(DVO) – Theo bạn lên Tịnh Biên (An Giang), tôi thích mắt với những hàng thốt nốt. Đã mắt nhất là những “rừng” thốt nốt rộng lớn. Cây cao vời vợi chùm lá xòe như chiếc dù làm xinh đẹp cả một vùng bán sơn địa biên thùy. Nhưng khoái nhất là những dãy hàng quán “Thốt nốt lạnh”.

Đó là nơi cuốn hút chúng tôi dừng xe thưởng thức những ly nước thốt nốt ngọt ngào cùng những miếng cơm thốt nốt mềm sần sật… Ly nước thốt nốt đục ngầu, sủi bọt được chúng tôi nhanh chóng kề vào môi rồi nuốt lấy nuốt để cái chất ngọt đặc trưng của nó.

< Gánh nước thốt nốt bán dạo.

Thích nhất là lẫn trong vị ngọt ấy lại có mùi hăng hăng của khói bếp tươm ra từ mặt trong ống tre. Khói này người ta xông ống tre để khử trùng giúp nước thốt nốt lâu chua. Vừa nhẩn nha hưởng thụ vị ngọt mát khỏe người của ly thốt nốt, tôi hồi nhớ thời thơ ấu của mình.

Quê tôi nằm bên nhánh sông Hậu. Nơi trồng khá nhiều cây thốt nốt. Thốt nốt quê tôi không trồng thành “rừng” như quê người An Giang nhưng cũng là bức tranh đẹp phá cách đồng bằng ruộng lúa cò bay thẳng cánh.
NISAVA
Trong những chiều nghỉ hè, chúng tôi thường vào sóc (tiếng Khmer gọi làng xóm) chơi, thích thú nhìn những người đàn ông người dân tộc chân đạp vào mắt cây tre già cột sát vào thân cây leo lên ngọn thốt nốt. Họ cắt đầu những cái bông thốt nốt, kẹp lại, rồi buộc vào đó những chiếc ống tre thông mắt. Sáng hôm sau họ leo lên lấy những ống tre đựng đầy nước thốt nốt xuống, cho vợ con gánh ra chợ bán.

< Cây và trái thốt nốt.

Vào những rạng sáng, khi mặt trời chưa lên, những người phụ nữ Khmer từ mấy sóc lân cận thị trấn quê tôi quảy từng gánh nước thốt nốt đi bán. Hai đầu gánh là hai chùm ống tre lủng lẳng, đung đưa, chạm nhau vang những âm thanh đùng đục hòa trong tiếng rao lơ lớ âm Việt đầy hấp dẫn.

Khi mưa già, cây thốt nốt không còn ra bông, mùa lấy nước thốt nốt chấm dứt trong nỗi nhớ khôn nguôi.

Theo (Dân Việt)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *