Núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh 11km về phía đông bắc. Nhìn xa núi Bà Ðen như một chiếc nón úp trên đồng bằng.

Núi nằm trong một quần thể di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng bởi phong cảnh hữu tình và nhiều huyền thoại tại Tây Ninh. Quần thể di tích Núi Bà trải rộng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: Núi Heo – Núi Phụng – Núi Bà Đen. Núi Bà Đen cao 986 m cao nhất Nam Bộ.

Cách thành phố Hồ Chí Minh 110 km. Núi Bà Đen còn gọi là núi Điện Bà, còn có tên là Vân Sơn, vì thường có mây phủ. Và còn có tên là núi Một.
Hệ thống chùa Điện Bà ở núi có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà… Ngọn núi này thu hút khách thập phương vì cảnh núi non hùng vĩ, nhiều hang động, nhiều ngôi chùa nguy nga tráng lệ. Trước đây vốn là nơi ẩn cư của nhiều sư sãi.

Truyền thuyết núi Bà Đen

Có hai truyền thuyết khác nhau về Bà Đen
Câu chuyện thứ nhất về Bà Đen được lưu truyền trong dân gian như sau: Vào khoảng nửa cuối thế kỉ XVIII, những cuộc xâu xé nhau giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đã đẩy nhân dân lâm vào cảnh khốn khổ lầm than. Nguyễn Huệ dấy lên cao trào Tây Sơn dẹp thù trong giặc ngoài. Bấy giờ có người thanh niên tên Lê Sỹ Triệt, quê ở Quang Hóa (tức huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ngày nay) tài cao, chí lớn, vì nước nhà nên chia tay người yêu là Lý Thị Thiên Hương lên đường phò Nguyễn Huệ giữ nước.

Lý Thị Thiên Hương là cô gái xinh đẹp với làn da bánh mật và có đức hạnh. Người yêu lên đường vì nghĩa lớn, cô ở nhà sống trong vòng vây của cường hào ác bá nhưng vẫn một lòng chung thủy với người yêu. Vì không muốn làm tì thiếp cho bọn quan lại, nên bà quyết định lên núi đi tu và bị cọp ăn thịt. Sau khi chết, bà rất linh thiêng và phù hộ cho nhiều người trong vùng. Vì thế, thi thể bà được đem về mai táng, phụng thờ. Nhà chùa cũng đã cho lập đền thờ riêng để nhân dân đến cúng bái. Ngày nay, mỗi khi xuân về người dân khắp nơi lại đến đây hành hương, cúng bái.

Một truyền thuyết khác, Có một người con gái tên là Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen) sùng phật đạo, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và chết ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”.

Hàng năm vào dịp xuân về, từ chiều 30 tết nguyên Đán đến suốt tháng Giêng, tháng Hai âm lịch – nhất là ngày rằm tháng Giêng, du khách trong tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác ở Nam Bộ đổ về hành hương, lễ bái và tham quan du lịch rất đông đúc.

Rải khắp từ chân núi lên đến đỉnh là những quần thể kiến trúc gồm điện, chùa, miếu, tháp… hầu hết đều phản ánh những đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Nổi bật trong số những quần thể ấy là điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu (Điện Bà), bên trong có bức tượng đồng Bà Đen. Tục truyền rằng đây chính là nàng Đênh, con một vị quan ở đất Trảng Bàng, xuất gia đầu Phật rồi chết trên núi, sau linh hiển phù hộ giúp đỡ dân chúng trong vùng những lúc mất mùa đói kém hoặc gặp chuyện oan ức. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là đến hội vía Bà, khách hành hương đổ về đây lễ bái, tham quan du lịch. Có thể nói, cùng với lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam ở Châu Đốc (An Giang), hội vía Bà Đen (Tây Ninh) là một trong những nét đặc trưng của nền văn hóa dân gian Nam bộ.

Ðường lên đỉnh núi quanh co có nhiều cảnh trí do thiên nhiên tạo ra. Lên cao, về phía đông là ngọn núi Cậu, phía tây bắc là núi Heo và núi Phụng. Trong núi có rất nhiều hang động đẹp. Nhiệt độ ở đây thường thấp hơn nhiệt độ ở Tây Ninh và ở các nơi khác trong vùng.

Từ chân núi, để lên đến điện Bà, bạn có thể đi bằng ba cách: Chinh phục núi bằng đường bộ (hơn một giờ đồng hồ, khó nhọc, nhưng vui), đi cáp treo (dài 1.200m, dễ dàng chỉ mất 20 phút) và hệ thống máng trượt (lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam). Ði cách nào cũng có cái thú riêng, nhưng với các bạn trẻ, ý kiến chung đều cho rằng máng trượt là thú vị nhất.

Máng trượt ở núi Bà là một hệ thống khép kín, gồm có hai tuyến: tuyến kéo (tuyến lên) dài 1.190m và tuyến trượt (tuyến xuống) dài 1.700m.
Hệ thống tuyến kéo được đặt trên 482 trụ móng, gồm có 102 xe kéo đôi (hai người ngồi cùng một xe), với công suất phục vụ 500 người/giờ. Xuất phát từ nhà ga dưới chân núi, xe được kéo lên với vận tốc 1,2m/giây bởi một tổ hợp 3 môtơ công suất 22KW, có bộ phận chống tuột để bảo đảm xe không bị tuột dốc. Lối lên vượt qua ba đoạn đường ray và ba điểm trung chuyển mới đến Chùa Bà.

Thú nhất là khi trượt xuống bằng hệ thống máng trượt inox qua nhiều chặng quanh co, khúc khuỷu. Có đoạn xe đang chạy thẳng tắp, bỗng đến một đoạn cua xe nghiêng nghiêng chừng 400 cho bạn cảm giác thật đã. Vận tốc trượt xuống tối đa 40km/giờ, nhưng nếu không thích chạy nhanh, bạn có thể sử dụng hệ thống thắng tay để chủ động điều chỉnh tốc độ trượt.
Dưới chân núi là khu du lịch di tích lịch sử văn hóa núi Bà có diện tích rộng hành chục hecta với nhiều khu vui chơi, giải trí, dịch vụ du lịch khác.

Ánh Phượng (Chudu24)

———— oOo ————-

Nửa đêm leo núi Bà Đen

Kế hoạch tổ chức chuyến đi đêm trên núi Bà Đen vào mùa xuân nhen nhóm và nhanh chóng được sự ủng hộ nhiệt tình của nhóm sinh viên gần 20 đứa “khoái” du lịch bụi.

Đỉnh núi Bà không xa

Chúng tôi xuất phát bằng xe gắn máy từ Sài Gòn khoảng 12 giờ trưa, do chờ học xong tiết cuối. 15 giờ đã có mặt ở Tây Ninh.
20 giờ chúng tôi có mặt tại cổng khu di tích núi Bà Đen. Để lên núi bạn có hai lựa chọn, một là leo bộ, hai là ngồi cáp treo. Đoàn chúng tôi là đám sinh viên ưa mạo hiểm nên không ai chọn giải pháp thứ hai.

Đường lên núi dốc, khúc khuỷu, gập ghềnh. Thế nhưng đám sinh viên chúng tôi không mấy ai cảm thấy mệt, không dễ dàng bị khuất phục bởi đèo dốc. Tôi tự nhủ: có lẽ Bà Đen (trong câu truyện truyền thuyết thì tên thật bà là Lý Thiên Hương) phù hộ, nâng đỡ từng bước chân của mỗi du khách viếng thăm núi Bà.

Khoảng 23 giờ thì chúng tôi đến được chùa Điện Bà: Linh Sơn Tiên Thạch Trụ. Chúng tôi bất ngờ bởi lượng khách thập phương kẻ đứng người nằm, tụ tập la liệt quanh sân chùa, khắp các mái hiên. Được biết, tất cả khách thập phương tìm đến đây rồi ngủ qua đêm chỉ để chờ sáng sớm được vào điện thờ thắp nén hương cầu lành, chúc phúc cho gia đình, bè bạn được nhiều điều may mắn cho năm mới.

Nửa đêm, chúng tôi đi dạo loanh quanh, tham quan một vài địa điểm khác của chùa như nơi tượng phật nằm, vòng qua một vài đền thờ khác nữa như chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động.

Xuống núi ngắm mặt trời lên

Sáng sớm chưa đến 5 giờ, chùa Điện Bà mở cửa cho khách thập phương vào hành lễ. Chúng tôi cũng lần lượt vào thắp nhang xin lộc và cầu bình an.

6 giờ sáng, khung cảnh núi non dần hiện lên mới thật hùng vĩ. Những mái chùa cong cong, những con đường uốn lượn men theo bờ đá dần hiện rõ nét đẹp rất riêng của quần thể kiến trúc chùa chiền trên đình núi Bà.
Chúng tôi chọn một bờ đá nhô ra khỏi tầm khuất của những tán cây ven đường xuống núi để ngắm mặt trời mọc. Chiều hôm về lại tới thành phố náo nhiệt chợt quay quắt nhớ núi bà Đen với những vẻ hoang sơ và kỳ vĩ.

Theo TuoiTre

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *