theo Đại Nam Nhất Thống chí thời thủa xưa chợ Ba Đồn cũng có tên là chợ Cổng, nguyên ở làng Trung Ái tức làng Trung Thuần bây giờ. Sở dĩ có tên gọi là Ba đồn là vì đời Hậu Lê, chúa Trịnh có lập ba cái đồn lính đóng giữ xung quanh đó. Một cái ở làng Trung Ái, một cái ở làng Phan Long và một cái ở làng Xuân Kiều. Lại theo một nhà khảo cứu khác thì tên chợ Ba Đồn là bởi tên đồn Tam Hiệu ở làng Trung Ái mà ra.

Ban sơ lập ra chợ này, mục đích là để quân lính ở các đồn đến mua đồ ăn uống cho tiện, nhưng sau vì địa thế chợ ở giữa giới hạn hai xứ Đàng trong và Đàng ngoài, thành thử lần lần dân hai bên đến tụ họp ở đó mà trao đổi sản vật cho nhau.

< Cổng chính chợ Ba Đồn ngày nay.

Ngày nay, nếu ai chưa đi chợ Ba Đồn thì chưa thể nói biết nhiều về chợ. Đó là cái chợ kỳ thú nhất với đủ các sản vật trên rừng, dưới biển, giữa đồng bằng. Tất cả được bày biện một cách thô mộc đầy chất… nông dân. Đi chợ nhìn hàng, nhìn mà không muốn mua mới là chuyện lạ…

Ca dao cổ đã ghi lại rằng:

Chợ Đồn bán đắt cau khô
Một đoàn vợ lính trẩy vô thăm chồng
Gặp trộ mưa dông
Đường xa gánh nặng
Mặt trời đã lặn
Đèo Ngang chưa trèo
Hòn đá cheo leo
Chân trèo chân trợt
Hỏi o bán nước
Hỏi chú chăn trâu
Ba Đồn lính đóng nơi đâu?

Dạ dày của… miền Trung

Giáo sư Trần Quốc Vượng nói rằng, chợ là cái dạ dày của làng. Nếu thế thì chợ Ba Đồn là cái dạ dày của… miền Trung. Miền Trung có nhiều chợ nổi danh, như chợ Vinh (Nghệ An), chợ Đông Ba (Huế), chợ Cồn (Đà Nẵng), chợ Đầm (Nha Trang)… Nhưng chợ có bán đủ trăm nghìn sản vật trên đời chính là chợ Ba Đồn, người dân gọi là chợ Đồn (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Từ TP Đồng Hới theo hướng bắc đi ra khoảng chừng 50 km. Người ta bảo chưa đi chợ phiên Ba Đồn coi như chưa biết thế nào là… chợ quê đích thực!

< Hàng cá tại chợ Đồn.

Nhắc đến Ba Đồn người ta nghĩ ngay đến cái khu chợ bò trứ danh với cách mua bán đặc biệt, không giống bất cứ chỗ nào, nhưng khu chợ bán thịt bò mới gây cho người ta một ấn tượng đặc biệt. Từng tảng thịt, từng cái đùi bò được treo từ nóc lán dài xuống tận sàn, những thớ thịt săn chắc, đỏ au, tươi rói, dường như vẫn còn giật giật. Người mua mặc sức chọn lựa. Chỉ vào mảng thịt nào là người bán cắt ngay khoanh thịt đó.

Nhưng xương bò mới là thứ đặc sản. Không như các nơi, người ta lóc lấy hết thịt, chỉ còn xương trắng phớ. Xương bò ở chợ Ba Đồn bám đầy thịt. Nếu mua xương sườn về chặt khúc, hầm lên, thịt rút lại, cầm chỗ xương lòi ra, gặm một cái ngập chân răng, lịm hết cả người.

Nhưng nếu chỉ nói đến khu chợ bán thịt bò thì không công bằng cho khu bán cá, tôm, mực nang, mực ống… Cá biển của người từ Hộ Độ, Cửa Nhượng (Hà Tĩnh) chở xe vào, hoặc từ Thanh Khê, Cảnh Dương, Lý Hòa, Roòn gần đó theo thuyền cập bến chợ. Cá từ sông Gianh vừa đánh lên, từ cánh đồng vùng Nam Quảng Trạch chở xuống… Đủ các loại, có con to đến vài chục cân, có con nhỏ phải đong bằng chén. Rau quả thì đủ loại, tất cả đều từ vườn nhà, còn thơm mùi đồng đất đổ tràn ra nong nia, không cần sắp xếp, trưng bày.

Đi chợ để… ăn

Đi chợ để mua đã là thú vị, nhưng đi chợ Ba Đồn thú nhất là để… ăn. Ba Đồn nổi tiếng với món thịt chó, đến mức “thương hiệu” thịt chó Cu Loe đi vào tiểu thuyết. Ai từng đọc Những mảnh đời đen trắng của nhà văn người chính gốc Ba Đồn Nguyễn Quang Lập mà không tìm đến thịt chó Cu Loe thì người đó chưa rành… thịt chó!

< Hàng thịt bò.

Chợ Ba Đồn có một khu ẩm thực, tôi đã đi nhiều lần nhưng không dám chắc là đã đi hết. Ở đó người ta bán bánh đúc, bánh xèo, bánh lọc, bánh nậm, bánh kẹp và hàng chục thứ bánh nhà quê khác. Nếu mỗi thứ ăn một tí cho đến no thì chắc phải đi cả tháng mới thưởng thức hết.

Đến đây không thể không ăn bánh canh. Bánh canh (bánh bột) thì ở Huế, Quảng Trị cũng có nhưng không nơi nào giống Ba Đồn. Ăn bánh canh phải kèm thêm mấy cái ram (người miền Bắc gọi là nem rán). Người bán dùng một cái kéo cắt miếng ram nóng giòn vừa rán lên cho vào bát. Cái mềm của bột, cái giòn của nem tương tác, hòa quyện, cứ như eng với ả (anh với chị) quấn nhau. Đàn ông nên chiêu thêm một ngụm rượu Ba Đồn mới gọi là đúng cách… Ba Đồn!

Tôi cứ nghĩ, nếu một người nào đó dụng công viết về từng món ăn quê kiểng của chợ Ba Đồn cũng dư in được một tập sách dày nổi tiếng về ẩm thực.

Đi chợ để chơi

Từ rất lâu rồi, vào mỗi phiên chợ, người dân quanh vùng đi chợ mua bán không quên mang theo chú gà tài để thi đấu với nhau. Lâu ngày trở thành lệ, cứ có chợ phiên là có sới chọi gà. Lúc đầu sới chỉ là một bãi cỏ bên góc chợ bò, rất dân dã. Người đi chợ ôm gà đến đó, có người thách đấu thì thả ra đá và hò hét, uống rượu cho vui. Đó là một cái thú không thể thiếu.

< Đình làng chợ Đồn.

Nhưng bây giờ sới đã được thương mại hóa, người ta làm trường gà hẳn hoi, có mái che, có sân thi đấu đắp bằng đất nện như sân tennis của ông vua Nadal, xung quanh được bao bằng một vòng tường bọc cao su để bảo vệ chân gà, có chỗ ngồi xem cho khán giả, có chuồng trại nuôi nhốt gà, có đầy đủ mọi dịch vụ khác.
Người vào trường gà thường là dạng người tính tình hào sảng, mạnh mẽ, quyết đoán và… dữ dội.

Đi chợ phiên Ba Đồn, muốn mua thứ gì cũng có. Cơ man hàng hóa. Từ vịt giống, lợn giống, tre nứa, lồ ô, củi thước, giỏ bắt cua, chiếc nơm cá, rổ rá đan bằng tre, nong, nia, thúng, mủng… chất cao như núi.

Chợ còn có một khu bán đồ cổ và đồ cũ. Có thể tìm mua ở đó cái đài Orionton, đồng hồ Poljot của Liên Xô; mũ cối, dép cao su, ba lô, bi-đông, thắt lưng… chính cống của bộ đội thời chống Mỹ. Rồi xe đạp Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu của Trung Quốc; xe cuốc của Liên Xô; diamand của Đông Đức; xe cub đời cũ của Nhật… Ai thích thì ngắm chơi, ai có máu thì mua đầu này chợ mang đến đầu kia chợ có thể bán để kiếm lời vài chục đến vài trăm nghìn, đó cũng là để… chơi.

Đi chợ ngắm người

< Các cháu thiêu nhi đang diễn tập văn nghệ mừng Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Thị trấn Ba Đồn – Phía sau là toàn cảnh chợ Ba Đồn.

Ba Đồn nói riêng và Quảng Trạch nói chung là đất có nhiều con gái đẹp. Thời chưa biết Ba Đồn, qua sách vở, thấy có câu: Bất thương La Hà xá/Bất giao Tiên Lệ xã/Bất đả Phan Long đề/Bất phụ Thụng Họa thê lấy làm lạ vô cùng. Sau này mới biết, làng Thụng Họa tức làng Thổ Ngọa thuộc xã Quảng Thuận bây giờ, làng này nổi tiếng có con gái đẹp: Đàn bà thắt đáy lưng ong/Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con. Gái vừa đẹp vừa ngoan sao lại Bất phụ Thụng Họa thê? Thì ra do làng này gái đẹp, đã có nhiều người được tiến cung, cưới được vợ làng này khó lắm, nhiều lễ, nghe nói từ dạm đến cưới tổng cộng đến 7 lễ. Mà thuở trước, nhiều nhà nghèo, làm sao có đủ tiền để làm 7 lễ. Vì thế cha mẹ nên mới khuyên con trai của mình đại để rằng, con ơi nhà mình nghèo không với tới con gái làng này đâu.

Đến chợ Ba Đồn, ngoài đi chợ, thưởng thức tại chỗ các món đặc sản, còn để… ngắm con gái đẹp. Không chỉ mấy chị mấy cô, mấy em bán ở các quầy hàng mà còn cả người đi chợ. Bây giờ ở đâu con gái đi chợ cũng bịt mặt như Ninja, riêng với Ba Đồn thì không. Có vẻ họ tự tin với sắc đẹp của mình.

Loay hoay thế nào, thời sinh viên, tôi lại yêu một người, hỏi ở đâu, bảo làng Thổ Ngọa (tức Thụng Họa ngày xưa). Thoạt đầu cũng ngại lắm, nhà vừa xa lại vừa làm đến 7 cái lễ, e toi. Nhưng đâu có, cũng như mọi nơi thôi. Thế nên bèn suy ra rằng, con trai làng này dựng chuyện để giữ con gái làng mình.

Bây giờ, ai hỏi mẹ của các con tôi quê đâu, tôi làm mặt tỉnh bơ, nói, bình thường thôi, Thổ Ngọa!

“Chợ Đồn bán đắt cau khô…”

< Chợ bò ở Ba Đồn.

Anh Nguyễn Hữu Trường từng làm Trưởng phòng VH-TT rồi Phó chủ tịch HĐND huyện Quảng Trạch được anh em gọi là nhà “Ba Đồn học” kể rằng, chợ Ba Đồn bên dòng sông Gianh, trước ở khu vực xưởng cưa hiện nay của thôn Thổ Ngọa, xã Quảng Thuận, nay thì dời lên chừng nửa cây số dọc sông. Chợ có từ thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, đến nay đã gần 400 năm tuổi. Người xưa kể lại, chợ Ba Đồn sinh ra là để phục vụ binh lính và vợ con họ ở ba cái đồn lớn của quân Trịnh là đồn Trung Thuần, đồn Phan Long và đồn Xuân Kiều. Vì thế từ xa xưa đã có câu ca: Chợ Đồn bán đắt cau khô/Một đoàn vợ lính trẩy vô thăm chồng/Gặp trộ mưa dông/Đường xa gánh nặng/Mặt trời đã lặn/Đèo Ngang chưa trèo/Hòn đá cheo leo/Chân trèo chân trợt/Hỏi o bán nước/Hỏi chú chăn trâu/Ba Đồn lính đóng nơi đâu?

Thời thuộc Pháp, trong khu chợ đã có hai dãy phố buôn bán, gọi là phố Nam và Khách (người Tàu). Phố phường Nam, Khách hai bên/Phiên đông cũng đến mấy nghìn người ta, với nhiều hiệu buôn nổi tiếng một thời của người Hoa, người Việt như Hồng Ích, Hợp Lai, Thái Lợi, Thông Đắc, Vinh Mậu, Tâm Long… Trước 1945, chợ Ba Đồn có 5 đình chợ lớn lợp ngói. Thời kháng chiến, chợ Ba Đồn bị đốt cháy. Đến năm 1991 chợ Ba Đồn mới được xây lại.

Chợ Ba Đồn giờ đây vẫn còn giữ được nét truyền thống từ thời Trịnh – Nguyễn. Bình thường chợ vẫn buôn bán nhưng mỗi tháng có 6 phiên chợ chính vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21, 26 (âm lịch). Phiên chợ nào có số 6 gọi là phiên đại (lớn), có nhiều chủng loại hàng hóa và đông người nhất; các phiên có số 1 gọi là phiên thường: hàng hóa và người đi chợ ít hơn phiên đại nhưng vẫn đông hơn những ngày bình thường. Muốn đi chợ bò nổi tiếng của Ba Đồn phải đi vào phiên đại.
Nhưng không cần phải chọn ngày phiên, cứ đi, đến chợ Ba Đồn sẽ thấy, hóa ra lâu nay mình chưa… đi chợ!

NISAVA TRAVEL! – Tổng hợp từ web Quangbinh, Thanhnien, internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *