(ANTĐ) – Hai người mới quen nhau, cùng đi một ô tô qua 215 nước trên thế giới, chinh phục 900.000 cây số, vô vàn trục trặc kỹ thuật và chín lần sốt rét, để rồi rốt cục yêu nhau. Nhưng chỉ một người được sống sót. Otto – hay câu chuyện một hành trình không ai tin có thật.
Đã 7 năm 10 tháng 4 ngày
… Gunther và bạn gái Christine rong ruổi trên đường xa vạn lý, khi họ quyết tâm ghé vào nhà hàng đầu tiên. Cũng vì lễ Giáng sinh mà họ định tự thưởng cho mình một chút xa xỉ: ăn đồ do người khác nấu cho, ngủ trên nệm êm v.v. Đó là năm 1999 ở Nam Mỹ, và họ cho rằng sẽ tìm được một con gà tây quay cho bữa tiệc Noel ở Georgetown, thủ đô Guyana, thuộc địa Anh ngày xưa.
“Christine mừng lắm”, Gunther nhớ lại. Ông ngừng kể một lát, cặp mắt xanh ánh lên sáng ngời, không ai tin ông già nhỏ thó này đã 78 tuổi. Lúc đó chỉ còn một trở ngại nho nhỏ: đường xuyên rừng mưa nhiệt đới từ Bắc Brazil qua Guyana, chưa từng có một người nước ngoài nào vượt qua.
“Tất nhiên chúng tôi sa vào vũng bùn và nằm đó mấy tiếng liền, cho đến khi trời tối sập”. Mắc võng bên ngoài thì quá nguy hiểm, đêm đó họ ngủ trên xe, thay vì gà quay là mì ăn liền với cà chua. “Chúng tôi thắp một ngọn nến để lấy không khí Giáng sinh rồi ngủ trên chiếc xe đứng nghiêng ngả”. Sáng hôm sau họ thoát được khỏi vũng lầy nhưng phải quay về Brazil.
Những khoảnh khắc như thế lặp đi lặp lại nhiều lần và có thể làm cho những phượt thủ kiên gan nhất phải nản chí, nhưng Gunther và Christine không dừng lại. Họ đi tiếp.
Đi nhiều năm nữa, qua hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hầu như họ không xung khắc hay cãi cọ lần nào, dù phải chia nhau một không gian bé xíu như cặp song sinh trong bụng mẹ. Họ tránh mọi khách sạn và nhà hàng, và cũng không bao giờ mơ đến gà quay nữa. Món xa xỉ nhất có lẽ là một chai sâm-banh giữa thảo nguyên Kazakhstan hoang vu khi đồng hồ trên xe chỉ 500.000 cây số, nhưng một nửa chai được rót lên mui chiếc xe trung thành mà họ âu yếm đặt tên là Otto.
< Gunther, Christine và Otto.
NISAVA
Họ đi và đi và đi, cho đến khi cái chết chia lìa lứa đôi.
Khởi đầu là tình cờ
… nếu như muốn tránh dùng chữ “số mệnh”. Gunther là trưởng đại diện của hãng hàng không Đức Lufthansa ở Nam Mỹ và Indonesia và phải bay rất nhiều. Lần nào nhìn qua cửa sổ xuống đất ông cũng nghĩ: ta phải đến chỗ này! Giấc mơ lớn của ông bắt đầu khi nhìn xuống đất, trong khi đa số chúng ta chỉ mơ khi ngước nhìn lên trời.
Năm 1988, ông xin về hưu non ở tuổi 50, mua một chiếc Mercedes hai cầu, thuê chở nó đến Nairobi để đi thử vài chuyến. Tháng 11-1989 ông đăng báo tìm bạn đồng hành cho những điểm đến cách xa đám đông.
< Gunther và Christine đặt chân tới Zimbabwe.
Bức tường Berlin vừa đổ được một tuần khi Christine, người CHDC Đức, đọc mẩu tin đó trên tờ báo Tây Đức đầu tiên mà cô mua trong đời trên chuyến đi đến Tây Berlin đầu tiên trong đời.
Gunther nhận được 50 thư, ông hẹn gặp ba người trong đó, nhưng chỉ Christine để lại ấn tượng tốt: “Hoàn toàn không phải cái gọi là tình yêu sét đánh. Mà chỉ vì cô ấy rất giản dị, thân thiện và chịu khó. Hơi nhút nhát. Nhìn tôi, một người Tây Đức, như một ông chú lắm tiền bên Mỹ.”
NISAVA
Cho đến lần gặp sau, Christine giấu chi tiết là mẹ đơn thân của một đứa con trai 10 tuổi. Cô sợ bị từ chối, mặc dù ban đầu họ chỉ định thử đi ngắn ngày qua châu Phi. Cô gửi con vào trường nội trú và nhờ họ hàng chăm nom.
Họ đi và đi
… qua sa mạc Sahara (khi vừa xảy ra một vụ bắt cóc du khách), qua Libya (với hai giám sát viên của Gaddafi), qua Afghanistan (đã một phần chìm trong khói lửa), lên Vòng cực Bắc ở Alaska… Dĩ nhiên có thần hộ mệnh, nhưng cũng nhờ tài tổ chức của Gunther – hình ảnh đối cực của dân ba lô. Ông thuộc lòng con số thống kê từng nước, ít khi ngủ đêm hai lần ở cùng nơi, không bao giờ đi hai lần qua một phố.
< Chỗ ngủ cho hai người ở đuôi xe.
Năm 1980, ông bỏ ra 3 năm vẽ bản đồ chi tiết đầu tiên của Jakarta và dùng tiền đó để đi đường, vì bản đồ đó được in nhiều triệu bản. Sự kiên nhẫn của người đo và vẽ bản đồ cũng rất có lợi trong hành trình. Có những nước như Cuba và Bắc Triều tiên chưa bao giờ cho du khách đem ô tô riêng nhập cảnh, nhưng Gunther bền bỉ đợi hàng năm trời để đạt mục đích, tất nhiên cũng nhờ vài quan hệ đắt giá, ví dụ như tìm ra người quen từng làm ở xưởng sửa xe hơi với một con trai của Fidel Castro.
Sẽ không đủ thời gian và giấy bút để kể lại chuyến đi của họ, may mắn là Gunther đã viết xong nhật ký hành trình với hàng trăm ảnh.
< Gunther Holtorf cùng Otto trên nóc nhà thế giới Mount Everest.
Thần hộ mệnh đã giúp họ vượt qua mọi bệnh nhiệt đới, mọi rào cản thuế quan và mọi hư hỏng kỹ thuật, song lại đầu hàng trước một khối ung thư sau tai Christine. Họ quay về Đức làm hoá trị và xạ trị. Giữa các đợt điều trị họ còn đi đến Caribé và Pháp. Khi Christine biết không qua khỏi, cô muốn làm đám cưới với người bạn-đường-và-bạn-đời của mình.
Đám cưới diễn ra Hè 2010
… và cô dâu qua đời hai quần sau đó, được mai táng cách phòng giá thú vài chục bước chân.. Ước vọng cuối cùng của cô: “Từ trên mây, em sẽ nhìn xuống xem anh làm gì với Otto”.
Vậy là Gunther lại lên đường, đôi khi với một người đồng hành mới: con trai của Christine mà ông nhận làm con nuôi, lúc này đã trưởng thành. Cùng con trai, ông đi đến Bắc Triều Tiên và lên núi Mount Everest.
4 năm sau khi goá vợ, Gunther mới chấm dứt hành trình kỷ lục được ghi trong sách Guiness. Nhưng ông không quan tâm đến kỷ lục: “Chúng tôi du hành cho chính mình.”
< Nhật ký hành trình của Gunther Holtorf.
NISAVA
Sau ngót 900.000 km và 26 năm rong ruổi, ngày 6-10-2014 Gunther ngủ đêm cuối cùng trên ghế băng sau của Otto, hôm sau ông trao xe cho chủ tịch của Daimler AG – để đưa vào bảo tàng Mercedes và làm quảng cáo.
Gunther chưa từ bỏ ý định lên đường. Lần này với tàu hoả. “Tại sao không?”, giọng ông vẫn phấn khích như một cậu bé dự định khám phá thế giới.
Nhật ký hành trình của ông với bộ ảnh độc nhất vô nhị từ mọi miền trái đất, cả ở Việt Nam, đã hoàn tất, và người chép vội lại câu chuyện này đang vất vả tìm cách mua bản quyền để – nếu mua được – dịch và xuất bản cho độc giả Việt Nam vào đầu năm sau.
Theo An Ninh Thủ Đô
NISAVA TRAVEL!