Từ sáng ngày 19.2, rất nhiều du khách đã đổ xô về Sapa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh trong tuyết trắng. Tuyết bắt đầu rơi lúc 2h, nhiệt độ xuống thấp ở mức -0,2 độ C và phủ trắng mọi vật từ khu vực điểm cao đèo Ô Quý Hồ (khoảng 2.000m) lan dần đến khu vực ngã ba Nhà máy nước (thị trấn Sa Pa, khoảng 1.600m).

Đây là lần đầu tiên tuyết rơi ở Sapa trong năm nay, tuyết khiến những cành đào Sapa đẹp lung linh trong tuyết trắng. Hiện tuyết rơi ngày càng mạnh và đã phủ một lớp 3-5 cm trên mặt đất hai bên mặt đường quốc lộ 4D Sa Pa – Lai Châu. Trong khi những du khách đổ xô lên Sapa để ngắm tuyết và hào hứng chụp ảnh… thì lại có một thục tế: Đằng sau vẻ đẹp của tuyết là sự đói khổ!

“Ở đâu cũng thế, những người nghèo là khổ nhất. Tuyết rơi lạnh thế này, đằng sau cái vẻ đẹp của nó thì nó cũng mang tới sự đói khổ. Hoa màu, gia súc thiệt hại. Cái lợi từ du lịch chỉ có tác dụng trên một số người, nhưng phần lớn những người nghèo thì thiệt hại nặng nhất”, một bạn trẻ chia sẻ.

Nhiệt độ giảm xuống âm 0,2 độ C vào sáng 19-2 khiến thị trấn Sapa có tuyết rơi với cường độ nhẹ, phủ lớp mỏng trên cây cối, nhà cửa. Một số vùng núi khác thuộc tỉnh Lào Cai như xã Y Tý (Bát Xát) – nơi nằm ở độ cao trên 2.000 m so với mặt nước biển cũng có mưa tuyết dày khoảng 5-10 cm. Hiện tuyết vẫn chưa tan hết.

Nghe tin Sa Pa có tuyết rơi, không còn sự hứng thú như những lần tuyết rơi trước, nhiều người trẻ bày tỏ sự xót xa, thương cảm với người dân Sa Pa khi hay tin có tuyết rơi.

Bạn Duy Khánh chia sẻ: “Đi leo Fansipan một lần đúng vào dịp tuyết rơi như thế này, tởn tới giờ. Ngày đầu tiên thì còn thích thú, đến tối thì lạnh không ngủ nổi, sáng hôm sau buốt cóng cả tay chân (mặc dù áo ấm khăn giày trang bị đầy đủ) đường trơn trượt leo rất nguy hiểm, cả đoàn đành bỏ cuộc khi đường lên đỉnh bị cây cối gãy đổ và tuyết chặn mất. Khi về xót nhất là thấy cảnh trâu bò chết dọc sườn núi, người dân đành đem xẻ thịt tại chỗ, như vậy là gần như mất trắng. Ảnh chụp đợt đó giờ nhìn lại vẫn phải chặc lưỡi “đẹp lạnh lùng”. Không mong tuyết rơi trên Sapa, đồng bào trên ấy khổ lắm”.

Đã từng lên Sa Pa vào đúng mùa mưa rét, cảm nhận được sự khắc nghiệt của cái lạnh cắt da cắt thịt trên đó nên Hoài Anh (Ba Đình, HN) rất đồng cảm với đồng bào trên đó: “Cách đây vài năm mình cũng tới Sapa vào mùa đông, lúc đó không có tuyết rơi nhưng cũng lạnh lắm. Mình thì mặc áo trong , áo ngoài vẫn thấy rét ơi là rét. Vậy mà vào trong bản vẫn thấy có em nhỏ chỉ tầm 3 tuổi thôi nó vẫn cởi chuồng, mặc áo thì phong phanh. Nhìn thấy mà thương quá. Bà con vùng núi của mình vẫn còn nghèo và thiếu thốn quá. Vậy mà giờ lại có tuyết rơi thì lạnh lắm”.

Còn chị Lê Thúy, quê Lào Cai, đang làm việc ở Hà Nội, nghe tin quê nhà có tuyết mà quặn lòng. “Rét buốt thế này, thương mẹ, thương các em, các cháu ở nhà quá”.

Ngay cả những bạn trẻ mê “phượt”, ưa khám phá, khi nghe tin Sa Pa lại có tuyết rơi cũng không còn hứng thú: “Đẹp thật. Nhưng chúng ta chỉ đi ngắm 1, 2 ngày thì thấy nó đẹp nhưng nhìn những đứa trẻ dân tộc phong phanh co ro trong cái rét xót xa lắm bạn ơi. Hy vọng các bạn nào đi Sapa mùa này có thể đem cho mấy em vài tấm áo ấm”, một bạn trẻ chia sẻ.

“Không biết trên đó có bao nhiêu đồng bào mình đang chịu rét và đói! Tội nhất là người già và trẻ em. Cầu mong cho nhiệt độ tăng lên, mặt trời sưởi ấm, tuyết tan”, một bạn trẻ khác tiếp lời.

Hiện tượng tuyết rơi cũng xảy ra ở nhiều nơi vùng cao phía Bắc tại Lào Cai, gồm các xã Y Tý, huyện Bát Xát. Còn tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, hiện tượng tuyết rơi cũng tái diễn lần thứ 3, tính từ giữa tháng 12.2013 đến nay, tại các xã: Tả Lủng, Giàng Chu Phìn, Cán Chu Phìn, Thượng Phùng, Xín Cái, với lượng tuyết dày từ 5 – 7 cm. Nhiệt độ trong ngày thấp nhất ở các xã vùng cao này chỉ còn 1 – 2 độ C.

NISAVA TRAVEL! tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *