(NDO) – Hoàng hôn rải những tia nắng cuối ngày xuống cánh đồng biên giới, như một tấm thảm vàng. Những chiếc xuồng câu lưới chơi vơi giữa mênh mông con nước bạc. Những khu chợ nổi cá đồng nhóm họp giữa đồng nước mênh mông; những xóm du cư của dân tứ xứ tụ họp mưu sinh giữa Đồng Tháp Mười, hay những đàn trâu bì bõm chạy đồng tìm đến vùng đất cao trú ngụ qua mùa nước ngập… Tôi tìm được tuổi thơ, không ở đâu xa, ngay đây, miền Tây mùa nước nổi!
Dọc miền biên giới
Thời điểm này, miền Tây rất đẹp. Bởi mùa nước nổi tràn đồng, trắng xóa con nước bạc. Đồng bằng sông Cửu Long có hai “túi nước” tự nhiên khổng lồ là vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, với khả năng tích trữ hơn 9 tỷ m3 nước trong mùa nước nổi mỗi vùng.
Tứ giác Long Xuyên bao gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Còn Đồng Tháp Mười gồm các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An. Hiện nay, việc phát triển đê bao trồng lúa mỗi năm ba vụ khiến khả năng trữ nước của hai “túi nước” này đã giảm gần 50%. Nếu không thông thạo địa hình miền Tây Nam Bộ sẽ khó tìm thấy mùa nước nổi. Nếu chạy theo trục lộ chính xuyên qua các tỉnh này, gần như chỉ thấy lúa và lúa, còn nước rất hiếm hoi. Nhưng có một cung đường “phượt” đi vào vùng “rốn” của mùa nước nổi, đó là đi dọc biên giới tây nam.
NISAVA
Từ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, theo quốc lộ 91 thẳng tiến về Châu Đốc, Tịnh Biên với quãng đường khoảng 60 km. Đây là hai trong năm huyện, thị xã, thành phố ở biên giới tây nam của tỉnh An Giang, tiếp giáp nước bạn Cam-pu-chia. Ngay tại Tịnh Biên có hai con đập tràn để điều tiết nước. Thời điểm này, đập tràn Tha La và Trà Sư đã xả cửa để đón dòng nước từ các con sông biên giới vào nội đồng Tứ giác Long Xuyên vừa thau rửa ruộng đồng, vừa để các loài thủy sản tự nhiên có nơi sinh sản. Cũng chính vì thế, ngay trên khúc kênh dẫn nước của hai đập tràn, có hàng trăm ghe xuồng của vạn chài tứ xứ tụ họp mưu sinh, quăng chài, bủa lưới đánh bắt cá mỗi ngày, kín một khúc kênh. Quang cảnh lao động tất bật, độc đáo và ấn tượng.
Từ đây, men theo tuyến đường nhựa ven bờ kênh Vĩnh Tế trở lại TP Châu Đốc để qua cầu Cồn Tiên, ngược lên huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang. Trên cánh đồng biên giới thấp thoáng bóng dáng của ngư dân đánh bắt cá. Có rất nhiều loại ngư cụ được sử dụng như: dớn lưới, lú (người địa phương gọi là 12 cửa ngục – vì có 12 miệng để dụ cá vào), lọp, lờ, sà di, chài, vó… Mỗi loại đều có cách sử dụng khác nhau và bắt được từng loại cá khác nhau. Nhiều nhất, dễ thấy nhất là dớn lưới, được đóng thành từng đường dài trên cánh đồng để ngăn cản và dẫn dụ cá chui vào rọ.
NISAVA
Từ sáng sớm, một khu chợ nổi độc đáo nhóm họp ngay trên cánh đồng nước nổi của xã Phú Hội, huyện An Phú. Hàng chục ghe, xuồng lớn nhỏ neo đậu dưới tán cây me tây bên dòng kênh Ruột, chờ xuồng của ngư dân đi đổ dớn, đổ lọp, giăng lưới về chợ bán. Tiếng cười nói lao xao một góc trời. “Năm nay nước nhiều nên cá cũng nhiều, mần ăn được. Dẫu những cuộc mưu sinh trên đồng nước còn lắm nỗi lo toan, gian nan, bề bộn mỗi ngày, nhưng ai nấy đều mừng vui ra mặt. Bởi lâu lắm rồi, miền Tây mới có một mùa nước nổi “đẹp”. Xuồng về tôm cá đầy khoang, mà con nước cũng hào phóng, hiền lành, để hàng vạn dân nghèo miền Tây có cuộc sống ổn định mấy tháng ròng”, ngư dân Út Lo, hơn 20 năm làm nghề đặt dớn, thổ lộ.
Sống lại ký ức tuổi thơ
Từ huyện An Phú, sang chuyến đò ngang đến thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Tân Châu cũng có những cánh đồng tiếp giáp nước bạn Cam-pu-chia và cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương. Từ Tân Châu đi phà vượt sông Tiền chỉ độ chừng 15 phút là sang huyện biên giới Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Đây cũng là vùng đầu nguồn, mỗi năm đón những dòng nước đỏ phù sa chảy vào những con sông nội địa và đồng ruộng. Đặt chân tới đây là bước vào Đồng Tháp Mười rồi. Nhưng chỉ là mới khởi đầu thôi, vì vùng này vô cùng rộng lớn. Cũng như Tứ giác Long Xuyên, sau 30 năm khai phá và tiến công Đồng Tháp Mười, miền đất này có những con đê ngăn nước để làm lúa vụ ba chạy dài hàng chục km.
Ngược quốc lộ 30 từ thị xã Hồng Ngự lên tới thị trấn Sa Rài, cửa khẩu Dinh Bà, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp thì hoàn toàn khác hẳn. Bốn bề là đồng nước mênh mông. May mắn, tôi còn tìm thấy những bức tranh quê hương về mùa nước nổi miền Tây của những ngày xưa năm cũ, như: Mùa len trâu sót lại.
Tân Hồng là nơi có những vạt đất cao cuối cùng trong mùa nước nổi năm nay, tập trung hàng chục đàn trâu chạy đồng về trú ngụ. Hình ảnh đàn trâu hàng trăm con bì bõm lội nước, vượt những vùng nước sâu để đi tìm những vạt cỏ cuối cùng, khiến nhiều người như được sống lại ký ức tuổi thơ trên đồng nước miền Tây.
NISAVA
Không chỉ chủ trâu, mà cả những chú trâu to tướng với vẻ ngoài lù lù, cặp sừng nhọn hoắt như thế cũng rất dễ hòa đồng. Anh Huỳnh Văn Sang, 25 tuổi, người miệt Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, chủ đàn trâu chạy đồng nước nổi rất nhiệt tình. Anh Sang kể, 12 tuổi đã bắt đầu theo những đàn trâu lang bạt khắp cánh đồng này tới cánh đồng khác. “Năm nào nước nổi về nhiều là tui cùng mấy người đồng nghiệp đều len trâu về huyện Tân Hồng tá túc qua mùa nước ngập. Những năm nước ngập sâu, đồng này hết cỏ thì chạy sang tận Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An cầm trâu, chờ nước giựt”, anh Sang nói.
Tôi lại dong xe, đi dọc vùng biên giới tìm đến vùng “rốn lũ” của Đồng Tháp Mười. Lâu lắm rồi, người miền Tây không còn gọi là mùa lũ mà thay là mùa nước nổi, với vẻ thân thương. Bởi mùa nước ở đây thay đổi theo chu kỳ, mỗi năm, chứ không phải bất ngờ ập tới rồi cũng vội vã ra đi mang theo bao nhiêu đau thương, tang tóc như nơi khác. Dấu hiệu nhận biết một mùa nước nổi từ sau Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch) hằng năm. Trên các con sông, nước chuyển dần từ mầu xanh sang mầu đỏ gạch và dòng nước cũng bắt đầu chảy xiết. Đến khoảng tháng 7 (âm lịch), con nước dâng cao, dân gian có câu “tháng 7 nước nhảy khỏi bờ” là như vậy. Khi đó, các cánh đồng biên giới tây nam bắt đầu chộn rộn những cuộc mưu sinh bằng rất nhiều nghề trên sông nước.
NISAVA
Tôi ghé lại xóm “du cư” dưới chân cầu Rạch Bắt Heo, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An vào cuối buổi chiều. Cánh đàn ông, trai tráng tụ họp trà nước, uống mấy ly rượu đế rồi bàn bạc cho chuyến giăng lưới vào buổi khuya. Nơi đây có 19 “nóc cà rèm” của dân “du cư” tứ xứ làm nghề giăng lưới cá chạch đồng. Công việc của họ vất vả, phải thức từ 3 giờ sáng để dong xuồng lên đồng nước tìm chỗ bủa lưới. Đến rạng sáng thì dựng cà rèm, nấu cơm, ăn uống xong là đi thăm lưới, có khi phải phơi mình dưới cái nắng chói chang hay những cơn mưa như trút nước.
Ông Huỳnh Văn Vô, 64 tuổi, ngư dân già nhất của xóm “du cư” cho biết, nhiều năm trước vô tình phát hiện “túi cá” ở Đồng Tháp Mười này cho nên rủ thêm anh em, con cháu tới đây để mưu sinh mỗi năm, trong mùa nước nổi. “Tui có căn nhà nhỏ ở xóm bãi Châu Ma, xã Phú Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nhưng đâu có ở bao nhiêu vì mấy chục năm sống nghề câu lưới trên sông nước. Tui cứ đi, đi mãi, rất nhiều cánh đồng nước, nơi nào có cá nhiều thì cặm sào, neo xuồng lại, tá túc mưu sinh. Hết đồng Tân Hưng, tui lại chạy qua Cả Gừa, huyện Vĩnh Hưng rồi đi sâu vô cánh rừng huyện Mộc Hóa để giăng lưới tiếp, ròng rã ba bốn tháng trời. Cực nhưng vui, đợi nước giựt là có cá liền. Chứ năm nào nước ít thì rầu thúi ruột”, ngư dân già bộc bạch.
Hoàng hôn. Cung đường đi dọc biên giới tây nam dường như ngắn lại. Càng thêm yêu quê hương, đất nước, thêm yêu con người miền Tây chất phác, nghĩa tình, phóng khoáng, bao dung…
Theo Bùi Quốc Dũng (báo Nhân Dân)
NISAVA TRAVEL!