(TTO) – Một buổi sáng lập thu ở bến thuyền chùa Bồ Đề ở ven sông Hồng, chúng tôi – đoàn khảo sát do Tổng cục Du lịch tổ chức – rời bến trên chiếc tàu du lịch xuôi về Phố Hiến, Hưng Yên. Phố Hiến, Hưng Yên từng là thương cảng quốc tế lừng danh của xứ Đàng Ngoài.
Không lâu sau khi tàu lướt qua dạ cầu Vĩnh Tuy rồi Thanh Trì, hiện ra trước mặt chúng tôi về phía tả ngạn là làng nghề truyền thống Bát Tràng – nơi sản xuất thủ công gốm sứ lừng danh với hơn 700 năm thăng trầm, thuyền tiếp tục xuôi dòng giữa đôi bờ là làng mạc, chùa chiền, đình miếu, những cánh đồng lúa xanh mướt…
Lần theo dấu xưa
Khi nắng lên cao, chúng tôi đặt chân đến đền Chử Đồng Tử (xã Đa Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên). Đền được xây dựng vào năm 1892 trên một khu đất cao, bằng phẳng, hình chữ nhật với 18 tòa nhà mái ngói được chạm khắc tinh xảo, tạo hình thuyền rồng cách điệu cùng lầu khánh, gác chuông, sân đại tế theo kiểu kiến trúc thời nhà Nguyễn do tam giáp tiến sĩ Chu Mạnh Trinh hưng công, thiết kế. Trong đó, đền Đa Hòa là đền thờ cổ kính, đồ sộ và đẹp nhất trong 72 đền thờ đức thánh Chử Đồng Tử ở miền Bắc.
Mặt đền nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên, tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung – con vua Hùng thứ 18 – quây màn tắm mát và hội ngộ Chử Đồng Tử trước khi nên duyên chồng vợ. Để tưởng nhớ đến công đức của đức thánh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, vào ngày 10 đến 12-2 âm lịch hằng năm, người dân nơi đây trang trọng tổ chức lễ hội, trong đó điểm nhấn là nghi thức đoàn thuyền nối đuôi nhau ra giữa sông Hồng lấy nước về lễ thánh.
NISAVA
Xế trưa, tàu cập bến cầu Yên Lệnh. Từ đây vào Phố Hiến phải vượt đoạn đường dài khoảng 3km, vốn là lòng sông năm xưa nhưng nay là bãi bồi phủ xanh bởi vườn nhãn, luống ngô, nương dâu… Nhiều tài liệu cho rằng tên Phố Hiến có thể ra đời vào cuối thế kỷ 15, đời vua Lê Thánh Tông. Đến thế kỷ 16 – 17, Phố Hiến trở thành trung tâm đô thị, phát triển phồn thịnh nhờ thương cảng có nhiều mối giao lưu quốc tế.
Mỗi lần tàu buôn nước ngoài đến đây đều phải neo đậu tại cửa Càn (còn gọi là cửa Cạn hay cửa Gàn) bên bờ tả ngạn sông Xích Đằng (tên địa phương gọi sông Hồng) để thuế quan kiểm hàng, thu thuế rồi mới đưa thuyền nhập cảng Bến Đá, chuyển hàng vào thương điếm chờ thương lái. Muốn tiếp tục lên Kẻ Chợ – Thăng Long, chủ thuyền làm thủ tục xuất bến, kiểm hàng tại Vạn Lai Triều nằm ven sông Hồng cách Bến Đá không xa, hoặc chuyển hàng sang thuyền nhỏ thuê của người bản địa.
Ngày nay, đi trên con đường rợp bóng hàng cây cổ thụ ven hồ Bán Nguyệt – một nhánh sông Hồng, khách chỉ cần vài bước chân đã gặp ngay những di tích gắn liền với lịch sử vùng đất Hưng Yên, được xây dựng thời kỳ thương cảng Phố Hiến ra đời.
Tiêu biểu như chùa Chuông, đệ nhất danh thắng Phố Hiến hay Văn miếu Xích Đằng (khởi dựng thời Hậu Lê) lưu giữ tấm bia đá ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam, hoặc đền Trần, đền Mẫu…
Đặc biệt, cụm di tích chùa Hiến uy nghi với hai tấm bia đá dựng năm 1625 và 1709 trước sân chùa, ghi lại quá trình cư tụ của thương cảng Phố Hiến và cây nhãn tổ 300 năm tuổi nổi tiếng.
Tiềm năng du lịch bị lãng quên
Điều đáng tiếc là những công trình kiến trúc do thương nhân nước ngoài xây dựng tại Phố Hiến hiện chẳng còn là bao. Ngoài đền thờ Bà Thiên Hậu, Võ miếu thờ Quan Công, chùa Phố – Bắc Hòa tự thờ Phật do người Hoa xây dựng theo phong cách kiến trúc kết hợp hài hòa giữa Á – Âu, chỉ còn duy nhất một hội quán thương mại là Đông Đô Quảng Hội, công trình kiến trúc có mặt sớm nhất kể từ lúc khách thương Trung Quốc vào Phố Hiến làm ăn sinh sống.
Được xây dựng năm 1590, Đông Đô Quảng Hội tọa lạc liền kề bến cảng, vừa là nơi thờ Tam Thánh và Bà Thiên Hậu, vừa là nơi thương nhân nước ngoài gặp gỡ, thương thảo, định giá hàng hóa trước khi đưa ra thị trường.
NISAVA
Sau này ngoài thương gia Nhật Bản, Xiêm La và Mã Lai được chúa Trịnh cho phép lập thương điếm, các công ty hàng hải phương Tây dần xây dựng văn phòng đại diện như thương điếm Hà Lan (năm 1637), thương điếm Anh (1672), thương điếm Pháp (1680)… nhưng đã bị hủy hoại trong thời kỳ thương mại Phố Hiến bắt đầu suy tàn.
Đầu thế kỷ 18, lòng sông Hồng nông dần do phù sa lắng đọng khiến thuyền bè đi lại, cặp bến gặp trắc trở, việc bốc dỡ hàng hóa khó khăn, rồi bị cạnh tranh bởi chính sách mở cửa buôn bán đường biển của Trung Quốc và Nhật Bản nên giao thương giữa phương Tây và Phố Hiến sa sút. Vai trò của một đô thị kinh tế, thương mại “tiểu Tràng An” ngày nào giờ đây đã chấm dứt.
Tuy nhiên, ngoài một số di cư vào đất Thăng Long – Kẻ Chợ lập nghiệp, phần đông giới Hoa thương vẫn trụ lại cho tới ngày này.
Thật ra, Hưng Yên vẫn là địa phương sở hữu số lượng di tích được xếp hạng quốc gia đứng thứ ba trong cả nước, đặc biệt là quần thể di tích Phố Hiến đã được Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Thế nhưng trong năm 2014, Hưng Yên đón chưa đến 320.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quan tâm lịch sử không đáng kể mà chủ yếu là tham gia lễ hội, du lịch tâm linh hoặc du lịch sinh thái theo vụ mùa trái cây.
Nguyên nhân do địa phương vẫn chưa chú trọng đến việc phát triển tour du lịch thuần túy, thậm chí chưa có sự gắn kết giữa các điểm đến và doanh nghiệp lữ hành.
Hơn nữa những di tích liên quan đến đô thị, thương cảng phồn hoa thuở xưa hiện còn sót lại một phần nhỏ khiêm tốn và cảnh vật xung quanh dù thanh bình, yên tĩnh nhưng rất khác xưa nên khó níu chân khách ở lại dài lâu, chứ đừng nói chi tới việc kỳ vọng khách trở lại lần hai.
NISAVA
Bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), sông Hồng vào đất Việt qua bản Lũng Pô (xã A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai) xuôi về Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… rồi đổ ra Biển Đông tại cửa Ba Lạt (giáp ranh tỉnh Nam Định và Thái Bình) với chiều dài 510km.
Trên hành trình đổ ra biển, sông Hồng còn mang nhiều cái tên là sông Thao (cách gọi trại tên Nậm Tao của người Thái ở đoạn từ Lào Cai đến Việt Trì, Phú Thọ), Nhĩ Hà (dòng chảy giống vành tai) hoặc Nhị Hà ở đoạn qua Hà Nội.
Đây cũng là đoạn sông lan tỏa khắp mọi nơi như chiếc nan quạt, trong đó tuyến giao thông đường thủy nối Phố Hiến không chỉ mang vẻ đẹp sông nước vùng đồng bằng Bắc bộ mà còn là mạch máu giao thương quan trọng năm xưa.
Theo Tuổi Trẻ
NISAVA TRAVEL!