(BQN) – Tranh thủ mùa dâu rừng chín rộ, những ngày này, người dân huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi) đã không quản ngại khó khăn lên rừng hái ‘lộc rừng’ về bán kiếm thêm thu nhập.
Mùa này, dọc tuyến đường lên vùng cao Tây Trà, người đi dường có thể bắt gặp những chùm dâu rừng chín đỏ được bày bán xen lẫn các sản vật khác của núi rừng. Dâu rừng có nhiều tên gọi như dâu đất, dâu da… người dân địa phương gọi là trái cốp.
Dâu rừng bắt đầu ra hoa kết trái từ tháng Giêng, đến khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch thì chín rộ. Lúc đầu quả non nhỏ có màu xanh, khi chín màu vỏ bên ngoài chuyển sang hồng nhạt hoặc màu đỏ. Bên trong lớp vỏ mịn màng là những múi dâu mọng nước nằm xếp thành hình tròn đều nhau.
Quả dâu rừng được kết từ hương thơm của rừng, thấm đẫm gió ngàn, hấp thụ khí trời và nắng gió của vùng sơn cước nên có mùi vị rất đặc trưng, không bao giờ bị nhầm lẫn với các loại trái cây khác. Người ăn cho múi dâu vào miệng cảm giác đầu tiên có thể nhận thấy là vị chua chua, nhưng để lâu hơn một chút sẽ thấy vị chua chua ấy tan biến mà đọng lại là vị ngọt thanh rất riêng biệt trong miệng…
NISAVA
Loại quả này gắn bó với người dân vùng cao từ bao đời nay như là một món quà thiên nhiên của núi rừng ban tặng cho người dân vùng cao. “Ngày trước, vào mùa dâu chín, người dân khi đi rẫy thường hái mang về ăn chơi, nhưng vài năm trở lại đây, trái dâu rừng được người miền xuôi ưa thích nên bà con chúng tôi lên rừng hái dâu về bán, kiếm thêm thu nhập”- chị Hồ Thị Nương ở xã Trà Lãnh (Tây Trà) cho biết.
Theo những người dân, ngày trước cây dâu rừng rất nhiều nhưng giờ nhiều diện tích rừng bị tàn phá, đốt làm rẫy nên dâu rừng cũng ít dần. Muốn hái được nhiều dâu phải đi rất xa, có khi đi cả ngày từ sáng đến tối mới về nhà. Mùa này, những cơn mưa bất chợt càng khiến cho công việc đi hái dâu rừng của người dân thêm vất vả.
NISAVA
“Cây dâu sinh trưởng tự nhiên trong rừng núi, không phải tập trung một chỗ mà nằm rải rác khắp nơi, nên muốn hái được nhiều, chúng tôi phải đi từ sáng sớm, đi xuyên vào sâu trong các cánh rừng già, vất vả lắm. Tuy nhiên, bù lại, dâu rừng hái về bán cho thương lái giúp cho người dân chúng tôi có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày, mua sách vở, quần áo cho con trong năm học mới”- anh Hồ Văn Sang ở xã Trà Nham (Tây Trà) bộc bạch.
Sáng đi, chiều về, những người hái dâu mang thành quả của mình bán cho các thương lái thu mua, cầm tiền trong tay, thế là họ biết ngay ngày hôm đó kiếm được bao nhiêu. Ngoài bán cho thương lái, dâu rừng hái về được người dân xâu lại thành từng chùm để bán cho khách đi đường bán với mức giá 10 nghìn đồng/chùm (khoảng 1kg). “Trung bình mỗi ngày một người hái được khoảng 8-10 chùm dâu, thu nhập 80-100 nghìn đồng”- anh Sang cho biết.
Dù vất vả, nhưng ẩn sau trong đó là những nụ cười hạnh phúc của người dân. Bởi ai cũng phấn khởi vì nguồn “lộc” rừng này đã góp phần cải thiện thu nhập cho rất nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Tây Trà. Nghe người dân kể, người nào chăm chỉ, mỗi mùa dâu có thể kiếm được tiền triệu, một khoản tiền không nhỏ đối với người dân miền núi.
NISAVA
Tuy chỉ là một thứ quả dân dã, nhưng mang hương vị núi rừng và đặc biệt là sạch 100% nên dâu rừng được nhiều người ưa chuộng. Những quả dâu rừng chín mọng theo khách, thương lái về xuôi như một món quà của núi rừng miền Tây Quảng Ngãi.
Chính vì vậy, đến với vùng cao Tây Trà mùa này, bên cạnh thưởng thức ẩm thực đặc sắc của đồng bào Cor với rau dớn, măng rừng, cá niên,…du khách đừng quên mang về những trái dâu rừng – món quà của vùng cao, với vị chua ngọt đặc trưng.
Theo HP (Báo Quảng Ngãi)
NISAVA TRAVEL!