(BCM) – Chúng tôi rất ngạc nhiên khi những người bạn từ Sài Gòn xuống chơi và đề nghị sang tham quan Khu du lịch Cồn Sơn với bao điều thú vị mà các phương tiện truyền thông đưa tin. Thật ngượng ngùng vì mình là dân Cần Thơ mà thật vô tâm trước sự đổi mới của một dãy đất cù lao hiện diện ngay bên cạnh thành phố vốn xưa kia được gọi là “cồn 5 không” bởi: không điện, đường, trường, trạm và nước sạch sinh hoạt.

Nằm cách trung tâm TP Cần Thơ xấp xỉ 4 km nhưng hàng chục năm qua Cồn Sơn đã phải “biệt lập” với mọi điều kiện sinh hoạt cần thiết dù địa giới hành chính thuộc khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thuỷ. Từ đó điều kiện sống, phát triển kinh tế của vùng đất đầy tiềm năng du lịch bị lãng quên.

Ông Nguyễn Văn Thọ, ngụ tại Cồn Sơn, nhớ lại: “Hồi trước buồn và tự ái lắm, ai đời nằm cách trung tâm thành phố chỉ mươi phút vậy mà thiếu thốn trăm bề, con nít thì học hành dở dang, người lớn thì làm ăn “trật vuột”, mấy mươi năm rồi mà nghèo vẫn hoàn nghèo…”.

Lần này về lại Cồn Sơn, chúng tôi khá bất ngờ trước sự đổi thay thật lạ kỳ, nhanh chóng của dãy đất cù lao trên sông Hậu.

Chị Nguyễn Thị Bé, người đã có trên 30 năm làm “thuyền trưởng” phà “mi-ni” bến Cô Bắc qua Cồn Sơn vui vẻ nói: “Hai năm nay du khách qua cồn tăng nhanh, nhất là vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, Tết nên phải tăng chuyến hoạt động gấp đôi so với trước”.

Anh Trần Thành Xuyên, thành viên tổ tư vấn du lịch cộng đồng Cồn Sơn dẫn chúng tôi men theo những khu vườn rợp mát bóng cây đến với 18 điểm du lịch dân dã (trên tổng số 78 hộ dân đang sinh sống tại đây). Chúng tôi rất ngạc nhiên khi bắt gặp cung cách phục vụ rất chân tình, duyên dáng, mang đậm dấu ấn đặc trưng của hình thái du lịch sinh thái miệt vườn.

Nét độc đáo của cách tổ chức du lịch ở đây là sự liên kết hỗ trợ nhau trong việc phục vụ du khách. Cạnh đó là mỗi điểm du lịch đều có những loại trái riêng biệt và các món ăn ngon nhưng không trùng lắp lẫn nhau dễ dẫn đến việc nhàm chán cho người thưởng ngoạn và tránh được việc phá giá lẫn nhau.

Xung quanh cồn là những đê bao rất vững chắc được bê-tông hoá, vừa tạo ra những điểm nhấn rất riêng cho dãy đất cù lao lại vừa đảm bảo an toàn cho gần 70 ha cây ăn trái trước sự tấn công của lũ. Cồn Sơn vẫn đang duy trì những ao cá công nghiệp rất lớn phục vụ cho ngành chế biến thuỷ sản đang phát triển.

Ðến đây du khách có thể thưởng thức nhiều món ăn ngon như: cá tai tượng quấn lá sen; gà hấp rau răm; lẩu cá chạch; gà nướng muối ớt; lục bình xào tép… bánh khọt, bánh ít trần, bánh lọc, bánh tằm se, bánh in… do chính người địa phương làm để phục vụ thượng đế với nét chân quê vừa thổi, vừa ăn. Cạnh đó, người tham quan sẽ được tham quan, quay phim, chụp ảnh lưu niệm hay hái trái tại chỗ những loại trái cây ngon rất Cồn Sơn như mận, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, măng cụt, xoài cát… với giá gốc, đây chính là yếu tố rất hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Bạn thích hoá thân vào vai một nông dân thực thụ để tát mương bắt cá ư? Cồn Sơn đã sẵn sàng phục vụ. Bạn muốn thưởng thức loại hình đờn ca tài tử trên sông Hậu mênh mông, trong bầu không khí tĩnh lặng, thơ mộng tràn ngập màu xanh của những vườn cây ăn trái chăng? Cồn Sơn thừa khả năng đáp ứng.

Nét rất riêng của Cồn Sơn là đội ngũ nhân viên phục vụ hoàn toàn là cây nhà lá vườn, xuất phát từ những con người đã bao đời gắn bó với dãy đất cồn này. Ðàn ông thì lãnh nhiệm vụ bơi xuồng, chạy ghe máy hướng dẫn khách tham quan; phụ nữ thì trổ tài chế biến những món ăn lạ mang đậm dấu ấn Cồn Sơn; thanh niên, thiếu nữ thì đảm đương nhiệm vụ thuyết minh, thể hiện các tiết mục văn nghệ miệt vườn khá bài bản, chuyên nghiệp.

Chị Phan Thị Kim Phước, chủ nhà vườn mi ni Song Khánh, cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, du lịch sinh thái miệt vườn trên cồn Sơn phát triển rất nhanh. Chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành du lịch không khói này cất cánh”.

Nếu như trước đây, vào các ngày nghỉ, lễ, Tết, du lịch Cồn Sơn đón khoảng 100-200 khách đến tham quan (trong đó có nhiều khách nước ngoài) thì hiện nay con số này đã tăng lên 3-4 lần. Ðiều đáng mừng là vào các ngày thường, khách đến tham quan, nghỉ dưỡng cũng tăng cao, mở ra cơ hội quảng bá, kinh doanh du lịch đầy tiềm năng.

Năm 2015, Cồn Sơn đã đón trên 150.000 khách du lịch, một con số khá hấp dẫn với vùng đất mới vào nghề kinh doanh du lịch. Thêm vào đó du lịch Cồn Sơn lại rất thuận lợi cho du khách đến tham quan bằng đường thuỷ (mất khoảng 15 phút); đường bộ khoảng 20 phút nếu xuất phát từ trung tâm TP Cần Thơ  (kể cả thời gian qua phà Cô Bắc trên sông Hậu). Cái tên “Cồn 5 không” đã thực sự đi vào quá khứ, thay vào đó là một Cồn Sơn trù phú, màu mỡ, thanh lịch, năng động.

Mô hình của du lịch Cồn Sơn đã và đang được xem là điểm đến mới đầy hấp dẫn, quyến rũ với du khách gần xa bởi nét chân quê, tĩnh lặng, nên thơ. Và nếu được đầu tư, quy hoạch, khai thác đúng tầm, đúng hướng thì trong tương lai gần, đây sẽ là điểm đến không thể thiếu với những ai có dịp đến với vùng đất Tây Ðô./.

Theo Tam Anh (Báo Cà Mau)
NISAVA TRAVEL!

Cồn Sơn phát triển du lịch cộng đồng
Dân dã đúng nghĩa du lịch Cồn Sơn
var omitformtags=[“input”, “textarea”, “select”] omitformtags=omitformtags.join(“|”) function disableselect(e){ if (omitformtags.indexOf(e.target.tagName.toLowerCase())==-1) return false } function reEnable(){ return true } if (typeof document.onselectstart!=”undefined”) document.onselectstart=new Function (“return false”) else{ document.onmousedown=disableselect document.onmouseup=reEnable }

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *