(TH) – Giếng Dừa là một trong những giếng cổ nhất của làng Cảnh Dương còn lưu giữ được cho đến ngày nay. Giếng nằm ở đầu xóm Đông Tỉnh thuộc phạm vi trung tâm làng, cách Đình Đụn, Đình Quan Cư chừng 20 mét và cạnh đó không xa là cây đa hàng trăm năm tuổi sum suê tỏa bóng.

Giếng được xây bằng đá hộc với vôi tôi trộn mật mía có đường kính khoảng 2 mét, độ sâu chừng 3 mét, nước vừa trong vừa mát và đặc biệt là không bao giờ cạn trơ đáy kể cả những năm hạn hán nhất. Về mùa mưa, nước trong giếng xâm xấp mặt đất, chỉ cần cúi mình xuống là múc được.

< Cổng làng.

Về mùa hè, nước cạn, dân làng phải vệ sinh, vét sạch đáy giếng mới bảo đảm nguồn nước cho hàng trăm hộ gia đình sinh hoạt. Người ta đặt tên cho nó là giếng Dừa bởi 4 góc sân giếng người xưa đã trồng 4 cây dừa cao sai trĩu quả.

Làng Cảnh Dương xưa (xã Cảnh Dương, Quảng Trạch ngày nay) là một làng văn vật, có trong bát danh hương của Quảng Bình được 19 vị tiền khẩn và đồng khẩn khai sáng từ năm Quý Mùi 1643. Sau khi dân cư định cư đông đúc, các nghề đánh bắt, chế biến hải sản, vận tải và buôn bán thịnh hành, làng bắt đầu xây dựng đình, chùa, đào ao, xây giếng phục vụ cho cuộc sống lâu dài.

Tất cả có 7 cái giếng được đào, xây trong thời kỳ ấy và tùy theo đặc điểm, vị trí và tác dụng của từng giếng mà các cụ đặt tên như: Giếng Nghè (nằm ở sân Đình Thành Hoàng dùng cho cúng lễ), giếng Trong, giếng Ngoài (còn gọi là giếng uống), giếng Bồ, giếng Chùa, giếng Dừa, giếng Giữa.
NISAVA
Trong các giếng trên chỉ có giếng Trong và giếng Ngoài nằm dưới chân động cát đầu làng, giáp với chân ruộng Di Lộc là nước “ngọt” dùng để uống, còn lại các giếng khác vì nước không “ngọt” nên được gọi là giếng nước “côi” chỉ dùng để nấu ăn và sinh hoạt. Ngoài các giếng được xây kiên cố trên thì dọc bờ biển phía Nam làng, ngư dân còn đào cát dưới chân động thành vũng để phục vụ cho nghề biển nên được gọi là giếng Vũng.

Giếng Dừa cũng là một trong những giếng nước “côi” nhưng vì nằm ở trung tâm lại có nhiều nước nên dân làng rất ưa thích. Đối với tuổi thơ chúng tôi thì giếng Dừa vô cùng thân thiết. Giếng chỉ cách nhà tôi chừng hơn trăm mét, vào những năm 50 thế kỷ trước, khi còn là học sinh tiểu học, chiều nào anh em tôi cũng khiêng thùng ra đây lấy nước.

Trong những buổi trưa hè nóng nực, tắm sông, nhảy cầu người đầy nước mặn, chúng tôi lại chạy ùa về giếng múc nước dội ào ào, hoặc những đêm trăng sáng, sau khi đã chơi trò “đánh du kích”, “ù mọi”… người nhễ nhại mồ hôi, chúng tôi lại cùng nhau ra giếng tắm cho thỏa thích.
NISAVA
Hàng năm cứ đến dịp Tết Nguyên đán, làng lại tổ chức “Hội nấu cơm thi, cơm cần” thì giếng Dừa là nguồn nước duy nhất được ban tổ chức chọn để phục vụ lễ hội. Khi bắt đầu khai hội, trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hò reo của hàng ngàn người, 9 phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp đại diện cho 9 đội thi trên vai tòng teng đôi quang gánh nhỏ xíu với 2 chiếc đĩa sứ bước chân thoăn thoắt từ sân Đình Đụn ra giếng Dừa múc nước đổ vào 2 chiếc đĩa rồi gánh trở về. Nước được gánh bằng đĩa, lại đi chân trần trên mặt cát lún, chỉ có những phụ nữ đảm đang, khéo tay hay làm mới gánh đủ nước về cho đội mình thi nấu cơm.

Cây đa, giếng nước, sân đình là hình ảnh của làng quê Việt Nam chúng ta. Ở làng Cảnh Dương quê tôi, giếng Dừa cũng mang đầy đủ sắc màu đó. Vào những đêm trăng sáng, bên gốc đa, bờ giếng nhiều đôi nam nữ thanh niên lại rủ nhau về đây chuyện trò tâm sự và không ít những mối tình đã nảy nở, nên duyên chồng vợ.

Thời kỳ đó, ông Đức “chợ” cán bộ văn hóa xã Cảnh Dương đã dạy chúng tôi bài hát về chiếc giếng làng mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mấy câu mở đầu thật đẹp, thật tình cảm: “Đầu làng tôi, bên bờ giếng trong – Một gốc đa soi bóng ngàn năm – Những ngày sáng trời xanh dịu mát – Từng đôi trai gái về đây tự tình… Ơ ơ ơ nay trăng rằm soi sáng tỏ – Hẹn cùng em bên gốc đa đầu làng…”.

< Một góc làng biển Cảnh Dương.
NISAVA
Giếng Dừa quê tôi nay đã hơn 350 tuổi, trải qua các thời kỳ lịch sử từ lập làng đến đấu tranh giữ nước, giếng Dừa vẫn kiên gan đứng giữa trời đất sát cánh kề vai cùng Đảng bộ, nhân dân và du kích Cảnh Dương đứng lên phá xiềng gông, khởi nghĩa Tháng Tám thành công, chiến đấu, chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên “Làng chiến đấu anh dũng”, đơn vị 2 lần được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Ngày nay, giếng Dừa không còn là nguồn nước sinh hoạt của người dân nữa bởi Cảnh Dương đã có nước của Dự án vệ sinh nước sạch cung cấp. Tuy nhiên, giếng Dừa vẫn còn đó, là chứng tích lịch sử hào hùng luôn được tôn trọng, là niềm tự hào của người dân mãi mãi trường tồn cùng quê hương đất nước.

Theo Bao Quangbinh, Doisongphapluat…
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *