(TTO) – Tọa lạc trên một khoảng đất rộng, lưng tựa vào đồi cao, phía trước nhìn ra cánh đồng thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, Việt Trì (Phú Thọ), Thiên Cổ miếu là nơi thờ sự học đầu tiên của đất Việt.
< Đền Thiên Cổ biểu tượng cho sự học thời Hùng Vương.
Suốt 23 thế kỷ qua, biết bao thăng trầm của thời đại, lịch sử và xã hội, cư dân thôn Hương Lan đã âm thầm gìn giữ và bảo vệ ngôi đền thiêng.
Theo “Ngọc phả đình thôn Hương Lan”, chuyện kể rằng vào thời Hùng Vương thứ 18, niên hiệu Hùng Duệ Vương, từ vua đến dân rất quan tâm đến việc học hành, tôn sư trọng đạo, tu thân và lập thân của con người. Vì thế, Vua Hùng thứ 18 đặc biệt chú trọng đến việc dạy chữ, dạy người.
< Cây táu tỏa bóng mát xuống ngôi đền cổ.
Cùng thời đó có vợ chồng thầy cô Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục mở lớp dạy học ngay tại đô thành Văn Lang. Biết được tâm đức của thầy cô, Hùng Duệ Vương đã mời hai người vào cung dạy học cho hai công chúa mà nhà vua rất mực yêu quý là Tiên Dung và Ngọc Hoa.
Hai công chúa được thầy Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục dạy chữ, dạy đạo làm người và nhanh chóng trở thành những công nương hiền thục, giỏi giang và tháo vát.
< Ban thờ thầy cô Vũ Thê Lang và hai công chúa trong Thiên Cổ miếu.
NISAVA
Khi thầy cô tạ thế cùng giờ, cùng ngày 2-2 năm Quý Dậu (288 trước Công nguyên), vua Hùng cùng người dân thôn Hương Lan tiếc thương công đức nên đã an táng ngay tại địa điểm hai người mở lớp dạy học, táng cùng một ngôi mộ. Nhà vua cũng cho phép thôn Hương Lan lập miếu để thờ cúng, hương hỏa. Hiện nay, ngôi mộ hai thầy cô vẫn nằm giữa gian chính điện của ngôi đền.
< Ngôi mộ của hai thầy cô ở vị trí phía giữa điện thờ.
Trước đây, Thiên Cổ miếu chỉ là một ngôi miếu nhỏ và người dân vẫn thường gọi là miếu Hai Cô vì trong miếu có thờ cả hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Suốt 23 thế kỷ, ngôi miếu không hề bị dịch chuyển, phá hủy.
Thiên Cổ miếu nằm trong quần thể di tích lịch sử đình Hương Lan, lăng mộ ba đô sĩ thời Hùng Vương và miếu Thiên Cổ. Trong đền có tượng thờ thầy cô Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục cùng tượng hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, tượng hai hầu gái của hai công chúa.
< Câu đối trong Thiên Cổ miếu được ghi bằng chữ Việt Cổ.
Trong điện thờ có một bức hoành phi nhỏ ghi: “Thiên Cổ miếu” cùng hai câu đối bằng gỗ mộc dài chừng 1m, viết bằng chữ Hán: “Hùng lĩnh trung chi thắng tích/Nam thiên chích khí linh từ” (Đền thiêng thờ người có chí khí mạnh mẽ, lớn lao của trời Nam).
NISAVA
Khi tìm hiểu về những dòng chữ ghi trên những bức hoành phi, câu đối, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy đây là thứ chữ Việt cổ, có từ trước Công nguyên, là chứng tích cho thấy các giáo sĩ phương Tây cùng những trí thức Việt Nam đã Latin hóa chữ Việt trên cơ sở của bộ chữ này.
Ngôi đền cổ nằm dưới bóng hai “lão đại” táu cổ thụ, có niên đại hàng ngàn năm. Đến nay hai cây cổ thụ xanh tốt, tỏa bóng xuống ngôi đền.
< Chữ Việt Cổ được lưu trong đền.
Người dân thôn Hương Lan kể rằng điều kỳ lạ ở hai cây táu cổ thụ là tuy là hai cây cùng giống nhưng vào độ tháng 5, mùa trổ hoa thì một cây trổ hoa trắng, một cây trổ hoa vàng. Cánh hoa táu trải xuống sân đền như một tấm thảm lớn với hai màu trắng vàng rõ rệt.
Có thời thôn định chặt hai cây làm củi đốt nhưng những người dân trong thôn quyết tâm giữ và bảo vệ. Hai cây táu trở thành vật linh thiêng được người dân thôn Hương Lan bảo vệ và chăm sóc. Vừa qua, hai cây táu tại Thiên Cổ miếu đã được công nhận là cây di sản của Việt Nam.
< Tượng quy đá trong khu di tích đền Thiên Cổ.
NISAVA
Phía bên phải của Thiên Cổ miếu có tượng Thần Quy bằng đá nguyên khối, nặng 4 tấn. Đó là biểu tượng của sự học hành, khoa cử và đỗ đạt, một truyền thống được cư dân đất Việt hun đúc từ bao đời nay.
Trải qua hơn 3.000 năm, ngôi đền Thiên Cổ miếu là biểu tượng thiêng liêng cho sự học của nước Việt Nam từ khởi thủy, là di tích khắc ghi truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt.
Theo Nguyễn Thế Lượng (Tuổi Trẻ)
NISAVA TRAVEL!