(GLO)- L.T.S: Ngày 10-3-1975 Đak Lak đã được giải phóng và liên tục trong những ngày trung tuần tháng 3 năm ấy các tỉnh Kon Tum (16-3), Gia Lai (17-3) cũng đều được quân và dân Tây Nguyên tấn công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn. Trong những ngày này các tỉnh nói trên đang vui mừng kỷ niệm sự kiện vô cùng có ý nghĩa đó. Từ một góc nhìn “ngoại cảnh”, tác giả Bích Hà và Thanh Phong có loạt bài về những gì các anh cảm nhận được ở những nơi vừa đến trong các chuyến “xuyên Tây Nguyên”. Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc.

Mặc dù là láng giềng, nhưng cũng đã khá lâu rồi chưa có dịp “nằm lại” với Ban Mê, lần này tôi quyết tâm một phen thử sức đến mấy hôm liền cho bõ và được đồng nghiệp xứ Ban tận tình trợ giúp, hóa ra lại khám phá được nhiều điều mới mẻ và vô cùng bổ ích mà trước đây cứ tưởng mình “biết rồi khổ lắm nói mãi…”.

Theo nàng đi… Lăk- Thời xa xưa…

Cuộc chiến tranh thảm khốc diễn ra giữa nước và lửa đã mấy mùa rẫy, nó kết thúc với phần thắng thuộc về Thần Lửa. Và sự trả thù của người thắng trận lại giáng xuống đầu người M’Nông vô tội? Triền miên bao mùa tra hạt đi qua là bấy nhiêu mùa hạn hán, đồng khô cỏ cháy, suối sông chẳng còn giọt nước, núi non chẳng còn cây cối, muôn loài lần lượt theo tổ tông của mình ra đi về cõi vĩnh hằng… Trong khi đó, may thay có chàng trai khôi ngô tuấn tú xuất hiện sau cuộc tình giữa Thần Lửa-người chiến thắng với cô gái M’Nông xinh đẹp nhất vùng. Để chuộc lỗi cho cha mình từ… vụ trả thù kia, chàng trai đã mấy lần ra đi tìm cho buôn làng nguồn nước để cứu sống muôn loài.

Một ngày kia, trong khi ngất lịm bên vách đá vì kiệt sức bởi đã bao tháng ngày vượt rừng, leo dốc, chiến đấu với những loài thú dữ khi chúng cũng đã điên cuồng vì khô khát… thì bỗng dưng chàng thấy từ trong khe đá, một con lươn nhỏ đang nằm cũng giống như kẻ chờ chết vì kẹt trên cạn, chàng trai liền cứu lươn thoát nạn, và để trả ơn cho chàng trai tốt bụng, lươn đã đưa người đến nguồn nước… Chàng trai đã thành công vì có lươn-Lươn thần hỗ trợ. Theo trăm ngàn mạch nguồn từ rừng sâu núi thẳm tụ về một điểm, ở đấy còn có những dòng sông, con suối tận đáy ngầm thông đến tận biển xa, ra tới xứ lạ-T’nung-Biển Hồ của người Jrai, Bahnar mà quanh năm suốt tháng chẳng bao giờ khô cạn… Lăk của chúng ta bây giờ theo người xưa qua “lăng kính” của tôi là vậy!

Và chuyện của bây giờ…

Cách Ban Mê, thủ phủ của xứ cà phê với con số từ diện tích đến năng suất và sản lượng đứng vào hàng thứ nhất Đông Dương, theo con lộ quốc gia 27 về hướng “thủ đô” của xứ “ngàn hoa” chừng gần 60 cây số, chỉ hơn một giờ xe chạy với tốc độ… rùa, bởi thời giao thông không an toàn cho mấy cho dù đoạn đường thuộc vào loại tốt, thì Lăk đã xuất hiện ngay trước tầm mắt mọi người.

Mấy lần qua lại nơi này và cũng mấy lần về “thủ đô” Ban Mê nhưng Lăk vẫn còn là điều bí ẩn với tôi. Hai nữ đồng nghiệp có những bộ tên đẹp-Lan Anh và Đỗ Lan, vóc người dễ coi, dáng người dễ nhìn được sếp của báo nhà bảo làm hướng dẫn viên cho khách mà theo lời của sếp là vẫn- chưa-có… gì nên dù là ngày nghỉ cuối tuần cũng chẳng bận tâm mấy cho cơm áo gạo tiền. Nhưng quan trọng hơn thế là các nàng này “phụ trách viết lách về mảng đề tài” mà khách chắc chắn cần tìm hiểu khi cùng đi… Lăk. Lời sếp quả không sai!

Và như thế, Lăk dần hiện ra sau “bức màn” bí ẩn… Chừng hơn 500 ha mặt nước thoáng và trải rộng giữa thung lũng, bao quanh là trùng điệp núi non, ngăn ngắt xanh những cánh đồng bắp, lúa vụ Xuân đang thì con gái, yên ắng một vùng quê trên cao nguyên Lăk vào buổi bình minh, khách xa khó có thể hình dung nơi đây đã bao đời trước con người đã từng sở hữu, đã biết đem bàn tay, khối óc của mình chinh phục thiên nhiên, biến từ cái không thể trở thành cái có thể để phục vụ cho cộng đồng! Những buôn làng bao bọc quanh Lăk, những con người đang sở hữu Lăk và từ đó tìm kiếm kế sinh nhai cho dù đời sống của họ chưa lấy gì sung túc lắm. Trong những câu chuyện nghe được từ đồng nghiệp Đỗ Lan và Lan Anh với người sở tại, tôi biết người vùng quê này là thế.

Ngoài cấy trồng theo mùa vụ của nghề nông, từ sau ngày giải phóng và nhất là khi có chủ trương “mở” cho ngành công nghiệp không khói trên vùng đất tự do này, bà con còn kiêm thêm nghề hướng dẫn viên du lịch, chèo thuyền độc mộc, điều khiển voi chở khách, thu nhận người lữ hành về những ngôi nhà dài-”dài hơn cả tiếng chiêng” còn gần như nguyên bản… mà giờ đây ta đang chứng kiến đã nói lên sự chinh phục đó. Nhưng từ sự thơ mộng mênh mang trong sương sớm và róc rách theo con thuyền độc mộc với tay chèo tay chống nhẹ tênh tênh và rất điệu nghệ của cô gái M’Nông trên mặt hồ bao la, đến đong đưa và chênh vênh trên lưng một nàng voi đang vào độ “chín”, tôi không khỏi ngẫm lại bao điều xưa cũ.

… Thuở ấy, bạt ngàn những cánh rừng xa xanh thăm thẳm, nguồn cội của những dòng sông, con suối mà ở đó là những đàn voi ung dung đi dạo khi chiều buông, những loài thú quý của rừng, những chim chóc của núi cứ như chẳng thể có gì đe dọa chúng. “Hòa bình” rồi còn gì, người thắng, kẻ thua giữa Nước và Lửa cũng đã phân định rồi còn gì. Thế mà người chiến thắng, Thần Lửa kia nào đã chịu buông tha, sự trả thù ấy đã làm cho núi rừng bỗng chốc hóa thành sa mạc? Để cho muôn loài tưởng chừng như đã… diệt vong, nếu chẳng gặp may có người con không chỉ có hiếu mà còn biết trung, đã ra tay chuộc lỗi cho cha mình và sự hỗ trợ của Lươn Thần nên ta có Lăk bây giờ?

Bài học nào cho hôm nay từ câu chuyện phía sau bức màn thần bí thu lượm được… từ lúc “theo nàng đi Lăk” lần này? Giờ đây cũng vẫn còn đấy xa xa những ngọn núi điệp trùng nhưng dường như cây cối đã chẳng còn nhiều màu xanh như vốn có, cũng chẳng còn đâu những đàn chim nơi đất trời bất tận! Chợt nghĩ điều chẳng lành, có sự trả thù nào nữa chăng khi mà hiện gần như “thần lửa” đã lại sắp chiến thắng trong trận chiến lần này? NISAVA

Anh tài xế đến từ xứ lạ đôi lúc bị lúng túng khi chẳng biết quẹo trái hay quẹo phải trên những đoạn đường không rộng nhưng được thảm nhựa, uốn lượn theo những con phố nhỏ trên những con dốc nhỏ có cái tên thật đẹp-Liên Sơn, gọi là thị trấn, nơi đóng đô của các cơ quan hành chính huyện Lăk-mà không thấy một biển chỉ dẫn nào theo lệ thường đến điểm cần đến như một số khu du lịch người ta vẫn làm, để rồi lại tiếp tục chiều theo ý khách “chinh phục” nàng Lăk; nhưng rồi cũng đã bắt gặp con đường quanh co theo một triền núi thấp; trên đỉnh là nơi mà thời xa xưa ông vua cuối cùng của xứ Việt đã chọn xây cho mình một biệt thự nguy nga. Ở đây mọi người đã đủ cơ hội nhìn Lăk một cách khá bao quát. Người ta bảo đi Lăk vào chiều xuống đẹp hơn nhiều-có thể thế, vì một sáng cuối tuần đẹp trời như thế này mà không nhiều khách thập phương cho lắm.

Một cặp vợ chồng già người Âu, có vẻ vô cùng thích thú sau một vòng du ngoạn dưới Lăk trên chiếc thuyền độc mộc với sự chèo chống của một nàng M’Nông xinh xinh xuất thân từ buôn Jun bên cạnh Lăk, khi thấy chúng tôi họ đã vui vẻ cùng xếp chung vào hàng chụp ảnh làm kỷ niệm và nói những lời chúc tốt đẹp nhân mùa  Xuân đang còn hiện hữu. Ven theo mép nước phía bên này hồ, vài chiếc thuyền có vẻ quy mô so những “con” độc mộc nằm chờ khách cứ chao chao theo con sóng vỗ nhẹ, bồng bềnh và… buồn tênh. Xa hơn ngoài kia, vài cặp nam nữ dạo bộ ven bờ có vẻ như chẳng cần biết đời còn có những ai. Đôi giày với đầy bùn đất bám kín lúc xuống mép nước hồ để lên “con” độc mộc của cô gái M’Nông mà tôi vô ý lê cả nó theo chân vào biệt điện của ông hoàng Bảo Đại để lại những vết bẩn trên sàn mà khi chợt nhận ra thật lấy làm ân hận.

Vắng teo không một bóng chủ nhà, chúng tôi thận trọng dò từng bước trong căn phòng rộng với một vài món đồ lưu niệm từ thời xa xưa và tự mình tìm hiểu từ những dòng chú thích theo những tấm hình treo trong căn phòng đã cũ. Nghe nói là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của chủ nhà xứ Lăk mà thế này sao. Hay là Lăk chỉ đón người thập phương khi chiều về như lời ai đã bảo…

Chia tay Lăk với bao điều còn ẩn trong bức màn vén lên chưa hết, có thể thế để rồi ngày kia người thập phương buộc lại phải theo nàng đi… Lăk đôi lần. Vẫn biết có cái gì được mà chẳng phải có lần, có lúc, có cái mất đi, nhưng cái tính tham của con người cứ mách với tôi rằng sợ cái mất, mất hơn nhiều cho cái được, bởi trên kia, bên kia và bên kìa nữa của Lăk chơ vơ và liên miên nối nhau những đồi đá đất bạc màu, những cánh rừng mênh mông bất tận xưa của người Lăk như đã lùi đâu về dĩ vãng, suối sông giờ đây đã gần như bắt đầu cạn kiệt, dẫu chẳng có Thần Lửa, Thần Nước nào gây hấn và trả thù, chẳng có cuộc chiến nào, chẳng có cuộc tình nào để rồi lại xuất hiện chàng trai khôi ngô tuấn tú, và nữa, để có một Thần Lươn lại trả ơn người bằng một cái hồ mênh mông nước mát của Lăk như ngày nào.

Nếu như thế thì muôn loài rồi đây sẽ chẳng còn đâu nơi nương tựa-ôi, có phải tôi lo chuyện… xa vời?

Theo Bích Hà (Báo Gia Lai)

Hồ Lăk nằm bên thị trấn Liên Sơn (hay Lạc Thiện) cạnh tuyến đường giao thông giữa Buôn Ma Thuột và Đà Lạt (Lâm Đồng), cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía Nam theo quốc lộ 27. Đây là hồ tự nhiên còn lớn hơn cả Biển Hồ (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Dân tộc bản địa ở đây còn có cả một huyền thoại nói hồ sâu không đáy hoặc thông qua tận Biển Hồ. Hồ rộng trên 500 ha, được thông với con sông Krông Ana. Mặt hồ luôn xanh thẳm, xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt nước luôn phẳng lặng và có các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Theo truyền thuyết hồ Lăk được tạo ra bởi anh hùng Lăk Liêng người dân tộc M’Nông.

Còn tiếp
Bài 1 – Bài 2 – Bài 3 – Bài 4

NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *