(TTO) – Gió ràn rạt thổi. Nắng lấp loáng trong lòng thung lũng. Chúng tôi đứng đây, một góc Khau Cọ dữ dội và bí ẩn, lặng lẽ và ẩn mình, thêm một lần in vào ký ức những chuyến đi…

Không được dân đi mê mẩn như những cung đèo huyền thoại Mã Pì Lèng, Pha Đin, Ô Quý Hồ hay Khau Phạ; Khau Cọ lặng lẽ và ẩn mình trên dãy Hoàng Liên Sơn, phía rừng quốc gia Hoàng Liên – Văn Bàn (Lào Cai), nơi quốc lộ 279 nối vào Than Uyên (Lai Châu).

1. Nhắc đến quốc lộ 279, nhiều người trong chúng tôi hẳn vẫn thấy nghẹn lòng. Con đường huyết mạch chạy từ Đông Bắc sang Tây Bắc được xây dựng như một tuyến phòng thủ biên giới thứ hai sau sự kiện tháng 2-1979.

< Quốc lộ 279 như dải lụa đào.

Đã có rất nhiều bộ đội Trường Sơn hi sinh khi thi công con đường vượt qua đỉnh Hoàng Liên tại đèo Khau Cọ (Cửa Gió) cao 1.200m này. Ngày nay, ngoài nhiệm vụ chiến lược là phòng thủ đất nước, quốc lộ 279 đã và đang được đầu tư, cải tạo nâng cấp nhằm phục vụ và đáp ứng nhiệm vụ kinh tế, dân sinh.

Chúng tôi từng có kế hoạch đi từ điểm đầu quốc lộ 279 tại Hoàng Bồ – Quảng Ninh căng ngang trên vùng cao phía bắc đến điểm cuối của quốc lộ tại cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) nhưng vì nhiều lý do, kế hoạch đó đến nay vẫn chỉ là một ước mơ dang dở.

< Trập trùng sóng núi.
NISAVA
Trong nhiều lộ trình, dù chỉ chinh phục được một phần, một đoạn 279 cũng luôn tạo cho chúng tôi một cảm xúc phấn khích lạ lùng, có một nguyên do nào đó rất khó gọi thành tên luôn đập rộn ràng trên ngực trái, một thứ nguyên do tôi chưa bao giờ tìm được chính xác câu trả lời.

Lần đầu tiên vượt qua Khau Cọ là một chuyến xe đêm. Hôm đó, chúng tôi có một chuyến “đi chấm” tại địa bàn Vườn quốc gia Văn Bàn giáp ranh với Than Uyên thành công nhanh ngoài kế hoạch. Ngay trong đêm, cả nhóm quyết định vượt Khau Cọ về với ánh sáng thành phố sau một ngày chinh chiến và lần mò trong rừng rậm. Ký ức Khau Cọ trong tôi là bức màn đêm đặc quánh, im lìm và đầy sợ hãi.

< Bức tranh vùng cao.

Tôi không nhìn thấy những đỉnh núi, những cánh rừng, không thấy con suối róc rách bên dưới taluy âm. Trong tiếng gầm của động cơ ôtô, vẫn như nghe văng vẳng đâu đâu tiếng thú rừng gọi bầy, tiếng chim bay táo tác, tiếng phá đá mở đường, tiếng hát hò và chuyện trò của lính. Bạn tôi vội trấn an bằng giọng nói lạnh băng: “Em đừng tự kỷ ám thị”!

2. Trở lại Khau Cọ sau 5 năm. Giấc mơ về bức tranh Khau Cọ sắc nét ngày mai sẽ được thỏa nguyện, tôi tự nhủ trước khi chìm vào giấc ngủ muộn ở thị trấn Khánh Yên (Văn Bàn). So với 5 năm trước, thị trấn có nhiều nhà cao tầng mới, đường ngang lối dọc được mở lớn, sầm uất hơn và rộn ràng hơn. Nhưng con đường ra khỏi thị trấn dường như vẫn thế, mặt đá trơ ra sau sự bào mòn của mưa nắng và thời gian, đôi chỗ ổ gà ổ voi lổn nhổn đá. Dòng Nậm Chăn vẫn chậm chạp chảy trôi, dăm cánh đồng đang vào vụ.

< Suối Nậm Chăn và cánh đồng mùa “ngơi nghỉ”.
NISAVA
Tôi bất chợt nhận ra tất cả. Con đường 5 năm trước chúng tôi đã từng đi. Đây là điểm thác ghềnh của Nậm Chăn, nơi dừng chân đón hoàng hôn của chiều trên núi. Đây là trung tâm xã Minh Lương, nơi tôi đã mua thịt xiên, bắp cải, đặt xôi cho chuyến “đi chấm” năm nào. Quãng đường tràn ngập âm nhạc từ Minh Lương đến Nậm Xé, con đường vắng bóng người, những căn nhà đơn sơ nằm rải rác trên sườn đồi.

Đây là căn nhà của trạm kiểm lâm rừng quốc gia Văn Bàn ở Nậm Xé, căn nhà vẫn nằm đơn độc bên vệ đường như thuở nào, có khác là đã khoác lên mình tấm áo rêu phong cũ kỹ. Cửa đóng im ỉm, có lẽ các đồng chí kiểm lâm đã lên đường làm nhiệm vụ.

< Than Uyên: 17km.

Tôi thoáng như thấy tiếng gió đập cánh cửa sổ trong đêm đánh thức giấc mơ của tôi trong một đêm “đi chấm”… Bạn bè năm ấy, bây giờ ở đâu?
Tôi không tìm thấy, hoặc có thể tôi quên, hoặc là cảnh vật ít nhiều thay đổi, đâu là ngầm Nậm Xi Tan nơi chúng tôi bắt đầu bỏ đường lớn tiến vào rừng tìm chấm. Một, hai, ba bốn cái ngầm đã chạy qua, mà ngầm nào tôi cũng tưởng như ngầm của chúng tôi năm ấy. Và rồi, chiếc xe lên đèo lúc nào không hay.

Núi, rừng, cỏ cây và bầu trời dường như gần lại, tôi thấy mình như lọt thỏm giữa không gian trầm tĩnh và yên ả. Không thấy bản làng, không còn nhà cửa. Hãn hữu mới thấy dăm ba chiếc xe máy đi ngược chiều, hãn hữu mới thấy một chiếc xe khách Văn Bàn vội vã chạy qua.

< Dấu ấn Khau Cọ.

Trong tầm mắt chỉ còn những trảng rừng xanh rì rậm rạp một cách bí ẩn, con đường quanh co dốc ngược, đến mỗi khúc quanh tự dưng thấy thần kinh căng lên và tay lập tức ấn còi kêu bim bim.
NISAVA
3. Còn cách Than Uyên 17km. Chúng tôi dừng xe để nhìn ngược lại chặng đường đã qua. Sự im lặng của núi rừng như đông đặc. Một dải lụa trắng như thể ai đó đánh rơi trên bức tranh màu xanh. Một chiếc xe tải chở hàng với phần thùng rất dài và hẳn tải trọng rất lớn ì ì vượt qua. Do tải nặng cộng với đường đèo nhỏ hẹp, mặt đường còn xấu nên tôi đã phải mất đến gần nửa tiếng mới tìm được chỗ vượt xe sau một quãng dài cứ lầm lì theo đuôi, có lúc phải dừng hẳn lại cho cách xa đuôi xe tải để đảm bảo an toàn.

< Thung lũng Mường Than dưới chân đèo Khau Cọ, phía Than Uyên.

Tôi không nhìn thấy biển chỉ dẫn trên đèo Khau Cọ. Tôi cũng không biết chắc đâu là đỉnh đèo, chỉ thấy sau một khúc quanh, trước mặt đã là một thung lũng rộng lớn. Đỗ vội xe vào góc đường có khoảng đất nhô ra trống trải sát mép vực, chúng tôi thêm một lần nữa, xuống xe. Bên tay trái tôi, núi trải dài và thấp dần về góc xa, con đường cheo leo hiểm nguy nay đã lại thành như dải lụa. Phía dưới tầm mắt về bên phải là cánh đồng Mường Than đang nhòa đi trong nắng.

Trong câu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nói về độ lớn của những cánh đồng Tây Bắc, “tam than” ở đây chính là cánh đồng Mường Than. Gió ràn rạt thổi. Nắng lấp loáng trong lòng thung lũng. Chúng tôi đứng đây, một góc Khau Cọ dữ dội và bí ẩn, lặng lẽ và ẩn mình, thêm một lần in vào ký ức những chuyến đi…

Theo Thủy Trần (Dulich.Tuoitre)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *