Lặng lẽ nép mình trên con phố nhỏ Hoàng Văn Thụ là bức tường của những kỷ niệm nhuốm màu sương khói rêu phong. Nói không quá khi nhiều người cho rằng, đây là bức tường được chụp hình nhiều nhất tại Hội An, bức tường của lớp lớp những trầm tích quá khứ vàng son và hiện tại phảng phất hồn phố cổ.
< Biết bao nhiêu chàng trai, cô gái tìm đến với bức tường để ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng vào lúc phố vắng người.
Bức tường nằm trên phố Hoàng Văn Thụ nhưng thực chất nó thuộc ngôi nhà phía đường Nguyễn Thái Học, ngôi nhà số 42 – đoạn từ Hội quán Ngũ bang xuống phố Bạch Đằng – ngôi nhà cổ của 3, 4 thế hệ con cháu dòng họ Trần người Hoa tại Hội An, bức tường đã trở nên nổi tiếng hơn chủ nhân của chính nó.
< Một góc phố mang tên Hoàng Văn Thụ.
Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của thời gian, ngôi nhà đã có nhiều thay đổi rõ nét. Cộng thêm sự khắc nghiệt của thời tiết miền Trung: mùa nắng như thiêu như đốt, mùa mưa rả rích dầm dề, và đặc biệt là những trận lũ lụt lịch sử, bức tường vì thế cũng dần ngả màu và thêm phần hoang sơ. NISAVA
< Nơi cánh cửa nhỏ thường xuyên cài then là một giếng nước cổ. Trước đây, giếng nước cổ trong lành này phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân cả khu phố.
Tuy nhiên, dù đôi lần chỉnh trang cho ngôi nhà, nhưng người chủ dường như “bỏ quên” bức tường ấy, để nó tồn tại một cách như nhiên, mặc nhiên dãi dầu sương gió.
< Bạn hẳn sẽ ngạc nhiên đến thú vị khi phát hiện hình ảnh trái tim ẩn hiện phía góc trái của cánh cửa sổ. Đó chính là trái tim của những tâm hồn đồng điệu, trái tim muốn tìm về những giá trị vĩnh cửu của yêu thương.
Song, phải tinh ý lắm mới biết rằng, đó chính là nghệ thuật gìn giữ hồn phố của người chủ ngôi nhà, tạo nên sự khác biệt và độc đáo cho bức tường. Bởi nếu khoác lên mình nó một chiếc áo mới lộng lẫy, nó sẽ trở nên lạc điệu, nó sẽ không còn là bức tường lưu giữ hình hài của phố. NISAVA
Chỉ với hơn vài chục mét, bức tường còn như một phiên chợ quê thu nhỏ với đầu này là gánh bánh bèo bình dân, chè hạt sen, đầu kia là quán cóc xoa xoa hạt é ngọt dịu; đối diện bức tường là những cửa hiệu xôn xao du khách. Mỗi ngày đi qua, không biết bao nhiêu người đã dừng chân trước bức tường để rồi ngắm nghía, ngợi khen. Không biết bao nhiêu đôi tình nhân dựa vào đó mà ghi lại những hình ảnh lãng mạn lúc hoàng hôn hoặc buổi bình minh. Bởi sức sống, sức hấp dẫn của bức tường ấy chính là những loang lỗ, những rêu phong, những gân guốc xù xì lồi lõm khiến ta không thể vô tình mà bước qua. Đó còn chính là nơi chốn để chúng ta quay về, dẫu là người Hội An hay đối với những người chỉ một đôi lần đến với Hội An.
Tựa bức tranh thủy mặc của người họa sĩ tài hoa lỗi lạc được khiêm tốn đặt vào không gian phố cổ, đường cong của mái ngói âm dương, những ô cửa nhỏ khép hờ hững, bạn như bị mê hoặc và ngẩn ngơ về một thời quá khứ, về tuổi thơ, về những gì đã qua. Sức sống mãnh liệt của bức tường ấy chỉ có được khi bạn cảm nhận về phố với tất cả những gì sâu lắng và trân trọng. Ra đi để trở về, đó cũng chính là mong muốn của bất cứ ai dành cho Hội An, là nơi quay về của những tâm hồn đồng điệu, là nơi hội tụ của những điều bình dị đến nao lòng. Vì thế, bức tường như vô tri vô giác ấy đã trở thành điểm dừng của những bước chân lãng du khi tìm về phố cổ.
Theo Hội An Tourism.com
NISAVA TRAVEL!