(TBKTSG) – Nằm uy nghi dưới những rặng bồ đề còn hằn lên những dấu tích xưa ở một góc nội ô thành phố Cà Mau (khóm 3, phường 4), Quan Âm cổ tự – còn gọi là chùa Phật Tổ – còn giữ nét bí ẩn về một truyền thuyết đã có từ thuở khai hoang mở cõi ở xứ cực nam của tổ quốc.
Xa xưa, đây chỉ là một cái am nhỏ nằm bên bờ sông Quan Lộ, đến năm 1828 được dân chúng sửa thành một am thờ rộng rãi, bề thế hơn và đến năm 1842 thì được vua Thiệu Trị phong sắc tứ Quan Âm cổ tự.
Chuyện kể rằng, lúc ấy vùng đất Cà Mau vẫn còn là những dầm lầy và hang động bất tận kết bằng vòm lá cây rừng và muông thú tồn tại trong cả một thế giới hoang vu và con người chỉ đánh dấu sự có mặt của mình trên những căn nhà bên triền sông.
Trong đoàn người đi khai hoang ấy, có một chàng trai trẻ tên Tô Quang Xuân. Một hôm, chàng xách búa đi đốn củi, búa vừa bổ vào thân cây bồ đề thì phát hiện có một quyển kinh Phật cũ kỹ nằm ngay phía trong vỏ cây như thể đã được ai cố tình đặt vào đó.
Chàng trai trẻ chẳng bận tâm vì sự xuất hiện lạ thường của quyển kinh, nhưng đêm về chàng trai lại nằm mộng thấy quanh mình là một ánh hào quang. Một vị thần xuất hiện cho biết, chàng là người có căn tu. Sau đó không lâu, Tô Quang Xuân lập một am nhỏ bên cạnh gốc cây bồ đề già để tu luyện và bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Tương truyền ông có đạo hạnh hơn người, cảm hóa được cả thú dữ. Ông dùng Phật pháp để cảm hóa người ác hướng thiện và dùng y đức làm thuốc trị bệnh cứu nhân.
Cảm kích trước đức độ của người thầy thuốc, vua Thiệu Trị cho Tô Quang Xuân về trụ trì chùa Kim Chuông để có dịp đàm đạo Phật học. Nhưng chẳng bao lâu, Tô Quang Xuân qua đời. Hay tin, nhà vua rất đau buồn, bèn ban lụa là gấm vóc và sắc phong Tô Quang Xuân là hòa thượng Thích Trí Tâm, hiệu là Thượng Trí Hạ Tâm và cho xây sửa am thờ ở bên cánh rừng già thành một ngôi chùa, nay chính là Quan Âm cổ tự.
Lúc bấy giờ, tiền sảnh của ngôi chùa quay về hướng đông bắc, sau được quay về hướng tây nam và tồn tại cho đến ngày nay. Tính đên nay, Quan Âm cổ tự có niên đại gần 170 năm. Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu nhưng ngôi chùa vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa.
Mái chùa lợp ngói máng có hình quả ấn được xây dựng sắc nét với sự mô phỏng mái đình của miệt đồng bằng sông Cửu Long. Chùa được xây cất rất đẹp và được sơn phết rực rỡ. Trước sân và xung quanh đều có cây ối um tùm và trăm hoa đua nở quanh năm.
Bên trong chùa còn được trang hoàng lộng lẫy hơn. Bên phải (nhìn từ ngoài vào) là một đại hồng chung đen bóng, càng tôn thêm vẻ uy nghi cho ngôi chùa. Trong chính điện thờ rất nhiều tượng Phật, ở vị trí trung tâm là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Các bàn thờ được trang trí nhiều bông hoa, hình rồng uốn lượn, chạm trổ hết sức tinh vi và khéo léo. Đối diện gian chính điện là một bức bích họa lớn vẽ hình đức Thích Ca dưới cội bồ đề có đệ tử quỳ dâng bình bát. Gian trung điện thờ bài vị của các vị trụ trì chùa đã khuất. Gian hậu điện là nơi thờ tượng Phật nghìn mắt nghìn tay. Tượng Phật này được đặt trong lồng kiếng để ngay giữa khuôn viên gian hậu điện.
Xung quanh chùa là một khoảng không rộng lớn, gồm nhiều cây cổ thụ xung quanh và một vườn tượng hết sức hoành tráng gồm tượng Phật nằm, vườn Lâm Tỳ Ni, Thích Ca tọa thiền…
Hiện nay, nhiều hiện vật như tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng La Hán, các bức hoành phi, câu đối và nhiều đồ thờ phụng khác vẫn còn được bảo tồn, lưu giữ, minh chứng cho sự phát triển Phật giáo của thời kỳ người Việt bắt đầu những bước tiến quan trọng trong công cuộc khẩn hoang và hình thành một xã hội cộng cư với ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trên vùng đất phương Nam.
Hằng năm, cứ vào ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy âm lịch, chùa tổ chức lễ hội Nguyên Tiêu và lễ Vu Lan rất trọng thể. Mọi người từ khắp nơi lũ lượt kéo đến viếng chùa, chiêm ngưỡng, thành tâm cúng bái chật ních cả sân chùa. Ai cũng lâm râm khấn nguyện, nguyện cho cuộc sống được thanh bình, được cơm no áo ấm, được phúc lộc bình an.
Sắc tứ Quan Âm cổ tự là ngôi chùa đầu tiên của tỉnh Cà Mau được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Theo Trần Kiều Quang (The Saigon Times)
NISAVA TRAVEL!