(BAVN) – Huê Nghiêm cổ tự tọa lạc trên đường Đặng Văn Bi (Quận Thủ Đức) là ngôi chùa cổ xưa nhất ở Tp. Hồ Chí Minh. Chùa là bằng chứng về trình độ kiến trúc và phong tục tập quán của người Việt trên vùng đất mới khai phá, mở ra nền văn minh trên vùng đất hoang sơ cách đây gần 400 năm.

Huê Nghiêm cổ tự được thành lập từ năm 1721 do Tổ Thiệt Thuỵ – Tánh Tường (1681-1757) xây dựng. Tên gọi chùa lấy từ tên bộ kinh Hoa Nghiêm. Huê Nghiêm Cổ Tự ban đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ xây cất trên vùng đất thấp, cách địa thế chùa hiện nay khoảng 100m. Sau đó, Phật tử Nguyễn Thị Hiên – pháp danh Liễu Đạo đã hiến đất để xây lại ngôi chùa rộng rãi khang trang ở vị trí như hiện nay.

Trải qua gần 400 năm lịch sử, Huê Nghiêm cổ tự là một di tích Phật giáo quan trọng, là nơi dừng chân, sống và hành đạo của nhiều vị danh tăng uyên thâm Phật pháp, có đạo hạnh như: Thiền sư Tế Giác – Quảng Châu tức Tiên Giác – Hải Tịnh, Thiền sư Đạt Lý – Huệ Lưu, Hòa thượng Thích Từ Văn, Hòa thượng Thích Trí Đức, Hòa thượng Thích Trí Quảng…

< Kiến trúc mô tả hình hoa sen trên những ngôi tháp ở Huê Nghiêm cổ tự.

Thiền sư Tế Giác – Quảng Châu được xem là vị Tổ quan trọng nhất ở miền Nam vào thế kỷ 19. Năm 1825, vua Minh Mạng (1791-1841) sắc phong chức Tăng cang cho ngài và bổ nhiệm trụ trì chùa Thiên Mụ, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đến đời Thiệu Trị (1807-1847), ngài được cử làm trụ trì chùa Giác Hoàng.
Ngài đã giáo dưỡng, đào tạo nhiều nhân tài cho Phật giáo và trở thành Tổ sư của cả ba tông: Lâm Tế Chánh Tông, Lâm Tế Gia Phổ và Tế Thượng Chánh Tông. NISAVA

< Các pho tượng tái hiện hình ảnh Đức Phật Thích Ca hành đạo bên gốc cây Bồ đề với nhiều cám dỗ.

Là ngôi chùa có cảnh trí đẹp, đến nay, Huê Nghiêm cổ tự đã qua nhiều lần trùng tu, trong đó lần trùng kiến lớn nhất vào cuối thế kỷ 19 do Thiền sư Đạt Lý – Huệ Lưu tổ chức. Ngày nay, mặt tiền chùa mang dáng vẻ kiến trúc hiện đại nhưng các gian phía trong vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ truyền.

< Mái xây theo kiến trúc cổ truyền.

Mái của gian mặt tiền có cấu trúc gồm 3 lớp, nhỏ dần về phía trên. Mái lợp bằng ngói ống màu đỏ, đường viền mái ngói màu xanh. Riêng các đường gờ mái chạy dài xuống cuối đầu đăng đều trang trí bằng hoa văn hình cánh sen đối xứng, giữa là hình bánh xe luân pháp, đặt trên hoa sen.

Không gian Huê Nghiêm cổ tự càng trở nên thanh tịnh khi khuôn viên chùa có nhiều cây xanh, toả bóng mát bên 9 ngôi tháp cổ với nhiều kiểu dáng khác nhau như những cánh sen vươn lên.

< Tháp thờ tự Bồ tát Quan Thế Âm.

Bên trong Huê Nghiêm cổ tự, trên những hàng cột gỗ có khắc nổi các câu đối bằng chữ Hán màu đen kết hợp với việc chạm khắc mô típ “long ẩn vân” để trang trí. NISAVA

Ở chánh điện, không gian càng trở nên tôn nghiêm nhờ cách bài trí: Chính giữa tôn trí tượng Di Đà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí); bàn thờ kế tiếp thờ Thích Ca Tam Tôn (đức Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền); trước có tượng Thích Ca Đản sanh và bảy vị Phật Dược Sư; bàn thờ hai bên thờ Bồ tát Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn và Bồ tát Di Lặc. Sau điện Phật, có bàn thờ linh vị chư Tổ và bàn thờ bà Nguyễn Thị Hiên (1763-1821) pháp danh Liễu Đạo cùng chư vị Phật tử quá cố.

< Bài trí tôn nghiêm ở Chánh điện.

Vốn là ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Tp. Hồ Chí Minh, Huê Nghiêm cổ tự thường xuyên đón tiếp người dân và du khách trong nước, nước ngoài đến tham quan, chiêm bái. Cứ vào lễ húy kỵ Tổ khai sơn  (6/10 âm lịch) và húy kỵ Tổ Huệ Lưu (ngày 12 tháng Giêng âm lịch) hàng năm, hàng nghìn lượt tăng ni, Phật tử ở khắp nơi lại về đây thăm viếng, lễ chùa cầu mong những điều tốt lành.

Theo Nguyễn Vũ Thành Đạt, Đặng Kim Phương (Báo Ảnh VN)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *