Đồn Phồn Xương nằm trong cụm di tích căn cứ Phồn Xương nay thuộc thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế. Cụm cứ điểm gồm đồn chính Phồn Xương, các đồn phụ Am Đông, Trại Cọ, Hố Lẩy, công sự Tổ Cú, đồn phụ Cả Can, đồn Hà Triều Nguyệt bao quanh trên địa bàn hai xã Phồn Xương và Tân Hiệp, xây dựng năm 1894-1895.
Đồn Phồn Xương nằm ở trung tâm thị trấn Cầu Gồ. Nơi đây Đề Thám và bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở lâu nhất chỉ đạo đường lối chiến lược chiến thuật của nghĩa quân Yên Thế. Đồn Phồn Xương cách tỉnh lỵ Bắc Giang 30 km về phía Tây; từ thành phố Bắc Giang, xuôi theo trục đường quốc lộ 1A (cũ) qua cầu sông Thương, rẽ phải theo tỉnh lộ 398 tuyến Bắc Giang-Cầu Gồ.
Đồn Phồn Xương còn có tên gọi Đồn Gồ, Đồn Cụ nằm ở phía Nam của quả đồi cao gần 20m cách suối Gồ gần 800m về phía Nam. Nay quả đồi này gọi là đồi Phồn Xương hay đồi Bà Ba thuộc thị trấn Cầu Gồ.
Đây là một căn cứ có quy mô lớn, cấu trúc khác với đồn Hố Chuối và các đồn khác. Đồn có bình đồ kiến trúc gần giống hình chữ nhật nằm chạy dọc theo hướng Bắc Nam, có diện tích chừng hơn một mẫu Bắc Bộ gồm hai vòng thành. Vòng thành ngoại bắt đầu từ sườn đồi phía Đông chạy vòng ôm lấy chân đồi lên tới đỉnh đồi phía Bắc thành hình vòng cung bảo vệ cho thành nội dài 140m, dày 0,80m và cao 4m.
Dãy tường thành nội nằm trên đỉnh ngọn đồi gần giống hình chữ nhật.
Tường thành nội mặt Đông dài 71m, mặt Bắc dài 85m. Tường đắp bằng đất nện, chân dày 2m, cao 3m và trên mặt còn rộng 1m. Bên trong tường thành có 3 cấp khác nhau có thể đứng hoặc quỳ đều bắn được. Xung quanh tường đều có lỗ châu mai. Mặt tường phía ngoài đắp dốc thoai thoải như mái nhà.
NISAVA
Đồn Phồn Xương có 3 cổng: Cổng chính trông về hướng Đông còn hai cổng phụ ở phía Nam và phía Bắc. Hai cổng phụ đều thông ra với những cánh rừng rậm xung quanh. Đặc biệt cổng phía Bắc nối liền với cánh rừng của nửa đồi còn lại. Hai cổng phụ rộng 1,50m hiện nay không còn nguyên vẹn, cổng chính cách bờ tường phía Bắc là 15m, rộng 2m có 4 bậc lên xuống.
Bên trong cổng chính còn một trạm gác nằm ở sườn tường phía Bắc hình vuông mỗi cạnh 2m. Bên trong cửa chính có hai lớp tường đất bảo vệ và chọc nhiều lỗ châu mai. Các cổng đều có hai lượt cửa, bên ngoài cổng cánh, bên trong cổng toang và đều làm bằng gỗ lim.
Đồn được bố trí ngoài cùng là các bốt gác, tiếp theo là các đồn phụ, hệ thống giao thông hào rồi lại đến vòng thành bao bọc. Khoảng cách giữa hai vòng thành chỗ rộng nhất là 20m, hẹp nhất là 10m.
NISAVA
Trong vòng thành là một không gian rộng bao gồm hệ thống nhà ở, nhà khách, nhà kho… tất cả đều là nhà tranh vách đất trộn rơm. Chỉ trừ chiếc nhà vuông tiếp khách là được xây bằng gạch. Lần lượt từ phía Bắc xuống phía Nam thành là nhà ở của Hoàng Hoa Thám và Bà Ba, nhà có 5 gian chạy theo hướng Tây Đông.
Nhà thứ hai hình vuông bốn mặt để trống dùng làm nơi họp bàn của Hoàng Hoa Thám với tướng lĩnh và tiếp khách. Nhà tiếp theo gồm hai dãy nằm sát hai cạnh Tây Đông của thành, là nhà ở của nghĩa quân. Tiếp theo gồm 8 gian nhà bếp và chuồng ngựa nằm sát ở cạnh phía Nam của thành chạy theo hướng Đông Tây, tiếp nữa là cột đèn và cột cờ.
Kiến trúc đồn Phồn Xương là một kiểu kiến trúc đặc biệt. Nó không những đáp ứng được yêu cầu là một đồn lũy thành trì mà nó còn giải quyết linh hoạt việc cơ động chiến đấu và đáp ứng được cả yêu cầu là một sở chỉ huy, nơi giao dịch nghĩa quân.
< Đồn Phồn Xương (ảnh xưa).
NISAVA
Trải qua thời gian mưa nắng, hệ thống thành lũy và các công trình nhà ở trong thành được đắp bằng đất nện cũng dễ bị bào mòn. Nay những công trình nhà ở trong thành không còn, phần tường thành cũng không còn giữ được nguyên vẹn như xưa. Riêng đoạn mặt tường thành phía Đông còn giữ được nhiều nét kiến trúc cũ. Trên tường thành còn những vết đạn lỗ châu mai khá rõ. Trong thành hiện xây đền thờ Bà Ba. Hằng năm, vào các ngày 16 tháng 3 dương lịch lễ hội Yên Thế lại diễn ra trên quần thể di tích này.
Khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ XX, con gái của cụ Hoàng Hoa Thám là bà Hoàng Thị Thế có về đây và khi mất, bà được chôn cất tại đây, trên tấm bia mộ chỉ ghi dòng chữ thật giản dị: “Bà Hoàng Thị Thế, sinh năm 1901, mất 9.12.1988”.
Có thể nói Phồn Xương chính là thủ phủ của cuộc khởi nghĩa, nơi bắt đầu để mở mang phong trào ra các địa phương. Tại đây nghĩa quân đã chiến đấu dũng cảm chống lại cuộc tiến công trên quy mô lớn của thực dân Pháp do đại tá Vát-tay chỉ huy ngày 29-1-1909. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đó, đồn Phồn Xương là một trong 23 điểm di tích được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bacgiang.gov
NISAVA TRAVEL!