(TPO) – Vượt chặng đường hơn 50 km về hướng bắc, từ trung tâm thành phố Pleiku – tỉnh Gia Lai chúng tôi tìm đến làng Kon Solal ở xã Hà Tây, huyện Chư Păh – một trong vài ngôi làng nguyên sơ cuối cùng còn lại của đồng bào BaNa.

Theo chân anh Biên – người dẫn đường nguyên là Phó Chủ tịch xã Hà Tây, sau cả đoạn dài đường dốc quanh co chúng tôi mới nhìn thấy toàn cảnh ngôi làng nằm chênh vênh trên lưng núi, đẹp như tranh, quần thể kiến trúc hài hòa với những dãy nhà sàn, mái tranh, vách đất hoặc phên tre quây quần. Tọa lạc ở trung tâm là nhà rông rộng lớn vững chãi với hai hàng cột gỗ trắc một người ôm, mái cong cao vút.

Xung quanh làng và dưới các sàn nhà cỏ mọc um tùm vì thiếu bàn tay dọn dẹp. Trong sân vài con gà ngẩng đầu nhìn người lạ, bầy lợn đủng đỉnh ủi giun kiếm ăn. Khung cảnh yên bình và tĩnh lặng lạ thường.

Trong làng có khoảng 70 ngôi nhà sàn lợp mái tranh vách đất hoặc vách tre, nứa với kiểu dáng nhà sàn dài đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Do vị trí và địa thế xa xôi cách trở, làng gần như bị cô lập với bên ngoài. Năm 2003, theo chính sách định canh định cư, UBND huyện Chư Păh vận động dân làng Kon Solal dời ra địa điểm mới để thuận lợi điện – đường – trường – trạm. Hầu hết các hộ dân ra khu định cư mới nên trong làng chỉ còn một số người già. Ngôi làng dần bị lãng quên. Vài nhà đã nghiêng đổ liêu xiêu, mái tranh mục nát.

Cụ Chor – người chứng kiến bao thăng trầm của làng cho biết: “Tôi sống ở đây đã hơn 80 mùa rẫy, biết tin làng rời đi chỗ mới tôi buồn lắm. Vì muốn giữ những thứ cha ông dựng lên nên tôi sẽ gắn bó hết phần đời còn lại ở chốn này”.

Ưn – một thanh niên chia sẻ: “Rời xa làng, vừa phải dựng lại nhà, vừa phải tập thích nghi môi trường sống mới. Dù không còn ở làng cũ nhưng mỗi khi đi rẫy tôi đều ghé qua thăm con gà, bầy heo. Thanh niên lâu lâu vẫn hay lên làng tụ tập đánh chiêng để nhớ về nguồn cội. Tối nào cũng có 2-3 dân quân lên ngủ hàng đêm để giữ 2 hàng cột của nhà rông, và cột nhà toàn bằng gỗ trắc của dân làng khỏi sự dòm ngó của lâm tặc!”.

Những cây khế sai quả, vả, mít, ổi và mãng cầu đầy quả chín mọng rụng dưới gốc vì thiếu vắng lũ trẻ tinh nghịch. Thỉnh thoảng vào dịp cuối tuần, chúng lại rủ nhau đạp xe vào làng chơi hái trái cây, tắm mát dưới vòi nước tự chảy trong vắt chảy ồ ồ quanh năm giữa sân làng.
Đã quen gắn bó với cuộc sống bình dị trong làng, cụ Chor cũng như vài cụ già ở đây vẫn đóng khố, không muốn xa rời quê hương – “Nơi mình nhìn thấy mặt trời lần đầu tiên!”- cụ Chor nói.

Hiện số làng còn giữ được nét nguyên sơ, truyền thống thế này ở Tây Nguyên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những nơi khác, nếp nhà tranh đã thay gần hết thành nhà mái tôn, nền xi-măng hoặc lát gạch men. Ngắm làng Kon Solal, chúng tôi chạnh lòng nghĩ bảo vật văn hóa này rồi sẽ chỉ còn lại hình ảnh để người ta không nguôi tiếc về quá khứ.

Theo Báo Tiền Phong
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *