(Vietnamnet) – Ăn nhà hàng, đi du lịch, lên máy bay, mua sắm… đôi khi phải giả vờ là người nước ngoài mới mong được phục vụ tốt. Việc phân biệt đối xử giữa khách Việt với khách “Tây” diễn ra ở nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ gần đây khiến nhiều người khó chịu.
Phủ phàng từ chối khách Việt
Trước đây, dư luận từng bức xúc về tình trạng một số cửa hàng của người Việt, bán hàng ở Việt Nam mà chỉ treo biển phục vụ khách nước ngoài. Điều này xuất phát từ tâm lý lâu nay cho rằng, chỉ khách Tây mới rủng rỉnh ví tiền, và đổ lỗi cho người Việt có những thói quen xấu trong tiêu dùng, như kiệt sỉ, khó tính, mặc cả lên xuống cuối cùng lại không mua… Trước sức ép của cơ quan quản lý và dư luận, chủ cửa hàng đã phải công khai xin lỗi và gỡ bỏ tấm biển.
Thế nhưng, lối ứng xử kỳ thị, phân biệt trong kinh doanh này giờ lại đang có xu hướng quay trở lại trong các nhà hàng, khách sạn của Việt Nam.
Bất chấp sự khó chịu và bực bội của người mua, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn ưu ái phục vụ khách nước ngoài và “phũ” với người tiêu dùng Việt. Đặc biệt, tình trạng này xuất hiện nhiều tại những cửa hàng, khách sạn tự cho mình là sang chảnh.
Anh Phương (34 tuổi, ngụ ở Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại câu chuyện về tuần trăng mật của mình ở một khách sạn lớn tại Nha Trang. Chẳng là buổi sáng hôm ấy, hai vợ chồng đều mệt nên muốn gọi đồ ăn phục vụ tại phòng. Chờ gần một tiếng đồng hồ, vợ chồng chị mới được nhân viên mang đồ ăn lên với thái độ khá khó chịu. Thậm chí, trước khi cô phục vụ rời khỏi phòng vẫn lẩm bẩm đủ để anh chị nghe thấy: “Đặt phòng thường mà cứ làm như khách VIP không bằng”.
Lúc sau xuống sảnh, vợ chồng anh thấy cũng đúng là nhân viên đó nhưng có thái độ phục vụ rất tận tình, lễ phép với mấy ông khách Tây. Thậm chí, lúc anh đi ngang qua lễ tân và gửi chìa khóa, cô thậm chí còn không đáp lại mà đang bận chào hỏi những vị khách ngoại quốc kia. Anh chị khá bực mình nhưng chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu. Anh Phương kể, đến khi ăn tối tại khách sạn, vợ chồng anh bảo nhau nói tiếng Anh thì y như rằng, thái độ phục vụ của nhân viên khác hẳn.
Tại một số cửa hàng, cứ thấy bóng dáng khách Việt, nhân viên bảo vệ sẵn sàng chạy ra can ngăn với nhiều lý do như hết đồ, cửa hàng đang tạm nghỉ. Hoặc nhân viên phục vụ cũng thờ ơ, khó chịu ra mặt với khách. Họ thanh minh rằng mình làm vậy là do thói xấu của người tiêu dùng Việt.
Đặc biệt, ở những khu phố cổ Hà Nội thường có rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Vậy nên, người Việt mua hàng ở đây thường không lạ với những câu đuổi khéo: “Ở đây bán buôn chứ không bán lẻ”, “size này hết hàng rồi”. Kèm theo đó là những ánh mắt khinh khỉnh. Nhưng ngược lại, nếu là khách Tây thì thái độ khác hẳn. Nhìn thấy bóng khách từ xa, chủ cửa hàng đã vồn vã mời chào.
Đành giả vờ là Tây
Cũng chính từ đó nảy sinh một chuyện tưởng chừng khá nực cười. Nhiều khách hàng Việt, vì muốn được phục vụ chu đáo hơn, không ngần ngại “xổ” một tràng ngoại ngữ vay mượn chỉ để chứng tỏ mình cũng là… khách Tây.
Trên facebook cá nhân, K.N (37 tuổi, Hà Nội) kể: “Mình và bạn Tây cùng cầm trên tay ly nước uống. Bạn phục vụ ra hỏi có cần thêm đồ uống không, mình nói “Có”, bạn Tây nói “Yes” (Có). Kết quả, bạn ấy được rót thêm đồ uống, mình thì không. Lúc sau, một bạn khác đến hỏi câu tương tự, mình rút kinh nghiệm nên nói “Yes, please”. Kết quả, mình được rót thêm nước. Bạn phục vụ nói: “You look like Vietnamese” (Bạn trông giống người Việt Nam nhỉ). K.N kết luận: “Khi đi cùng với Tây, nếu muốn được phục vụ chu đáo, không nên giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ”.
Cùng chung hoàn cảnh, Lâm Anh (30 tuổi, Hà Nội) tâm sự: “Giờ vào nhà hàng, khách sạn của Việt Nam, tốt nhất là không nên nói tiếng Việt nếu không muốn bị phân biệt đối xử. Mình biết vài chữ tiếng Hàn, tiếng Trung cũng phải nói hết, chí ít nhất người ta biết mình là Việt kiều. Cùng mất một số tiền để trả cho cùng đồ ăn, thức uống nhưng nếu bạn là người Việt, bạn sẽ bị coi thường ngay”.
Lối ứng xử kỳ thị, phân biệt còn xảy ra phổ biến ở những cơ sở dịch vụ có nhiều khách nước ngoài. Anh Quốc Thanh (nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Mình hay đi công tác nên đi máy bay thường xuyên. Mình thấy khá rõ cách ứng xử phân biệt người nước ngoài và người Việt Nam của các nữ tiếp viên”.
Anh kể: “Lần đầu tiên, mình bê cốc nước ngọt xin cô tiếp viên vài viên đá, cô ấy thản nhiên lấy đá thả vào cốc làm nước bắn tung tóe vào mình và ông khách Tây ngồi ghế bên cạnh. Cô nữ tiếp viên rối rít xin lỗi và lấy khăn lau cho ông khách ấy, còn mình thì thản nhiên như không. Lần thứ hai, cả nhà mình đi nghỉ mát trên một hãng máy bay khác, thấy nhiệt độ thấp nên mình hỏi mượn chăn. Cô tiếp viên nói không có nhưng ngay sau đó, một vị khách nước ngoài hỏi chăn thì cô ấy lại lập tức mang ra. Mình thật sự rất không hài lòng về cách phân biệt đối xử như thế”.
Hà Tuấn, một người bạn của anh Thanh, cũng góp chuyện : “Rút kinh nghiệm nên mỗi lần đi máy bay hay tàu thủy du lịch, mình đều giao tiếp bằng tiếng Anh”.
Trong kinh doanh dịch vụ, các cửa hàng có thể xác định nhóm khách hàng tiềm năng để ưu tiên phục vụ, nhưng không nên vì thế mà đối xử không công bằng giữa khách Việt và khách nước ngoài. Bởi khách nào cũng là khách, không hẳn người nước ngoài đã nhiều tiền hơn, dễ tính hơn và không có những tính xấu như người Việt. Rõ ràng, cần xóa bỏ lối ứng xử dưới chuẩn trong văn hóa kinh doanh này.
Theo Nhị Anh (Vietnamnet)
NISAVA TRAVEL!