Trên dải đất hình chữ S mình, có một bản nhỏ náu mình nơi hiểm địa sơn cùng thủy tận, chỉ vài chục nóc nhà nhưng gần 40 năm qua, kể từ mùa đông 1977, cờ tổ quốc không ngừng tung bay trên trời mây nơi đây. Dù nắng lửa hay tuyết phủ, dù trận mạc hay hòa bình. Mùa đông năm 1977 tôi vừa có mặt trên đời, còn bản nhỏ ấy có tên là Lô Lô Chải, người xưa hay gọi bằng Trại Lô Lô.

1. Năm 2000, Vàng Dỉ Chu – Chủ tịch xã Lũng Cú – khi đi họp ở huyện lỵ Đồng Văn đã đưa tôi về Lô Lô Chải, trên một chiếc xe Uaz cà tàng của biên phòng đã tàn tạ bởi những cung đường xóc nảy. Nhà của Dỉ Chu nép dưới hông núi bên rìa thung lũng, rất dễ nhận thấy bởi cái cổng lớn bằng đất nện có mái che và ngôi nhà tường trình bằng đất dày cả thước.

Ngoài cửa treo hai gói lá chuối còn tươi nếp gấp, thấy tôi ngần ngại, Dỉ Chu túm tay lôi tuột vào nhà: “Không sao đâu. Lệ của bản không cho thờ cha mẹ vợ trong nhà, nhưng hôm nay có giỗ nên tôi treo ít cơm nếp bên ngoài cho ma nó về, cùng ăn với mọi người một bữa cơm”.

Trần nhà ám bồ hóng bởi bốn mùa đỏ lửa, chỉ cần nhún mình lên là chạm tới. Dỉ Chu thấp hơn cả vợ nhưng nhanh nhẹn lắm, oang oang sai 6 đứa con mỗi người mỗi việc, trèo cây hái mắc coọc, rót nước, kê ghế cho khách nghỉ chân. Hai bên cửa ra vào, bọn trẻ lấy đá đỏ ở chân đỉnh Pỷ nghiền vụn, hòa nước kẻ đôi khẩu hiệu to tướng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, “Nước CHXHCN Việt Nam muôn năm”.

< Nhà Vàng Dỉ Chu nằm ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú.

Hai dòng kẻ này đã có trên tường cỡ mười năm trước, và cũng chừng ấy thời gian Dỉ Chu tự hào với cả bản là 4 trong số những đứa con của mình biết chữ. Khi tôi hỏi về trống đồng, bí mật lớn nhất của dân tộc Lô Lô, đột nhiên Dỉ Chu im lặng. Hồi lâu mới thủng thẳng: “Chúng tôi đào lên sẽ chôn lại. Xin ma trống bảo vệ làng bản yên lành, phù hộ cho mùa màng tươi tốt”. Trống đồng là hồn thiêng của dân tộc Lô Lô, nếu rời bản đến phương trời nào cũng phải mang đi, gồm trống đực và trống cái, khi đánh lên bao giờ cũng dùng cả hai trống một lần.

Chỉ có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được đường về TUNG LÀN MÔ nơi rừng rậm, núi cao, có hang đá, nơi mặt trời lặn, nơi sinh tụ của loài người tái sinh sau đại hồng thủy. Khi làm ma cho người lớn tuổi mới dùng trống đồng. Người đánh là đàn ông chưa vợ hoặc vợ không ở thời kỳ thai nghén, vào buổi chiều trước khi đưa ma. Gần sáng trống đồng lại được bí mật đem chôn ở một nơi sạch sẽ kín đáo, mặt trống để xuống dưới, chân trở lên trên, rồi lấy đất phủ kín.

Hồi cậu bé Mí Sèo còn nhỏ, có nghe già bản Xó Má Lủng kể rằng, ở Lô Lô Chải trong ngày cuối cùng của lễ múa ma, sẽ có mấy người đàn ông chạy vào rừng cấm gần thung lũng cởi sạch quần áo, buộc cây cỏ che kín thân, tay cầm những “cái ấy” đẽo bằng gỗ hoặc nặn bằng đất, rồi múa từ cửa rừng về tận nhà có đám. Phụ nữ cười đùa đều bị những người cây này dọa nạt.

< Nhà trình tường của người Lô Lô.

Tôi hỏi người được coi là già bản – PHU MẲNG – Lù Trú, về kiểu buộc cây, trát đất lên người. Già tả một hồi, nghe vừa giống kiểu thổ dân Châu Úc ăn vận trong buổi khai mạc Olympic Sydney 2000 được truyền hình trực tiếp, vừa giống dấu vết một hội kín đàn ông, mà dân tộc học thế giới đã nói đến ở người Melanesien sống ở giữa Thái Bình Dương. Sao cũng thấy hiện diện ở đây, trong biển đá ở lòng chảo vắng vẻ này? NISAVA

2. Trước Cách mạng Tháng Tám, công sứ Hà Giang lúc đó là Gardier đã đem từ Đồng Văn 3 trống đồng về Hà Nội. Sau chuyện “động trời” này, người ta đã để ý nhiều hơn đến các bản làng của dân tộc Lô Lô, nhất là Lô Lô Chải. Linh cảm đó không sai. Tháng 3.1970, Phan Hữu Dật đã phát hiện một trống đồng tại nhà Vương Sĩ Thuấn. Đầu năm 1985, Lò Giàng Páo đã sưu tầm được cả một cặp trống “đực – cái” tại nhà của Vàng Dỉ Sinh. Phan Hữu Dật từ năm 1974 đã nói rằng, các phu mẳng ở đất này đếm đầu ngón tay cũng có sơ sơ… 20 trống.

Vậy đang ở đâu số trống đồng còn lại? Tôi hỏi Dỉ Chu điều đó, nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Hỏi thêm già bản Vàng Pứng Quỷ và Sỉnh Di Pai nhưng tôi cũng chỉ được nghe những tâm sự lảng tránh về thời tiết: “Có năm, từ tháng 9 đến tháng 2 mới hết tuyết, không cây nào sống được, chết vàng đi. Như năm ngoái trồng khoai tây đấy, nhiều lắm, mà chẳng còn gì”… Không ai nói gì thêm với tôi về trống đồng của dân tộc họ.

Giờ có cầm trong tay những di vật văn tự quý của dân tộc mình, các “PHU MẲNG” cũng không mấy người còn đọc được. Nhiều đời trước, nhảy múa xung quanh người đã qua đời, có một người đeo túi vải bên hông dẫn đầu đoàn múa ma. Trong túi vải đó là đầu lâu của chính người vừa mới chết. Đưa đám xong thì đem đầu lâu đặt vào hốc đá, mái đá gần nhà, phần xác người còn lại được đem chôn. Khi mưa nắng và khí đá làm rữa hết thịt da thì lấy thêm hai xương đùi để cùng chiếc sọ. Những điệu múa ma có đầu người bên hông là một nghi lễ có liên quan đến tục săn đầu lâu của cư dân trồng trọt. Người Lô Lô Chải giờ không làm vậy nữa, nhưng họ vẫn giữ bằng được tục lệ này, thay đầu người chết bằng vỏ quả bầu vẽ mặt người bọc vải, hoặc đẽo bằng gỗ, hoặc đan bằng tre. Có thế, ma lửa mới về ở, người Lô Lô Chải mới sinh sôi. Họ đã giữ điệu múa ma theo cách của mình như thế. Và họ còn giữ riêng cho mình nhiều điều khác nữa, theo cách của đá núi. Đó là im lặng.

< Một ngôi nhà cổ có tường trình bằng đất của người Lô Lô hơn 200 tuổi.

Bộ đội biên phòng trẻ tuổi Sùng Mi Sèo dẫn tôi đến đỉnh Pỷ. Đỉnh núi mồ côi này hẹp lắm, chỉ vài bước chân đã hết, nên chắc ngày xưa Quang Trung Nguyễn Huệ có cho treo một chiếc trống đồng lớn để cư dân Lô Lô Chải đánh mỗi khi biên thùy nổi lửa, cũng xê dịch một chút chỗ Mí Sèo dựng khẩu AK. Người ta đang xây một cột cờ cao tới 17,5m, sáu mặt cột có hoa văn của sáu mặt trống đồng, nổi rõ tia nắng mặt trời lên. Ở đây nhìn sang tiểu khu Tủng Cẳng bên kia sông Nho Quế của Trung Quốc gần lắm, thấy cả những vạt đồi sim mua lúp xúp. Ở đây quay hướng nam nhìn về các bản người Mông như Min Kha, Sáy Sà Phìn gần lắm, nghe thấy cả tiếng hò hát chọc ghẹo nhau của con trai, con gái bản Cẳng Tằng. Nghe thấy cả tiếng lục lạc khua rộn rã trong các nương ngô, trong các vệt rau dền đỏ cao ngập đầu người. Nghe thấy cả tiếng thì thầm của các cổng trời đá núi im lặng và đồ sộ.

3. Ngót nghét 15 năm xa cách, tháng 11.2014 này tôi có dịp trở lại với cao nguyên đá. 5h sáng xe xuất phát ở Hà Giang để đi vào đường Hạnh Phúc. Tuyến đường ôtô Hà Giang – Đồng Văn dài 164km, mang tên đường Hạnh Phúc hoàn thành từ tháng 9.1963, nhưng phải đến mùa đông năm 1977, chặng cuối cùng của nó nối với Lũng Cú, cực bắc tổ quốc, mới được hoàn thành. Con đường ấy đã góp phần không nhỏ giải phóng đôi vai nặng gánh truyền đời của người thiểu số, đồng thời thông suốt một dải non sông từ mũi Ngọc Hiển (Cà Mau) ở cực nam xa xôi cho tới tận nơi này. Khi con đường hoàn thành cũng là lúc dân công 19 xã Đồng Văn chung tay dựng lên trên đỉnh Pỷ cột cờ Tổ quốc, lá cờ Tổ quốc như mang theo niềm tự hào dân tộc bốn mùa bay cao trên trời mây. Đường càng lúc càng lên cao, không ngừng uốn lượn, xe chúng tôi như thao thức trôi trong sương.

< Đàn ông và phụ nữ Lô Lô trong phục trang của lễ múa ma.

Đêm còn dày lắm, đôi khi ánh đèn ôtô chiếu phải một quang cảnh nghèo đói tồi tàn bên đường làm trái tim tôi như thắt lại – 15 năm rồi mà vẫn thế ư? Nó làm tôi hình dung lại chỉ 1 trận dịch cúm, sởi cuối năm 1975, đầu 1976 ở Đồng Văn mà gây mắc dịch cho 7.198 người trong toàn huyện, làm thiệt mạng tới 298 người. Diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm 21%, trong khi đó diện tích trồng ngô có trên 60% là nương đồi và hốc đá thường bị nước mưa làm xói lở, huyện đã phải phát động phong trào xếp đá làm nương bậc thang. Ít suối, chỉ có một khúc sông Nho Quế chảy qua phía bắc huyện với tổng chiều dài 10km; cả huyện chỉ có 2 con suối nhỏ có nước quanh năm, còn lại đều là suối cạn, mưa thì nước xối xả như thác lũ, tạnh mưa thì hết, nước như biến mất vào trong lòng muôn trùng đá. Hoa anh túc thì nhiều mà quần áo, ngô nương, củi đun, móng ngựa, cuốc bướm, lưỡi cày thì thiếu… Không phải. Bình minh lên, một màu xanh trải rộng chập chùng suốt tầm mắt, nơi năm nào vẫn còn hoàn toàn là đá núi xám xịt.

Non trưa đến Đồng Văn, mọi thứ thay đổi quá nhiều rồi, vẻ lam lũ đến nghẹn ngào ngày nào đã không còn nữa. Tôi đi một vòng vào công an, tòa án huyện nhưng không ghi nhận được trường hợp nào người Lô Lô phạm tội hình sự phải bị bắt giữ và xét xử trong những năm qua. Dân tộc Lô Lô vốn can trường. Tháng 4.1957, một số đặc vụ Tưởng Giới Thạch bị Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc truy quét đã chạy sang Lũng Cú, đánh chiếm trại Lô Lô, bắn giết cán bộ, làm nhục dân chúng. Dòng máu Lu Ngô Quân thiện chiến trong huyết quản trai tráng Lô Lô Chài đã chảy trở lại, họ cùng bộ đội đập bẹp bọn phản động, trói bọn đầu sỏ Tăng Nhục Sồ, Cắm Nhục Coóng, Lao Vàng… chặt như bó nứa, rồi gọi trẻ con, đàn bà, người già trốn trong hang đá trở về.

< Bản Lô Lô nhìn từ Cột cờ Lũng Cú.

Trong chiến tranh biên giới phía bắc, từ năm 1982 đến 1985, người Lô Lô và nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn đóng góp tới 933.000 ngày công xây dựng các công trình bằng bêtông kiên cố, đá kiên cố, hầm chữ A, đường giao thông hào… bình quân mỗi lao động đóng góp 62 ngày công cho nhiệm vụ quốc phòng. Kết quả chiến đấu từ 1981 đến 1985, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ huyện đã phối hợp cùng các lực lượng và nhân dân đánh trả 15 trận, tiêu diệt gần 500 tên địch, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, trong số đó chiến đấu lập công xuất sắc nhất chính là cư dân Lũng Cú. Người Lô Lô thiện chiến can trường nhưng văn minh hơn rất nhiều dân tộc khác. Người ta chỉ nổi giận khi có kẻ khác xâm phạm tới đất đai thiêng liêng của họ mà thôi. Trưởng ban Dân vận huyện Mùng Thị Chai cũng là một người Lô Lô bảo rằng, Vàng Dỉ Chu đã nghỉ hưu từ năm 2004, giờ 67 tuổi rồi nhưng vẫn còn đang khỏe mạnh: “Ông ấy là bậc cha chú của tôi”.

Ở trại Lô Lô, tháng 11 đến trâu còn chết rét, tôi mua một chiếc áo mưa mặc vào người rồi nhảy xe ôm. Đường đi nhìn qua bên kia thung lũng như những vết dao chém sâu vào thân thể núi non. Gió trên các triền đá thổi buốt xương, tròng mắt đau tới độ nhức nhối vì không quen chịu lạnh. Dỉ Chu đang đi chăn trâu, tôi phải đợi tới chập chiều. Ông về từ xa, vẫn dáng người bé nhỏ sở hữu giọng nói lớn ấy, chân đi một đôi ủng mới, phong thái hết mực chững chạc, đàng hoàng. Gặp lại ở ven đường, tôi hỏi, anh còn nhớ em không?

Dỉ Chu lưỡng lự một lát mới nhận ra, lại lôi tuột tôi qua cái cổng lớn bằng đất nện ngày nào, vào căn nhà rộng có tường trình đất dày cả mét trần ám đen bồ hóng ngày nào. Ai đó trong bản gọi điện, Dỉ Chu bảo, bạn tôi đang ở đây, để tôi chơi với bạn mình tí, giọng vui lắm, như có con chim nhỏ đang râm ran hót trong lồng ngực. Khi Vàng Thị Puốn vợ ông bưng mâm cơm lên, Dỉ Chu trịnh trọng nâng chén rượu: “Đời tôi khi còn nhỏ khổ vô cùng. Bốn bề không có chim thú vì không có rừng, đất đai khô quá trồng gỗ có sống được đâu. Ở nhà tranh, đi đường mòn, học hành không có, đói triền miên. Giờ khá hơn gấp mấy trăm lần rồi. Gạo ngô tha hồ ăn. Ba năm nữa tôi 70 tuổi. Các con tôi đều đã trưởng thành, 4 đứa ở gần tôi, 1 đứa hiện là giáo viên ở Đồng Văn, 1 đứa đi nghĩa vụ quân sự ở Tuyên Quang. Tôi tự hào là vậy”.

Người Lô Lô đời nọ nối đời kia bám đất ở, từ khi có đất có trời. Các dân tộc khác về sau, một số đất được cho, một số đất được bán. Ông cụ nhà Dỉ Chu tặng không đất cho 1 cụ họ Sùng người Mông, cắt máu ăn thề không đòi lại nữa, nhận nhau là anh em. Cả bản có 88 hộ Lô Lô, sống cách sông Nho Quế chỉ 500m. Tôi hỏi lại câu chuyện về trống đồng còn dang dở mười mấy năm về trước, ông kể rằng, giờ chỉ còn lại 1 cặp trống đực – cái, một chiếc giao cho nhà Vàng Dỉ Chánh giữ, một chiếc giao cho nhà Vàng Dỉ Khuôn giữ. Ngày xưa phải chôn giấu dưới đất vì sợ cháy nhà tranh cháy cả trống đồng, giờ nhà cửa đàng hoàng rồi.

Nhà trưởng họ mới được giữ, lỡ làm mất, chắc dân người ta đánh chết. Bản Lũng Co bên Trung Quốc cũng có người Lô Lô, có bận họ sang mượn trống về cúng, nhưng mình không cho đâu. Các cụ kể lại, xưa người cha chết thì con rể phải dùng răng cắn đứt cổ đi đem cúng, múa, nhưng bỏ từ mấy đời rồi, giờ làm sọ giả bằng tre là được. Lễ cúng với trống đồng sẽ có rượu ngô DỂ, cơm mới MUNG, quần áo mới PÍA XÍ, cơm xôi KHÁ NHẢ MUNG, gà GO, do thầy cúng MỔ CỐNG điều hành. Rồi Dỉ Chu gọi trưởng bản sang nhà, yêu cầu cho tôi xem trống và người Lô Lô trong trang phục truyền đời. Nghe Dỉ Chu bàn việc mà người tôi rung lên vì lạnh. Lạnh đến nỗi ruồi muỗi cũng không có. Chiếc điện thoại để bên gối, thoáng chốc đã đầy hơi ẩm.

4. Sáng hôm sau, Vàng Dỉ Gai qua nhà Dỉ Chu đón tôi đi xem vật thiêng của bản. Từ tinh mơ, có người đã đi 2 tiếng để tìm về loại cỏ quấn quanh người đàn ông để múa với trống đồng theo tục cổ truyền. Cỏ được quấn từ cổ chân lên tới tận đỉnh đầu, đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy thế. Chiếc trống đực của bản đã xưa cũ lắm rồi, 4 linh vật nhỏ trên mặt trống đã mòn đi, nhưng những hình tia nắng mặt trời và chim lạc vẫn còn nguyên ở đó. Chạm tay lên mặt trống mà có cảm giác hàng nghìn linh hồn từng được đưa tiễn đang quanh quẩn đâu đây…

Tại nhà trưởng bản, vợ anh Vàng Thị Xuyến đang tất bật nấu nướng cho tôi và vài người khách là Việt kiều Pháp ngủ lại nhà cô qua đêm. Tôi tranh thủ đi thăm mấy ngôi nhà tường trình đất cổ có tuổi đời trên 200 năm bên cạnh, lòng bỗng nhiên chùng lại, bởi dưới những mái nhà ấy hẳn đã có biết bao nước mắt, biết bao nụ cười. Riêng trong tháng 11.2014 này, khoảng 2.508 đoàn với 14.853 khách đã đến tham quan cột cờ Lũng Cú, trong đó khách nội địa là 2.432 đoàn/14.670 khách, khách quốc tế là 76 đoàn/183 khách, ngày đông nhất có tới 3.000 người. Vậy mà suốt cả tháng, 6 hộ làm dịch vụ homesstay tại 2 bản Lô Lô Chải và Thèn Pả chỉ đón được 23 lượt khách đăng ký ăn nghỉ. Mọi người chưa biết làm du lịch đó thôi.

Dần dần rồi sẽ biết và Lô Lô Chải nói riêng, Lũng Cú nói chung sẽ trở nên giàu có. Xuyến chăm sóc khách rất ân cần và chu đáo. Sinh năm 1982, Xuyến đẹp như một nhành tam giác mạch đơn sơ, lại sở hữu cả nét thanh tú khác biệt của tộc “Lô Lô đen” nơi đây, mà các nhà dân tộc học vẫn gọi bằng tên khác là “Di quý tộc”. Vàng Dỉ Pừ cao lớn và đẹp hơn hẳn Vàng Dỉ Chu bạn già của tôi, tự hào bảo, Xuyến là chị gái em đấy. Nhà còn có người em út nữa, đẹp lắm, Dỉ Pừ so sánh với trai Hàn Quốc. Hẳn là chủng tộc Lô Lô đang có một thế hệ người đẹp chưa từng có trong lịch sử.

Vàng Dỉ Pừ kể, Xuyến không được đi học, chỉ được học xóa mù thôi, 4 anh chị em đều thiệt thòi vì mẹ mất sớm. Năm 2002, hồi ấy chưa có điện thoại lẫn xe máy, Dỉ Pừ đang học nội trú dưới Đồng Văn, 7h tối thì có người chạy tới báo mẹ đã mất lúc 4h chiều. Cậu bé 16 tuổi quày quả chạy bộ ngược các triền non cao về được đến nhà thì đã quá nửa đêm, vừa chạy vừa khóc.

Dỉ Pừ cũng đã từng ở Hà Nội 3 năm để tìm kiếm cơ hội cho mình, nhưng cậu bảo, bầu không khí ở đó làm em thấy mệt lắm. Về quê mình, sáng nào thức dậy em cũng thấy khỏe trong người. Dỉ Pừ đã tự làm được 1 căn nhà chừng 160 triệu, có thể cậu sẽ trồng 1 đồi lê và hiện đang chờ đợi người bạn đời của mình. Dỉ Pừ khoe, cậu bắt được cá dầm xanh nặng chừng 1,5kg ở hẻm sông Nho Quế – lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe nhắc đến tên loài cá cúng vua và cúng thần linh ấy. Quanh vùng giờ nhiều cây cối lên xanh, chim đã về. Chim sẻ, chim chào mào, có cả chim trĩ nữa, không biết tự phương trời xa lạ nào bay về đây cư ngụ.

Theo Nguyễn Huy Minh (Báo Lao Động)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *