(TH) – Làng Đình Bảng thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 20km về phía bắc. Làng Đình Bảng có mười lăm xóm họp lại thành một làng, cả làng thành một xã.

Quê hương Lý Thái Tổ là Cổ Pháp xưa – Đình Bảng nay, cách thủ đô và cách thành phố Bắc Ninh cùng khoảng 15km đường quốc lộ 1A, ngay địa phận giữa Hà Nội và Bắc Ninh. Vùng đất này rất người ngoan Kinh Bắc, cũng rất hùng khí Thăng Long.

Vì từng có rừng cây báng cả, làng này còn gọi là làng Báng. Một làng là một xã ngõ liền xóm, xóm liền thôn, thôn liền xã. Khi cần “ới” một tiếng là có ngay.

Đình Bảng là vùng quê sớm phát triển, từ thủa vua Hùng đã có người khai phá xây dựng xóm làng, quần tụ hai bên bờ sông Tiêu Tương, tấp nập nông, công, thương, cách sống rất Đình Bảng là:

“Anh về vui với cày bừa
Để em tay nải, gió đưa phương trời”

Đàn ông giỏi việc nhà, quản lý việc đồng áng, nuôi dạy con cái, giữ tổ ấm gia đình. Đàn bà đảm đang buôn bán mọi nơi, sẵn sang làm sang cho chồng cho con.

“Địa linh, nhân kiệt”, “xuất nhập hành thông” (đất thiêng, người giỏi, ra vào đều may mắn). Đất này sinh 9 vua Lý, người mở đầu vương triều Lý là Thái Tổ Lý Công Uẩn đã khai sáng kinh đô Thăng Long năm 1010 “vì muôn ức đời con cháu”. Đình Bảng có cả một cụm di tích lịch sử về triều Lý “chùa Ứng Tâm” (tức chùa Dặn, nơi bà mẹ Việt Nam Phạm Thị Tiên đã sinh Lý Công Uẩn ngày 12/2 năm Giáp Tuất 974), chùa Kim Đài (tức chùa Quỳnh Lâm, nơi Lý Công Uẩn có thời làm tiểu).
NISAVA
Đền Đô thờ 8 vị vua Lý. Đền Rồng thờ Lý Chiêu Hoàng (vua thứ 9 của triều Lý), đình Đình Bảng (đình Báng) kiến trúc tuyệt xảo của thế kỷ XVIII. Thọ lăng Thiên Đức nơi yên nghỉ của các vua Lý, dấu tích sông Tiêu Tương.

Chiến tranh đã phá hủy hoàn toàn chùa Ứng Tâm năm 1949, phá hủy hoàn toàn Đền Đô năm 1952. Trên đường đổi mới, nhân dân khi xây dựng nhà mình, làng mình “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ mong muốn, được sự công đức của khách thập phương, với trách nhiệm thủ lệ Đình Bảng đã xây dựng lại Đền Đô, xây dựng lại chùa Ứng Tâm, bảo tồn cả cụm di tích lịch sử triều Lý trên đất quê mình duyên dáng xưa, đẹp tình người Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”. Thời vận mới, câu sấm cổ ứng nghiệm:

“Bao giờ rừng Báng hết cây
Tào Khê hết nước, Lý này lại về!”

Vào đúng dịp kỷ niệm 1020 năm ngày sinh Lý Thái Tổ, xuân 1994 các hậu duệ thời thứ 31 của Tiên vương triều Lý từ Hàn Quốc đã tìm về cố hương Cổ Pháp – Đình Bảng, Đại Việt, Việt Nam, cảm nhận tình thương của dân tộc, dâng tộc phả, xin thề sẽ không bao giờ làm những điều gì tổn thương đến vong linh cao quý của Tiên vương triều Lý bằng cả tinh thần và sứ mạng đặc biệt.
NISAVA
Làng quê có truyền thống văn vật, Đình Bảng cách mạng vẻ vang từ năm 1940 đã là một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam. Trung ương Đảng đã họp hội nghị lần thứ 7 ở nhà cụ Đám Thi bàn về chiến lược chống phát xít.

Ngôi nhà này giờ là di tích cách mạng số 1 của xã. Từ 9 – 12/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng đã họp Hội nghị ở nhà cụ Hương Bổng.Trên cơ sở những Nghị quyết của Hội nghị này, bản Chỉ thị nổi tiếng “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã ra đời. Bác Hồ đã về thăm Đình Bảng bốn lần, lần đầu ngày 13/9/1945 (8/8 Ất Dậu, ngày giỗ Lý Thánh Tông – Vua thứ 3 triều Lý; đặt tên nước là Đại Việt năm 1054), tưởng niệm các vua Lý, biểu dương công lao của Đình Bảng đối với lịch sử và cách mạng. Bác dặn dân làng rằng: “Đình Bảng vốn có truyền thống cách mạng, cần cố gắng phát huy để xứng đáng là một làng cách mạng kiểu mẫu!”

Vâng lời Bác Hồ dạy, Đình Bảng đã kháng chiến kiểu mẫu được tặng bằng “Có Công với Nước”. Ngày nay, trên đường đổi mới đã xóa đói, giảm nghèo, đang tăng giàu, 12.000 dân với 2.800 hộ đã không ai còn phải ở nhà gianh, đang tấp nập cảnh nhà tầng, rộn khách xe, giúp nhau sản xuất đồng lúa tốt tươi, mà công, thương cũng phát triển.

Đã hàng chục năm giữ mức bình quân đầu người trên 400 kg lương thực/năm. Hàng chục công ty trách nhiệm hữu hạn ra đời, có công ty doanh số một năm lên đến chục tỷ đồng. Cuộc sống mới, tạo gương mặt mới văn hóa xã hội cho đất học, đất thơ.
NISAVA
Cả làng đã có trên 50 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ khoa học, 2 anh hung lao động, 2 nghệ sĩ nhân dân, 1 nhà giáo nhân dân, 1 nghệ sĩ ưu tú… Trường phổ thông trung học Lý Thái Tổ, trường năng khiếu Tiên Sơn, trường mầm non Đình Bảng, trường tiểu học Đình Bảng, trường trung học cơ sở Đình Bảng trên đất quê vua Lý, thầy trò cũng nỗ lực dạy và học, là những đơn vị tiên tiến nhiều năm, đẹp vườn hoa giáo dục Bắc Ninh.

Hôm về thăm Đình Bảng ở Đền Đô ngày 27/1/1995 Tổng Bí thư Đỗ Mười sau khi dâng hương tưởng niệm vua Lý, thăm các hạng mục công trình nhân dân công đức xây dựng lại, trồng cây đa lưu niệm… đã tâm sự: “Dân tộc ta, nhân dân ta đã làm nên lịch sử rất đỗi tự hào. Đình Bảng cần đổi mới để xứng đáng là quê hương vua Lý, quê hương có truyền thống cách mạng vẻ vang…”

Cây đa các đồng chí Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Lê Quang Đạo, Võ Nguyên Giáp trồng khi về thăm Đền Đô đã lớn nhanh, tươi xanh cành lá tỏa bóng mát cho người tới thăm, như vẫy gọi, nhắc nhủ mỗi người cùng phấn đấu góp sức xây dựng quê hương, đất nước mình mạnh giàu sớm trở thành “con rồng” thời đại.

Theo Dulich24
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *