Đến nay, có lẽ châu Á và cả thế giới còn đấu trường đấu hổ duy nhất ở Việt Nam, gọi là Hổ Quyền – một di tích quý, độc đáo trong hệ thống quần thể di sản cố đô Huế.
Từ ga Huế, men theo hữu ngạn sông Hương theo đường Bùi Thị Xuân, ngang qua Phường Ðúc, đến ngã ba chợ Long Thọ rồi rẽ trái ở kiệt 373 chừng 200m sẽ thấy Hổ Quyền sừng sững hiện ra. Không đồ sộ và nổi tiếng như đấu trường giác đấu Coloseum thời La Mã cổ đại, nhưng Hổ Quyền – đấu trường của voi và hổ xưa kia cũng là một công trình kiến trúc độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà cả Ðông Nam Á.
Là một đấu trường được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, Hổ Quyền được dùng để tổ chức những trận tử chiến giữa voi và cọp cho nhà vua, đình thần và dân chúng xem; đồng thời luyện tập cho voi quen với không khí chiến đấu lúc lâm trận.
Đấu trường độc đáo
Trường đấu Hổ Quyền được xây dựng năm Minh Mạng thứ 11 (1830), ở gần đồi Long Thọ, thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, xã Thủy Biều, TP Huế (Thừa Thiên – Huế), cách kinh thành 4 km.
Dư địa chí Thừa Thiên Huế chép: Hổ Quyền được cấu trúc khá đơn giản nhưng rất chắc chắn. Vật liệu xây bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt, cho nên ngày nay đấu trường vẫn còn khá nguyên vẹn.
Là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn, Hổ Quyền được kết cấu bởi hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm. Vòng trong cao 5,90m, vòng ngoài cao 4,75m (kể cả lan can); cả hai vòng tường cộng với dải đất ở giữa tạo thành một bề dày 4m ở đỉnh và 5m ở chân thành. Mặt trên của dải đất cao bằng vòng tường ngoài, tạo thành con đường chạy vòng tròn (chỉ gián đoạn ở khán đài vua ngồi). Đường kính lòng chảo là 44m, chu vi tường ngoài 140m.
Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng Nam, xây cao hơn khán đài bình thường chạy quanh đấu trường và cơi nới ra sau tạo một không gian tương đối rộng. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và các hoàng thân quốc thích, đại thần. Hai bên có hai hệ thống tường xây bằng gạch hoa đúc rỗng. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho quan chức và binh lính.
Đối diện với khán đài vua ngồi là 5 chuồng cọp và hệ thống các cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây từ trên xuống. Ngoài ra, có một cửa vòm lớn dành cho voi ra vào chiến đấu, rộng 1,90m, cao gần 4m, có hai cánh lớn, bản lề bằng đá.
Kịch chiến giữa voi và hổ
Hổ Quyền là trường đấu xem voi giết hổ, vì theo quan điểm của các vua chúa Nguyễn, voi tượng trưng cho sức mạnh đế chế, cho lẽ phải, lẽ thiện.
Sử sách chép, trước khi Hổ Quyền được xây dựng thì dưới thời các chúa Nguyễn, trò tiêu khiển này được tổ chức tại cồn Dã Viên trên sông Hương. Pierre Poivre, học giả người Pháp, từng chứng kiến một trận đấu voi hổ vô tiền khoáng hậu dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1750), đã mô tả trong cuốn hồi ký Souvenirs de Hue:
“Cuộc đấu diễn ra ở cồn Dã Viên. Chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với triều thần đi trên 12 chiếc thuyền để xem voi hổ đấu. Đây có lẽ là trận đấu khủng khiếp và đẫm máu nhất trong lịch sử. Các khán giả đã chứng kiến từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, khi mà 40 con voi đã tàn sát đến con hổ cuối cùng trong số 18 con được thả ra làm vật tế thần trong ngày hội…”.
“Dưới thời Gia Long, tôi có xem một trận đấu giữa voi và hổ. Con hổ quá dữ và đầy sức mạnh, nó đã bứt đứt dây cột, nhảy lên đầu voi tát ông nài rớt xuống, ông này liền bị voi giẫm chết tại chỗ. Con cọp dữ này còn làm nhiều binh sĩ bị thương và gây cho vua quan một phen khiếp đảm…”, Pierre Poivre viết.
Đến thời Minh Mạng, nhân lễ Tứ tuần Đại khánh (mừng thọ vua 40 tuổi vào năm 1829), vua ngự thuyền rồng xem một trận thư hùng giữa voi và hổ ở bên bờ bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, chúa sơn lâm bất ngờ bứt được dây trói, nhảy xuống sông, lao về phía thuyền rồng. Quan quân vệ binh hốt hoảng, mặt cắt không còn hột máu. Vua Minh Mạng lúc đó không có vũ khí trong tay, liền vớ vội cây sào chống trả và đẩy lùi con thú dữ. Sau trận đấu hổ thất kinh đó, nhà vua mới xuống chiếu xây dựng Hổ Quyền vào năm sau (1830).
Dưới triều Nguyễn, những trận tử chiến giữa voi và hổ thông thường mỗi năm tổ chức một lần. Năm 1904, dưới thời Thành Thái, nhà vua cho tổ chức một trận đấu. Hôm đó, một con voi cái hiên ngang đi vào trường đấu, con voi cất tiếng rống to. Nhìn thần thái con vật, nhà vua buông lời: “Con voi này can đảm lắm”. Trong trận đấu, con cọp lớn dữ tợn nhảy lên tát mạnh vào đầu voi, con vật lắc mạnh nhưng con hổ vẫn cố sức bám chặt hòng cắn xé giết chết địch thủ. Trong cơn giận dữ, con chiến tượng đã dùng cả uy mãnh ngàn cân của mình húc thẳng đầu vào thành Hổ quyền, ép mạnh con cọp vào đó. Lúc voi ngẩng đầu lên, con dã thú rơi phịch xuống đất. Nó đã bị chà nát. Theo sử sách, đó là trận đấu cuối cùng của dã thú diễn ra tại Hổ Quyền.
Vang bóng?
Hổ Quyền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 2009/1998 QĐ/BVHTT, ngày 26/9/1998. Đầu năm 2009, nhóm chuyên gia của Trường Công nghệ văn hóa sau đại học thuộc Viện khoa học công nghệ kỹ thuật cao Hàn Quốc – KAIST đã thực hiện dự án phục dựng Di tích Hổ Quyền bằng công nghệ kỹ thuật số 3D. Một bộ phim nổi 3 chiều (gọi là phim mô hình 3D) tái hiện lại toàn cảnh kiến trúc Hổ Quyền, cách xây dựng trường đấu hổ và cảnh vua, triều thần, các thị vệ đi xem trận đấu bằng diễn viên đóng.
Đặc biệt, bằng bằng kỹ xảo điện ảnh như đồ họa vi tính, bộ phim đã tái hiện về cảnh quyết đấu giữa voi và hổ sống động; được xem là một hình thức bảo tồn, trùng tu di tích hiện đại nhất giúp cho người xem như được trở về ngày xưa.
Tuy nhiên, trong thực tế, hiện nay, địa danh oai linh này đang xuống cấp và hoang phế. Tường thành của đấu trường nứt gãy nhiều đoạn, những bậc cấp đi lên khán đài bị bung sụt được rào chắn lại với cảnh báo nguy hiểm…
Có thể nói, ngoài đấu trường giác đấu nổi tiếng thời La Mã cổ đại như Coloseum, không đâu tìm được một đấu trường quy mô như Hổ Quyền ở Việt Nam.
NISAVA TRAVEL! – Theo báo Datviet, internet