Mặt hồ trong xanh như ngọc bích, sóng nước lay động; khung cảnh sơn thủy hữu tình; trải nghiệm du lịch cộng đồng, tìm hiểu nét văn hóa truyền thống, thưởng thức ẩm thực của đồng bào dân tộc, cùng hòa mình trong tiếng chiêng, tiếng trống mùa lễ hội… vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đang mời gọi du khách bằng vẻ đẹp như thế!

Du lịch khám phá hấp dẫn

Điểm đầu tiên trong hành trình du ngoạn là từ đập công trình thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á với những con số kỷ lục: Công suất lớn nhất 2.400MW; khối lượng công việc thi công nhiều nhất; tiến độ “cán đích” nhanh nhất, trước thời hạn 3 năm; dự án di dân đông nhất, di chuyển 20.260 hộ, hơn 95.700 khẩu của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu; dung tích hồ chứa 9,26 tỷ m3 nước…

Chiếc tàu thủy rẽ sóng, rời bến Nghiêng (gần đập thủy điện Sơn La), không phải vượt ghềnh thác, các cửa tử, cửa sinh như “Người lái đò sông Đà” năm xưa, bởi từ ngày xây dựng đập thủy điện thì thượng nguồn sông Đà không còn hung dữ nữa mà trở thành vùng nước mênh mông với khung cảnh kỳ vỹ.

Mây “ôm ấp” núi non trập trùng; các đảo, bán đảo giữa hồ nước mênh mông, sông in bóng núi mà ngỡ như “Vịnh Hạ Long” vùng Tây Bắc.

Sau khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ, đến địa phận huyện Quỳnh Nhai. Xa xa cầu Pá Uôn ẩn hiện trong sương. Với trụ chính cầu cao 98 mét, đã được xếp hạng cao nhất Việt Nam. Từ ngày cầu nối nhịp đôi bờ sông Đà, những chuyến phà qua sông đến trung tâm huyện Quỳnh Nhai lùi vào ký ức. Bên tả ngạn là trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai, dáng dấp phố núi mới mọc lên; kia đền Linh Sơn Thủy Từ – đền thờ Nàng Han linh thiêng. Hướng bên hữu ngạn, chợt bâng khuâng bến nước Nghe Tỏng, đong đầy nỗi nhớ Mường Chiên xưa. Đôi bờ, bên nhớ, bên thương, thấp thoáng những bản tái định cư, bếp tỏa khói lam chiều, gợi nhớ miền quê xưa.

Nay, trên quê mới từng ngày “thay da, đổi thịt” mà vẫn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Đó là lễ gội đầu vào chiều 30 Tết của người Thái trắng Quỳnh Nhai, với mong muốn rửa trôi những điều không may mắn  của năm cũ và cầu cho năm mới nhiểu sức khỏe, nhiều điều hay.
NISAVA
Ở thời khắc ấy, những người già thường nhắc nhở con cháu câu chuyện về Nàng Han, một vị nữ tướng, con gái của một tộc trưởng đóng giả trai tập hợp binh mã, đánh đuổi giặc ngoại xâm, đuổi đến tận bờ cõi Mường So (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bây giờ) thì giặc tan.

Dẹp xong giặc cũng là 30 Tết âm lịch. Buổi chiều ngày đó, Nàng Han lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi, tắm gội để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Từ đó đến nay, người Thái vùng Quỳnh Nhai (Sơn La), Mường Lay (Điện Biên), Mường So (Lai Châu) vẫn còn lưu giữ phong tục này. Và mùng 10 tháng giêng hằng năm lại diễn ra Lễ hội đua thuyền truyền thống, thể hiện bản lĩnh của người dân vùng sông nước, đồng thời, để cầu yên cho xóm làng. Trong Lễ hội gội đầu cuối năm và Lễ hội đua thuyền đầu năm còn hấp dẫn bởi các hoạt động thể thao dân tộc và thi ẩm thực dân tộc. Bà con các bản đua nhau đánh trống, chiêng, mừng đón năm mới.

Sau 7 giờ đồng hồ lênh đênh sóng nước, chuyến hành trình kết thúc nơi bến nước Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu)… Chiều tà, ánh nắng chiếu đổ xuống sông Đà sóng sánh như mật. Phía thượng nguồn, một thủy điện tầm cỡ quốc gia đang dần về đích với công suất 1.200MW.
NISAVA
Đánh thức tiềm năng du lịch

Cuối năm vừa qua, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đi thực tế khảo sát lòng hồ thủy điện Sơn La và nhận định, hồ thủy điện Sơn La có tiềm năng to lớn về phát triển du lịch. Ngay trên chuyến tàu, đã diễn ra cuộc họp, bàn thảo các giải pháp khai thác tiềm năng hồ thủy điện. Đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, có chương trình về khai thác lòng hồ thủy điện Sơn La. Các ngành, địa phương khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La cần rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển giao thông vận tải, thủy sản và du lịch…

Để khai thác tiềm năng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3674/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, không gian du lịch huyện Mường La gồm: Nhà máy thủy điện Sơn La, di tích hang Co Noong, suối nước nóng Ít Ong, Ngọc Chiến; các bản du lịch cộng đồng; rừng cây sơn tra, khu bảo tồn thiên nhiên Mường La… Huyện Quỳnh Nhai có các điểm du lịch: Di tích Linh Sơn Thủy Từ – đền thờ Nàng Han, mộ cổ, cầu Pá Uôn; hang động Thẩm Liên, Thẩm Đán Bóng; suối nước nóng bản Quyền, bản Bon; du lịch văn hóa cộng đồng… Khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La có điều kiện thuận lợi kết nối các địa phương lân cận bằng giao thông đường thủy theo sông Đà, đường bộ (quốc lộ 6, quốc lộ 279, quốc lộ 6b…). Mục tiêu là động lực phát triển du lịch của tỉnh và trở thành khu du lịch quốc gia trong tương lai.NISAVA

Bà Lường Thị Vân Anh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Cơ hội phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La tương lai gần nằm trong tour du lịch lòng hồ sông Đà và là điểm trung chuyển kết nối với lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Lai Châu. Hướng phát triển du lịch tham quan, sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ cuối tuần; điều dưỡng chữa bệnh gắn với tắm suối khoáng nóng; du lịch khám phá, thể thao mạo hiểm: Bơi thuyền, lướt ván, thăm hang động… cần xây dựng các bến cảng, bến tầu dừng nghỉ, du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch; xây dựng các điểm du lịch, tổ chức các hoạt động câu cá, thưởng thức món ăn dân tộc chế biến từ sản phẩm thủy sản tại lòng hồ để thu hút du khách.

Du ngoạn trên lòng hồ thủy điện Sơn La giữa cảnh “sông xuân, nước lẫn màu trời thêm xuân”, thấy rõ tiềm năng phát triển giao thông đường thủy, hoạt động du lịch, khai thác, nuôi trồng thủy sản… nếu khai thác tốt, hợp lý, sẽ góp phần thêm “sắc xuân” vùng hồ thượng nguồn sông Đà.

Theo Phạm Đức (Báo Sơn La)
NISAVA TRAVEL!

Ven lòng hồ Thủy điện Sơn La
Những hòn đá bí ẩn bên thủy điện Sơn La

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *