(BNA) – Vào một sáng Xuân, khi nắng vừa kịp xua tan sương sớm, chúng tôi đã có chuyến thuyền ngược dòng Lam, từ một bến sông nhỏ ở Nam Đàn. Chỉ một quãng đường sông không dài, nhưng đủ thấy sự hùng vĩ, thơ mộng của Lam giang, và hiểu vì sao, con sông ấy lại trở thành một biểu tượng văn hóa, tinh thần của người Nghệ.

Sách Đại Nam nhất thống chí viết: … sông Lam Giang, tục gọi sông Cả, có hai nguồn: Một nguồn chảy ra từ các núi phủ Trấn Biên xứ Nghệ (nay là đất huyện Samtay tỉnh Hủa Phăn Lào), phủ Trấn Ninh xứ Nghệ (nay thuộc Xiêng Khoảng Lào), chảy về phía Đông đến phủ Tương Dương xứ Nghệ qua núi Thành Nam gọi là nguồn Tương. Nguồn kia bắt đầu từ vùng núi huyện Thúy Vân xứ Nghệ chảy về phía Đông Nam vào phủ Quỳ Châu gọi là nguồn Hiếu. Hai nguồn hợp nhau chảy về Đông đến các huyện Thanh Chương, Nam Đường (nay là Nam Đàn) gặp sông Dương và sông Vũ từ phía Tây đổ vào, sông Cương từ phía Bắc chảy vào, rồi chảy đến phía Nam núi Lam Thành thì hội với sông La thành sông Tam Chế và đổ ra biển Đông tại cửa Hội.[

Sông Lam, (tên gọi khác: Ngàn Cả, Sông Cả, Nậm Khan), là một trong hai con sông lớn nhất ở miền Bắc. Sông chảy qua gần 10 huyện, thành của đất Nghệ An, qua bao núi đồi, làng mạc, gắn với bao nhiêu tuổi thơ, bao nhiêu phận đời của người dân quê Nghệ.

Trong nắng Xuân sớm, xóm làng bên sông hiện ra đẹp như một bức tranh.

Những bãi bồi trù phú bên sông.
NISAVA

Cảnh sắc đẹp như trong bài hát của nhạc sỹ An Thuyên: “Ngô mướt dài bãi quê…”.

Có những làng chài nhỏ ven sông với những bến thuyền cũng rất bé nhỏ đơn sơ. Bao người dân chài đã bám cả đời trên dòng sông mà ký thác phận mình.

Làng chài Nam Lộc với chừng gần hai mươi chiếc thuyền nằm nghiêng nghiêng sát vào nhau, quây quần nơi một bến đỗ.
NISAVA

Một người phụ nữ xóm chài Nam Lộc xuống bến thuyền để bắt đầu công việc của một ngày mới.

Và người đàn ông này, dường như quá dạn dày sông nước, với làn da đen rắn rỏi trên chiếc thuyền nhỏ bé, đơn sơ của mình “lên đường” đi đánh bắt cá trên sông.

Thời điểm này, cá mòi từ cửa biển đang ngược sông trong mùa vượt cạn. Những người dân chài lưới đang mải mê với “mùa lộc sông nước” năm nay.
NISAVA

Một con thuyền đang dừng lại, buông chài, vô tình tạo nên một nét vẽ đầy sinh động trên dòng sông xanh biếc.

Những người dân chài lưới trên sông Lam chính là những người đã góp phần sinh ra làn điệu ví, giặm – di sản của xứ Nghệ và cũng là di sản của nhân loại.

Sông Lam uốn lượn theo thế núi, thế đất mà nên dòng. Dòng sông thơ mộng trong thơ, trong nhạc và cả trong đời thực. Trong buổi sáng Xuân này, dòng sông thực sự tuyệt đẹp và bình yên.
NISAVA

Sắc xanh của mây trời, của cây lá, của bãi bồi trù phú và rong rêu ngàn đời lặng chảy dưới lòng sâu đã làm nên dòng Lam – dòng sông xanh của xứ Nghệ.

Dòng sông mang nặng phù sa bồi đắp bãi bồi, dòng sông lặng chảy bên bao nhiêu đổi thay quê hương, xứ sở. Mùa này, sông lắng sóng, thật quá đỗi dịu hiền.

Chỉ là một dải sông thuộc Nam Lộc, Nam Thượng (Nam Đàn), nhưng sông Lam đã để lại ấn tượng thật khó quên.
NISAVA
Nhìn từ trên cao, sông giống như một dải lụa đang uốn lượn và chừng muốn bay lên với sương, với nắng. Con sông của yêu thương, của nỗi nhớ bao người chợt nhiên như ngân lên câu hát: Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình.

Theo Trung Hà (Báo Nghệ An)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *